Thí sinh vất vả ôn thi THPT quốc gia vì không công bố đề thi tham khảo

Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo không công bố đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia 2020   khiến nhiều học sinh lo lắng, vì sẽ vất vả hơn trong việc lên kế hoạch ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng.
Bộ GD-ĐT không công bố đề thi minh họa, giáo viên, học sinh nói gì?

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không công bố đề minh họa của kỳ thi năm 2020, thí sinh phải dựa vào đề thi THPT quốc gia 2019 để ôn tập. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo không công bố đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia 2020 khiến nhiều học sinh lo lắng, vì sẽ vất vả hơn trong việc lên kế hoạch ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng.

Thiếu nguồn tài liệu quan trọng để ôn thi

Thời điểm này năm ngoái, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề thi minh họa kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Việc công bố đề minh họa cũng được Bộ duy trì nhiều năm nay, góp phần định hướng cho học sinh và giáo viên trọng tâm kiến thức cần ôn tập, cũng như cấu trúc đề thi để thí sinh làm quen, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi năm sau. Việc này cũng giúp giáo viên, nhà trường có kế hoạch học và ôn tập sát với cấu trúc đề thi.

Tuy nhiên, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không công bố đề thi minh họa. Lý do được Bộ Giáo dục đưa ra là: Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 sẽ được tổ chức theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2019. Vì vậy, học sinh có thể dựa vào đề thi THPT quốc gia năm 2019 để ôn tập.

Những ngày qua, chủ đề "Bộ Giáo dục không công bố đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia" được học sinh và giáo viên bàn luận khá nhiều. Cảm giác chung của học sinh là hụt hẫng, vì chỉ còn 6 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi THPT quốc gia, trong khi năm nay thiếu đi nguồn tài liệu tham khảo quan trọng là đề thi minh họa.

Lê Hoàng (học sinh lớp 12 Trường THPT Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, trên thực tế, việc công bố đề thi minh họa sẽ giúp em và nhiều học sinh có thể làm quen với cấu trúc đề, tránh bỡ ngỡ khi bước vào kỳ thi chính thức. Vì vậy, việc không có đề thi tham khảo chắc chắn sẽ khiến học sinh khó khăn hơn trong việc ôn tập.

“Hiện em khá hoang mang vì không biết đề thi năm 2020 có rơi vào kiến thức lớp 10, hay lớp 11 hay không. Nếu có thì phạm vi kiến thức cần ôn tập rất rộng, dàn trải ở nhiều năm học, sẽ vất vả hơn cho học sinh”- Hoàng chia sẻ.

Nhiều học sinh khác cũng có chung tâm trạng và bày tỏ mong muốn, nếu không công bố đề thi minh họa, Bộ Giáo dục nên sớm có hướng dẫn ôn tập, hay thông tin về cấu trúc đề thi, lượng kiến thức, mức điểm ở trong chương trình lớp 10, lớp 11 chiếm bao nhiêu phần trăm trong đề thi, để học sinh cân đối thời gian ôn tập những nội dung quan trọng.

Học sinh nên ôn tập thế nào?

Hiện tại, các trường trung học phổ thông trên cả nước đang bước vào giai đoạn nước rút cho học sinh ôn tập và kiểm tra học kỳ I. Sau thời gian này sẽ bắt đầu tập trung ôn thi THPT quốc gia. Tại Hà Nội và TPHCM, để học sinh có tâm thế tốt nhất, các trường đã tổ chức thi thử giống như kỳ thi thật để tập rượt, giúp học sinh quen với quy chế và cách làm bài.

Theo đánh giá của các giáo viên, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ ổn định phương án thi THPT quốc gia 2020 như năm 2019 sẽ không gây xáo trộn tới việc dạy và học. Dù vậy, nếu không công bố đề thi minh họa cũng ít nhiều khiến học sinh gặp khó khăn. Tuy nhiên, học sinh không nên quá lo lắng, sẽ gây nên tâm lý căng thẳng, áp lực trước kỳ thi.

“Là người đảm nhiệm khối 12 và dạy luyện thi THPT quốc gia cho học sinh trong nhiều năm, tôi nhận thấy đề thi thật trong những năm qua nhìn chung cấu trúc ma trận đề bám sát với cấu trúc đề minh họa bộ đã ban hành trước đó và cơ bản ổn định ở 2017 - 2018 và 2018 - 2019.

Năm nay, bộ không công bố đề minh họa, các em học sinh không nên quá hoang mang. Cơ bản đề thi sẽ không thay đổi nhiều so với cấu trúc các năm trước, chủ yếu vẫn là kiến thức lớp 12.

Ngoài ra, học sinh cũng cần tin tưởng thầy cô luyện thi nhiều năm kinh nghiệm đang giảng dạy ở lớp, ở trường. Vì giáo viên có năng lực chuyên môn tốt mới đảm nhiệm dạy các lớp thuộc khối thi THPT quốc gia cuối cấp. Thầy cô sẽ có nhiều kinh nghiệm trong việc ôn tập cho các em” - thầy Phạm Lê Thanh (giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, TPHCM) đưa ra lời khuyên.

Cũng theo giáo viên này, học sinh nên biết chọn lọc những đề thi thử của các trường phổ thông trên cả nước, đặc biệt ở TPHCM, Hà Nội, Vinh, Vĩnh Phúc ... để rèn luyện kỹ năng làm bài. Các đề thi ở những địa phương này đa phần chất lượng, phù hợp nội dung ôn thi và bám sát cấu trúc đề thi của bộ. Điều quan trọng nhất, học sinh cần chủ động trang bị cho mình những kiến thức nền tảng và kĩ năng giải bài tập. Khi đã nắm chắc kiến thức thì sẽ tự tin bước vào kỳ thi.

Nguồn: Lao động
laodong.vn
Phiên bản di động