Thủ tướng "nóng ruột" với nạn tín dụng đen
Tín dụng đen vẫn còn lộng hành: Ngân hàng Nhà nước có giải pháp gì? Tăng cường các giải pháp, hạn chế việc người dân phải tìm đến “tín dụng đen” |
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện một số phương thức, thủ đoạn mới, biến tướng, lợi dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp thực hiện các hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
Nguyên nhân chủ yếu do một bộ phận người dân vì nhiều lý do khác nhau có nhu cầu vay vốn không cần thế chấp tài sản; công tác tuyên truyền, phổ biến về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của "tín dụng đen" còn hạn chế, hiệu quả chưa cao; công tác quản lý Nhà nước một số lĩnh vực còn có sơ hở, thiếu sót để các đối tượng xấu lợi dụng hoạt động...
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động "tín dụng đen", Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, các địa phương thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng về ngăn chặn, xử lý hoạt động tín dụng đen.
Lãnh đạo Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước tập trung nghiên cứu, khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, phát triển hệ thống tín dụng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của Nhân dân.
Ngân hàng Nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các ví điện tử không để các đối tượng móc nối hoạt động "tín dụng đen", kịp thời xử lý các vi phạm theo quy định; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an ứng dụng dữ liệu dân cư đẩy mạnh công tác rà soát, xác thực các tài khoản ngân hàng, xử lý triệt để tình trạng sử dụng tài khoản "ảo" để hoạt động tín dụng đen.
Hoạt động cho vay tiền được quảng cáo ở nhiều ngõ phố |
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Trong khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông và an toàn thông tin, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xóa bỏ các bài viết, nội dung, hình ảnh… quảng cáo trái phép, các trang web, đường dẫn, ứng dụng có liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an ứng dụng dữ liệu dân cư đẩy mạnh công tác rà soát, xác thực các thuê bao Internet, thuê bao di động, loại bỏ ngay các SIM "rác" không để các đối tượng lợi dụng hoạt động tín dụng đen.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng thời lượng tuyên truyền, phổ biến về vay tài sản, hậu quả của tín dụng đen và kết quả đấu tranh, xử lý của cơ quan chức năng để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân; kịp thời phát hiện, phản ánh, kiến nghị với các cơ quan chức năng để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các hành vi liên quan đến "tín dụng đen" để răn đe, giáo dục phòng ngừa chung; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen", kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện và các vấn đề phát sinh.
Thủ tướng cũng giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, kịp thời triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người lao động; chỉ đạo các cơ quan, tổ chức liên quan và chính quyền cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và phương thức, thủ đoạn, hậu quả của tín dụng đen.
Các địa phương thường xuyên nắm chắc tình hình, tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật, cơ sở kinh doanh có điều kiện, kịp thời phát hiện các hoạt động tín dụng đen, xử lý nghiêm nghiêm theo quy định pháp luật các trường hợp vi phạm; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng xã, phường, thị trấn không có hoạt động tín dụng đen.
Một khảo sát của Ban Chính sách pháp luật cùng Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với gần 3.000 công nhân được công bố hồi đầu tháng 8 cũng cho thấy do khó khăn về đời sống, có 17,3% người lao động phải thường xuyên vay nợ, trong đó hơn 3% thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng bất an.
Trong khi đó, theo Thượng tá Đào Trung Hiếu - Tiến sĩ Tội phạm học, Cục Truyền thông Bộ Công an, hiện nay tín dụng đen đang hoành hành dữ dội, tấn công vào cả công nhân lao động, học sinh, sinh viên.
Người lao động không phải ai cũng có thể tiếp cận các khoản vay chính thức từ ngân hàng vì lý do không có tài sản thế chấp. Khi xảy ra những vấn đề đột xuất, họ rất cần những khoản tiền để xử lý, và đã tìm đến nguồn vay không chính thống. Do đó việc nhận diện các hiểm họa từ tín dụng đen là điều cần thiết.
Theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, trên thực tế chưa có văn bản pháp lý nào quy định thế nào là tín dụng đen, mà nó là hình thức cho vay không chính thức với lãi suất rất cao ở mức rất cao. Theo quy định của pháp luật, lãi suất cho vay không được quá 20% khoản vay đó, nếu vượt quá 5% trở lên mức 20% này là có dấu hiệu vi phạm Bộ luật Hình sự.
“Đặc điểm nhận diện của tín dụng đen có thể nói đó chính là loại hình cho vay không chính thức và lấy lãi rất cao, không cần tài sản thế chấp. Đây là hình thức cho vay tín chấp, thủ tục giải ngân vô cùng nhanh, khoảng 10 - 20 phút sau khi thỏa thuận, lãi suất ngắn hạn thường tính theo ngày”, ông Hiếu thông tin.
Theo Thượng tá Hiếu, nhiều người do túng quẫn đã thực hiện mọi yêu cầu của bên cho vay. Khi đến hạn nếu không trả thì lãi mẹ đẻ lãi con, lãi cộng gốc, tính lãi mới,… khiến người vay rơi vào vòng xoáy vô cùng mệt mỏi. Nhiều người đã phải đi vay ở app này để trả nợ cho app khác, vướng sâu vào nợ nần không lối thoát.