Thêm 3 người dương tính với bệnh bạch hầu, 31 người phải cách ly

Ngoài trường hợp cháu bé 6 tuổi tử vong đã được xác định nhiễm bệnh bạch hầu, đã có thêm 3 ca có kết quả dương tính với bệnh bạch hầu vừa được phát hiện tại xã Ea H'Dinh, huyện Cư M'gar, Đăk Lăk, đồng thời có 31 ca đang được cách ly theo dõi tại các cơ sở điều trị.  
Những điều cần biết về bạch hầu - căn bệnh có thể gây tử vong trong 6 ngày Hơn chục người nhập viện sau dự lễ tang bé gái nghi do bệnh bạch hầu Bộ Y tế yêu cầu đảm bảo cung ứng vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván

3 trường hợp đã xác định nhiệm bệnh đều là người thân của bé gái đã tử vong.

Liên quan đến trường hợp bé gái 6 tuổi tử vong vì bệnh bạch hầu, chiều 3/9, đại diện Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện đã xác định thêm 3 trường hợp nhiễm bệnh (dương tính) này.

"Cả 3 ca bệnh đều trong một gia đình ở buôn H’Ring, xã Ea H’Đinh, huyện Cư Mgar, đều là người nhà của bé gái 6 tuổi vừa tử vong vì bạch hầu hôm 30/8" - Vị đại diện sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho hay.

31 người liên quan phải nhập viện cách ly là những người có tiếp xúc với em bé hoặc tham gia viếng thăm trong đám tang của nữ bệnh nhi, có một số triệu chứng của bệnh, như sốt, ho. Trong số này, người lớn tuổi nhất 45 tuổi, trường hợp ít tuổi nhất sinh năm 2017.

Có 8 bệnh nhân cách ly theo dõi ở Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên, số còn lại đang theo dõi ở cơ sở y tế tuyến huyện và xã.

them 3 nguoi duong tinh voi benh bach hau 31 nguoi phai cach ly
Thêm 3 người dương tính với bệnh bạch hầu, 31 người phải cách ly

Ông Phạm Văn Lào - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết đơn vị này đã gửi mẫu của 31 bệnh nhân đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm, nuôi cấy, không phát hiện vi khuẩn bạch hầu. Tuy nhiên, theo quy định, các bệnh nhân phải được theo dõi đủ 7 ngày cách ly mới được ra viện. Có những trường hợp đã theo dõi 5 ngày, nghĩa là chỉ 2 ngày nữa họ sẽ được ra viện.

them 3 nguoi duong tinh voi benh bach hau 31 nguoi phai cach ly
Lực lượng chức năng vào vùng có ổ dịch bạch hầu

“Ngay sau khi có bệnh nhân tử vong do bạch hầu, ngành y tế tỉnh đã cấp thuốc đặc trị cho người dân trong vùng xuất hiện ca bệnh; đồng thời tổ chức diệt khuẩn bằng hóa chất, cắm biển cảnh báo cách ly, hạn chế người dân đi vào vùng có ca bệnh. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong công tác phòng chống bệnh bạch hầu hiện nay là các cơ sở y tế chưa có khu cách ly khép kín từ khâu khám, chẩn đoán đến điều trị bệnh nhân” – Ông Lào nói.

Cũng theo ông Lào, bé gái 6 tuổi tử vong vì bạch hầu là trường hợp đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk sau 16 năm trở lại đây. Tại Tây Nguyên, năm 2018, Kon Tum ghi nhận 2 ca tử vong vì bệnh này. Trong khoảng 11 năm trước đó, bệnh này vắng bóng ở Kon Tum.

Nhập khẩn 10.000 cơ số thuốc

Như thông tin Tuổi trẻ và Pháp luật đưa trước đó về việc một bệnh nhi có tên H’Si Yan (SN 2013, ngụ buôn H’Ring, xã Ea H’Đing, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) mắc bệnh bạch và vào ngày 22-8, đã điều trị tại phòng khám tư nhân nhưng không đỡ.

Đến 10 giờ ngày 29/8, bệnh nhân nhập viện Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar và được chuyển lên bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trưa cùng ngày với chẩn đoán viêm họng giả mạc, chưa loại trừ bạch hầu.

Đến khoảng 23 giờ 30 phút cùng ngày, bệnh nhân lên cơn khó thở, rút lõm lồng ngực, kích thích, đồng tử 2 bên giãn, phản xạ ánh sáng kém, chẩn đoán bạch hầu thanh quản, suy hô hấp độ 4. "Lúc 1 giờ 40 phút ngày 30/8, người nhà xin về và tử vong trên đường về".

them 3 nguoi duong tinh voi benh bach hau 31 nguoi phai cach ly
Ổ dịch xuất phát từ buôn H'Ring, nơi người dân không tiêm chủng bệnh bạch hầu

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, ổ dịch xuất phát từ buôn H’Ring - nơi người đồng bào dân tộc Xê Đăng sinh sống, xưa giờ người dân ở đây không thực hiện việc tiêm chủng. Chính quyền địa phương và ngành y tế đã cắm bảng cảnh báo ổ dịch, hạn chế người đi vào để bao vây ổ dịch. Đồng thời, động viên những người có uy tín trong buôn đề nghị tuyên truyền cho người dân hiểu để uống thuốc phòng bệnh và tiêm chủng đầy đủ. Ngành y tế cũng đã nhập gấp 10.000 cơ số thuốc để phát cho người dân uống phòng chống dịch

Theo tìm hiểu của phóng viên, bạch hầu thuộc nhóm B trong luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Bạch hầu là một bệnh bắt buộc phải khai báo. Tất cả bệnh nhân viêm họng giả mạc nghi bạch hầu phải được vào viện để cách ly đường hô hấp nghiêm ngặt cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hai lần âm tính. Những người tiếp xúc mật thiết với bệnh nhân phải được xét nghiệm vi khuẩn và theo dõi trong vòng 7 ngày.

Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, được bổ sung bởi Điều 1 Quyết định 740/QĐ-BYT năm 2016 thì bệnh truyền nhiễm nhóm B là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B bao gồm bệnh do vi rút Zika, bệnh do vi rút A-đê-nô (Adeno); bệnh do vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); bệnh bạch hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh ho gà; bệnh lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người; bệnh lỵ A-míp (Amibe); bệnh lỵ trực trùng; bệnh quai bị; bệnh sốt Đăng gơ (Dengue), sốt xuất huyết Đăng gơ (Dengue); bệnh sốt rét; bệnh sốt phát ban; bệnh sởi; bệnh tay-chân-miệng; bệnh than; bệnh thủy đậu; bệnh thương hàn; bệnh uốn ván; bệnh Ru-bê-ôn (Rubeon); bệnh viêm gan vi rút; bệnh viêm màng não do não mô cầu; bệnh viêm não vi rút; bệnh xoắn khuẩn vàng da; bệnh tiêu chảy do vi rút Rô-ta (Rota)

Đinh Linh
Phiên bản di động