Thủ tướng Chính phủ: Vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Tỉnh ủy Hậu Giang |
Trong chương trình làm việc tại Hậu Giang, sáng 17/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang về tình hình, kết quả phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh và công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong thời gian vừa qua, phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, giải quyết các kiến nghị của địa phương.
Phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường
Phát biểu kết luận buổi làm việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hậu Giang với những thành tựu quan trọng đã đạt được, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của cả nước.
Dành nhiều thời gian phân tích về tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cho rằng Hậu Giang nằm ở vị trí tương đối trung tâm của vùng ĐBSCL, có hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt với tổng chiều dài khoảng 2.300 km với mật độ lớn.
Hệ thống giao thông Hậu Giang thuận tiện, với 5 trục giao thông huyết mạch, ở giao điểm của các tuyến cao tốc Bắc - Nam và Đông - Tây, gần sân bay Cần Thơ với tổng chiều dài khoảng 400 km.
Hậu Giang là một trong những trung tâm lúa gạo của vùng Tây Nam Bộ; có thế mạnh về cây lúa (lúa chất lượng cao với 32.000 ha) và cây ăn quả các loại, có nguồn thủy sản phong phú.
Hậu Giang có nhiều tiềm năng phát triển du lịch; còn giữ được cảnh quan thiên nhiên hoang sơ là một lợi thế mà ít địa phương nào trong vùng có được, đặc biệt là Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng...
Đồng tình cao với các đánh giá về những thành tựu, kết quả của tỉnh, Thủ tướng cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế: Cơ cấu kinh tế của Hậu Giang chuyển dịch còn chậm; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn thấp; đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao; hạ tầng còn chưa tương xứng tiềm năng, cơ hội, lợi thế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Tỉ trọng công nghiệp của tỉnh cũng còn thấp, tiềm năng phát triển công nghiệp vẫn chưa được khai thác tốt, chưa có ngành công nghiệp chủ lực, chủ yếu là thực phẩm và đồ uống. Phát triển doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, trung bình 253 người dân/doanh nghiệp, thấp hơn nhiều so với bình quân chung cả nước là 112 người dân/doanh nghiệp. Cơ cấu nguồn thu chưa hợp lý, cần cải thiện nhiều hơn.
Hậu Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung đều có các chỉ số về xã hội thấp so với trung bình cả nước. Chất lượng lao động chưa đáp ứng nhu cầu; đào tạo nghề còn yếu và chưa gắn với giải quyết việc làm ổn định; tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp so bình quân chung của cả nước. Tình hình đời sống, việc làm của một bộ phận nhân dân còn khó khăn. Tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao; trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp.
Thủ tướng yêu cầu, Hậu Giang tập trung tháo gỡ hai "nút thắt" về hạ tầng và nhân lực, biến khát vọng thành hành động, biến tiềm lực thành nguồn lực phát triển. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Về phương hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh cần xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi; đánh giá cao các định hướng, mục tiêu của Hậu Giang và đề nghị cần quán triệt một số quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành.
Thứ nhất, phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL và chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 13, Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và quy hoạch vùng ĐBSCL vừa được ban hành.
Trong quá trình thực hiện, phải luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, sự quản lý của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thực hiện nghiêm 5 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng.
Thứ hai, phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, sông nước của mình, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể; tận dụng hiệu quả mọi tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại, góp phần xây dựng nền kinh tế đất nước độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên.
Thứ ba, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; chú trọng sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm hiệu quả để tiếp tục phát huy, nhân rộng, tạo sức lan tỏa cao, đồng thời khắc phục bằng được các tồn tại, hạn chế, yếu kém.
Thứ tư, suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, quyết tâm giải quyết bằng được hai nút thắt về hạ tầng và nguồn nhân lực, tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch, phấn đấu đạt kết quả cao nhất, thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Thứ năm, xác định truyền thống đoàn kết, văn hóa, lịch sử, cách mạng là một nguồn lực, động lực, xung lực và cảm hứng phát triển.
Thứ sáu, tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển khai của từng cấp.
Thứ bảy, cần tiếp tục coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thứ tám, thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với biến đổi khí hậu, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Tăng cường đối thoại với người dân và doanh nghiệp
Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng yêu cầu Hậu Giang trước hết phải tiếp tục triển khai hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đặc biệt là đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm chủng vắc xin an toàn, khoa học, hiệu quả, nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội....
Trên cơ sở Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021- 2030 đã được phê duyệt, tỉnh cần đầu tư thích đáng để đẩy nhanh, hoàn thành và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, dài hạn, ổn định, lâu dài, tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển toàn diện. Quy hoạch phát huy tối đa các tiềm năng, cơ hội, lợi thế, hóa giải, khắc phục các khó khăn, thách thức. Từ quy hoạch, xây dựng các đề án, dự án cụ thể, xây dựng và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tăng cường hợp tác công tư, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp khảo sát Khu Bảo tồn Lung Ngọc Hoàng - nơi bảo tồn đa dạng sinh học thuộc dạng độc đáo nhất cả nước hiện nay, được mệnh danh là "lá phổi xanh" của ĐBSCL. (Ảnh VGP/Nhật Bắc) |
Thủ tướng yêu cầu tỉnh tăng nguồn ngân sách gắn với việc nuôi dưỡng nguồn thu; tăng cường quản lý, sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhất là đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối tỉnh Hậu Giang với vùng ĐBSCL. Tỉnh phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong vùng để đảm bảo tiến độ thực hiện các tuyến đường cao tốc, trong đó có 100 km đường cao tốc đi qua địa bàn, vận động nhân dân làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị sẵn sàng các mỏ vật liệu. Phát triển hiệu quả, khai thác tối đa giao thông đường thủy nội địa.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Hậu Giang đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp, năng lượng, công nghiệp thực phẩm, logistics.
Cùng với đó, tỉnh triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội. Phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội; Chú trọng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; Tổ chức triển khai hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Một nhiệm vụ quan trọng khác là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; tăng cường đối thoại, đồng hành và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; Tập trung cho đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Tỉnh cần tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tập trung đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.
Thủ tướng lưu ý Hậu Giang tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ, thực chất, hiệu quả với các bộ ngành, Trung ương và các tỉnh, thành phố trong vùng, phát triển Hậu Giang trong tổng thể chung của cả vùng ĐBSCL.
Thủ tướng mong muốn, Hậu Giang biến khát vọng thành hành động thiết thực và hiệu quả, biến tiềm lực thành nguồn lực, thành của cải vật chất, không để tiềm lực ngủ quên. Tỉnh phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa, nguồn lực con người, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, không trông chờ, ỷ lại, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể, góp phần đưa Hậu Giang ngày càng phát triển, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, đời sống tinh thần và vật chất ngày càng nâng lên.