Thí sinh trước khi chọn nghề học hãy xác định: Tôi là ai?
Những đối tượng nào thuộc diện xét tốt nghiệp THPT đợt 2 năm 2021? Hà Nội không tổ chức thi tốt nghiệp đợt 2, xét đặc cách cho thí sinh |
Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, rất nhiều học sinh và phụ huynh lại loay hoay với việc chọn ngành, chọn trường. Có rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp, chắc chắn rằng sẽ có rất ít học sinh chỉ đăng ký duy nhất 01 nghề trước kỳ thi.
Vậy làm thế nào để có thể chọn nghề nghiệp phù hợp với kỹ năng và sở thích? Phù hợp với những giá trị mà mình mong muốn? Một nghề nghiệp có thể yêu thích và làm tốt? Còn rất nhiều câu hỏi khác khiến học sinh và phụ huynh thực sự lúng túng.
Nhưng giờ hãy liệt kê lại danh sách những nghề nghiệp đang quan tâm và dành chút thời gian để xem lại.
Hãy làm theo các bước sau mà chuyên gia định hướng nghề nghiệp Nguyễn Việt Linh hướng dẫn để có thể học sinh và phụ huynh có được sự lựa chọn nhanh chóng hơn khi thời hạn nộp hồ sơ đã cận kề.
Chuyên gia định hướng nghề nghiệp Nguyễn Việt Linh. |
Bước 1: Tôi muốn gì?
Mọi người đều tìm kiếm những điều khác nhau trong cả cuộc sống và công việc. Có người tìm kiếm sự áp lực và tiền bạc, có người tìm kiếm sự bình yên và ổn định, lại có người cần uy tín trong những người khác lại có thể tìm kiếm sự sáng tạo, … Đó là những gì bạn thực sự coi trọng và tìm kiếm trong công việc.
Hãy liệt kê 6-10 điều thực sự bạn rất coi trọng trong công việc, hãy nhớ ĐÂY LÀ NHỮNG ĐIỀU BẠN THỰC SỰ COI TRỌNG. Hãy lựa chọn đừng sợ bị người khác đánh giá hay bị ảnh hưởng bởi từ tưởng của cha mẹ, xã hội.
Ví dụ bạn muốn thu nhập cao, muốn có quyền lực… hay sự cân bằng cuộc sống, sự bình yên… cũng chẳng sao, mọi giá trị đều bình đẳng. Hãy ghi ra giấy và sắp xếp những điều bạn coi trọng thứ theo thứ tự ưu tiên, từ cao đến thấp.
Giờ hãy đánh giá tương quan những điều bạn coi trọng với danh sách các nghề nghiệp quan tâm đã được liệt kê từ đầu bằng cách cho điểm theo mức độ mình đánh giá:
- Rất phù hợp: 3 điểm
- Tương đối phù hợp: 2 điểm
- Có lẽ phù hợp: 1 điểm
- Không phù hợp: 0 điểm
- Rất không phù hợp: -1 điểm
Cộng tổng điểm của một nghề nghiệp tương quan với các giá trị mà mình coi trọng, nghề nào có điểm càng cao thì bạn càng phù hợp về mặt những mong muốn của bản thân.
Bước 2: Tôi hứng thú điều gì?
Có rất nhiều thứ có thể tạo hứng thú và động lực với công việc như: Thu nhập, môi trường làm việc, sếp, đồng nghiệp… Tuy nhiên một điều rất quan trọng là được làm gì, được sử dụng những kỹ năng nào, điều đó mang tới sự hứng thú lâu dài hơn.
Nói đơn giản những kỹ năng sẽ sử dụng trong công việc sẽ khiến cho bạn hứng thú và tạo động lực trong công việc.
Hãy nhìn vào các nghề nghiệp bạn đang quan tâm trước đó và liệt kê tất cả các kỹ năng cần thiết cho nghề này. Bạn làm điều này rất đơn giản bằng cách lên Internet và tìm hiểu các Bảng mô tả công việc với nghề này, hầu hết đều có phần yêu cầu về kỹ năng.
Chú ý ngoài các tài liệu tiếng Việt thì nên tham khảo các tài liệu tiếng Anh, sẽ nhiều thông tin hơn và đầy đủ hơn. Việc liệt kê càng đầy đủ càng tốt, nhưng nếu quên một vài kỹ năng cũng không sao vì có thể đó là những kỹ năng không được thường xuyên sử dụng.
