Thế giới tiếp tục ghi nhận thời tiết bất thường
Quốc gia nào hứng chịu nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan nhiều nhất Các hiện tượng thời tiết cực đoan liên tục xảy ra Khí hậu như thời cổ đại trên Trái đất có thể sẽ được đánh thức lại |
Thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã ghi nhận ngày thứ 141 liên tiếp nhiệt độ lên tới trên 25 độ C vào ngày 4/11 vừa qua.
Đây là kỷ lục mới sau năm 2009 khi lần đầu tiên vùng trung tâm Tokyo ghi nhận một ngày có nhiệt độ lên tới 25°C vào tháng 11. Mức nhiệt này thường chỉ xuất hiện trong mùa hè ở nước này và là mức được định nghĩa là ngày hè.
Trước đó, vào cuối tháng 9, Đài Phát thanh - Truyền hình công cộng Nhật Bản đưa tin, năm 2023 đã ghi nhận 90 ngày hè nắng nóng ở trung tâm Thủ đô Tokyo. Đây là kỷ lục nhiều ngày hè nhất trong một năm ở thành phố này.
Ngày 4/11/2023, tại Shibuya, Thủ đô Tokyo, thời tiết như mùa hè đã khiến nhiều người đi bộ phải mặc áo cộc tay (Ảnh: Mainichi) |
Nhóm nhà nghiên cứu khoa học từ Đại học Tokyo thuộc Viện Nghiên cứu Khí tượng của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết, đợt nắng nóng kỷ lục vào mùa hè 2023 ở nước này là hiện tượng 6 thập kỷ mới xảy ra một lần. Nguyên nhân chỉ có thể là do biến đối khí hậu.
Ở Châu Âu, giới chức Italy cảnh báo, nước này chuẩn bị hứng chịu đợt thời tiết khắc nghiệt mới. Mưa lớn, nguy cơ gây ngập lụt có thể xảy ra ở nhiều vùng tại miền Trung và Bắc Italy trong khi nhiệt độ miền Nam được dự báo ở mức cao.
Theo Hiệp hội Nông nghiệp Italy, các điều kiện thời tiết thất thường, khó dự đoán đã làm sản lượng lúa mì giảm 10%; sản lượng cherry thấp hơn 60% so với thông thường và thu hoạch mật ong cũng thấp hơn 70% so với năm ngoái.
Trong 18 tháng qua, Italy đã trải qua hàng loạt đợt thời tiết khắc nghiệt, từ nhiệt độ cao kỷ lục và hạn hán trong mùa hè 2022 - 2023 đến các vụ cháy rừng, lũ lụt, lở đất, gió mạnh và mưa đá.
Tương tự, Cơ quan Khí tượng Australia (BOM) thông báo, tháng 10/2023 nóng nhất trong 20 năm qua; lượng mưa trung bình cả nước thấp hơn 65,4% so với lượng mưa trung bình các tháng 10 trong giai đoạn 1961 - 1990.
Theo BOM, tất cả các bang và vùng lãnh thổ của Australia, ngoại trừ Victoria, đều có lượng mưa thấp hơn mức trung bình của tháng 10.
Ở Tây Australia, tháng 10/2023 xảy ra hiện tượng khô hạn nhất trong lịch sử thu thập dữ liệu của bang này từ năm 1900. Lượng mưa trên toàn bang thấp hơn 83,5% so với mức trung bình. Trong khi đó, lượng mưa trên mức trung bình ở hầu hết khu vực phía Đông bang Victoria kéo sang vùng lân cận ở bang New South Wales.
BOM cũng chỉ ra rằng nhiệt độ trung bình quốc gia trong tháng 10 vừa qua ấm hơn 1,05 độ C so với mức trung bình nhiệt độ giai đoạn 1961 - 1900 trên cả nước. Điều đó dẫn tới hình thành một hệ thống áp suất cao bao trùm toàn bộ lục địa.
Thời tiết khô và nóng cùng với gió mạnh và gió giật càng làm gia tăng nguy cơ cháy rừng ở mức nghiêm trọng tại nhiều vùng trên cả nước Australia.
Nhiều vụ cháy đã xảy ra ở các vùng phía Bắc và Đông của đất nước này. Các đợt sóng nhiệt ngày càng tăng về tần suất và cường độ cũng khiến số người nhập viện vì thời tiết khắc nghiệt.
Theo báo cáo của Viện Y tế và An sinh Australia, số người nhập viện vì bị thương do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt như sóng nhiệt, cháy rừng và bão đã tăng trong 10 năm qua.
Một khu vực ở thành phố Acapulco, Mexico, sau khi bị bão Otis quét qua (Ảnh: AP) |
Tại Mexico, giới chức nước này cho biết, cơn bão Otis đã khiến ít nhất 46 người đã thiệt mạng và 58 người vẫn mất tích. Trong đó, thành phố Acapulco, bang Guerrero là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Ban đầu, Otis được phân loại là bão nhiệt đới nhưng chỉ sau 24 giờ đã đổ bộ gần Acapulo với sức gió lên đến 266km/giờ. Đây là cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ ở Đông Thái Bình Dương. Đáng chú ý, chỉ trong vòng 12 giờ, sức mạnh của bão đã tăng gấp đôi, với sức gió từ 113km/giờ lên 257km/giờ. Đây cũng là một kỷ lục.
Các nhà khoa học cho biết, bão Otis mạnh lên chóng vánh trong vài giờ trước khi đổ bộ vào miền Nam Mexico là dấu hiệu của khủng hoảng khí hậu.
Bà Suzana Camargo, chuyên gia về bão và giáo sư tại Đài quan sát Trái đất Lamont - Doherty của Đại học Columbia cho biết, những cơn bão nhiệt đới thường mất vài ngày để phát triển thành bão mạnh. Tuy nhiên, sự biến đổi khí hậu do con người gây ra, bão mạnh lên nhanh chóng đang phổ biến hơn.
“Rất hiếm khi những cơn bão dữ dội đổ bộ vào phía Đông Thái Bình Dương của Mexico”, bà Suzana nói.
Tương tự, tại Trung Quốc, năm nay cũng chứng kiến nhiều trận mưa bão bất thường. Các nhà khí tượng đất nước tỷ dân cho rằng, những cơn bão đổ bộ vào Trung Quốc đang trở nên dữ dội hơn, đường đi của chúng ngày càng phức tạp hơn, làm tăng nguy cơ thảm họa đối với nền kinh tế và cuộc sống con người.