Giờ hãy tĩnh tâm và khoanh vào những kỹ năng bạn thấy hứng thú khi sử dụng, xem lại một lần nữa để chắc chắn đó là những gì bạn hứng thú. Nghề nghiệp nào bạn được sử dụng nhiều kỹ năng mang lại sự hứng thú sẽ tạo động lực lớn hơn đối với bạn.
Bước 3: Tôi là ai?
Sự lựa chọn nghề nghiệp giờ đây đã thay đổi, các bạn trẻ đã cân nhắc đến các yếu tố của bản thân để lựa chọn thay vì chỉ nghe theo sự sắp xếp của phụ huynh.
Lựa chọn nghề nghiệp dựa trên những điểm mạnh của bản thân sẽ là một trong những yếu tố hướng đến sự thành công sau này. Hãy xem bạn giỏi gì, điều này sẽ giúp có những ý tưởng nghề nghiệp phù hợp với điểm mạnh của bạn.
Để khám phá bản thân có thể bằng cách tự đặt các câu hỏi như: Bạn thích học những môn nào? Tại sao? Vì bạn thích giáo viên dạy môn đó hay chủ đề của môn học khiến bạn hứng thú? Bạn đã học tốt những môn nào và tại sao? Bạn yêu thích khi làm việc với ngôn từ, con số, hình ảnh hay các hoạt động thể chất? ...
Nhưng có các cách khác dễ dàng và nhanh chóng hơn là sử dụng các công cụ. Vì vậy có thể tham khảo thêm các kiến thức hoặc sử dụng các công cụ rất phổ biến như DISC, MBTI, Holland Code…
Khi hiểu được điểm mạnh của bản thân bạn có thể phân tích xem những nghề nghiệp có phù hợp không? Liệu bạn có thể làm tốt không? Ví dụ các công việc bán hàng, nhân sự, giảng dạy... cần giỏi giao tiếp.
Huấn luyện viên thể thao, vận động viên, cứu hỏa.. cần có một mức độ thể chất rất tốt và bạn là người thích các hoạt động thể chất. Một số nghề nghiệp lại làm việc với con số hay sự phân tích như kế toán, kiểm thử phần mềm...
Hãy xem lại danh sách những nghề bạn đang quan tâm, xem sự phù hợp với cá nhân và điểm mạnh của mình không. Tuy nhiên còn có rất nhiều nghề nghiệp khác có thể phù hợp mà bạn chưa biết tới.
Bước 4: Rút gọn danh sách và lựa chọn
Bây giờ đã đến lúc rút gọn danh sách nghề nghiệp của bạn, hãy lựa chọn 2-3 nghề mà bạn cho là phù hợp và hứng thú. Giữ tâm lý thoải mái và cởi mở, bởi vì không chỉ có duy nhất một lựa chọn, còn rất nhiều sự nghiệp mơ ước mà bạn còn chưa biết tới. Hãy lựa chọn nghề nghiệp mà bạn quan tâm trong danh sách rút gọn.
Chú ý đến việc phù hợp với hiện trạng của bạn và gia đình hoặc chọn nghề nếu bạn thực sự rất muốn đi theo. Một ngôi nhà hay một tòa biệt thự không xây dựng trong một ngày, bạn cũng cần có thời gian để xây dựng sự nghiệp của mình.
Giờ là lúc ngồi lại bình tĩnh, lý giải một cách logic sự lựa chọn của mình có phù hợp với bước 1,2,3 hay không và tìm hiểu về lộ trình phát triển của nghề này qua các bước từ đơn giản đến phức tạp. Hãy suy nghĩ về các mục tiêu ngắn và dài hạn trong việc phát triển sự nghiệp.
Luôn có nhiều con đường cho lựa chọn nghề nghiệp.
Không chỉ có một con đường dẫn đến đích đến là sự thành công trong sự nghiệp, cho dù là nghề nghiệp nào đi chăng nữa. Bạn có thể học đại học, học cao đẳng, học nghề hoặc đi làm...
Bạn có thể bắt đầu với một công việc đơn giản, ở vị trí cấp dưới, làm việc theo cách của bạn,... rồi dần phát triển đi lên. Nhưng có một điều chắc chắn để thành công đó là thái độ tích cực với công việc, luôn học hỏi và phấn đấu vươn lên.
Chuyên gia định hướng nghề nghiệp Nguyễn Việt Linh