Tháo gỡ vướng mắc cho cơ quan báo chí khi truyền thông chính sách
Truyền thông chính sách gắn chặt với báo chí
Diễn đàn “Truyền thông chính sách - Góc nhìn từ các cơ quan báo chí” nằm trong khuôn khổ chương trình Gala Báo chí lần thứ 5, do Báo Nhà báo & Công luận tổ chức tại Quảng Ninh.
Tham dự sự kiện này có ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Ông Nguyễn Thanh Lâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông; Ông Lê Quốc Minh – Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Ông Nguyễn Đức Lợi – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.
Ngoài ra, tham dự chương trình còn có ông Lê Trần Nguyên Huy – Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Tổng biên tập phụ trách Báo Nhà báo và Công luận, Trưởng ban Tổ chức; Bà Trần Lan Anh – Phó Tổng biên tập Báo Nhà báo và Công luận; lãnh đạo của 120 cơ quan báo chí cùng đại diện của UBND tỉnh Quảng Ninh và Hà Nam.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn |
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Lợi, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, báo chí là công cụ truyền thông chính sách hiệu quả nhất và nếu làm tốt sẽ giúp người dân hiểu rõ, tham gia, hợp tác, đồng thuận trong quá trình thực thi chính sách.
Ông Nguyễn Đức Lợi, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại sự kiện. |
Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nêu rõ, làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện các chính sách. Chính phủ cũng đã có Chỉ thị về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Lợi, cho tới nay, công tác truyền thông chính sách vẫn chưa thực sự hiệu quả, trong đó, báo chí dù được xem là kênh chủ lực, phương thức cơ bản để thực hiện truyền thông chính sách nhưng cơ chế, nguồn lực để báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ của mình thì vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức.
Ông Lê Quốc Minh – Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam làm chủ tọa của Diễn đàn. |
Đặt vấn đề về việc bắt đầu từ chính sách phải xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT cho hay: “Nếu xa rời thực tiễn thì chính sách sẽ không có “đất sống”. Chính sách ban hành ra mà người dân không biết thì coi như chưa được ban hành. Truyền thông chính sách được gắn chặt với báo chí. Qua bộ lọc báo chí, thông tin chính sách trở thành tri thức có giá trị cho mỗi người dân và cộng đồng”.
Ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT khẳng đinh, truyền thông chính sách được gắn chặt với báo chí. Qua bộ lọc báo chí, thông tin chính sách trở thành tri thức có giá trị cho mỗi người dân và cộng đồng”. |
Để có chính sách phù hợp với thực tiễn và khả thi thì quá trình xây dựng chính sách từ ý tưởng, lấy ý kiến, ban hành và đánh giá hiệu quả chính sách, rất cần sự vào cuộc của báo chí. Ý kiến của các tầng lớp Nhân dân, của các chuyên gia, các nhà khoa học, thông qua diễn đàn báo chí là tiếng nói xây dựng, phản biện, giám sát, có vai trò quan trọng. Trong nhiều trường hợp, tiếng nói của báo chí có vai trò quyết định, khi mà dự thảo chính sách không có sự đồng thuận của đông đảo các tầng lớp Nhân dân và xã hội; Hoặc khi báo chí truyền tải mạnh mẽ sự đồng thuận cao của người dân và xã hội ủng hộ cho chính sách.
Nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng, Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô (đầu tiên từ trái sang) tham dự diễn đàn. |
Đồng tình với quan điểm trên của ông Phúc, TS Nguyễn Anh Tuấn – Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư chia sẻ thêm, truyền thông chính sách phải từ khâu xây dựng chính sách đến phổ biến, giám sát thực thi chính sách. Để làm hiệu quả, phải có đội ngũ phóng viên, biên tập viên am hiểu sâu về các vấn đề mà chính sách đề cập. Vì thế, không chỉ cần các bài báo mà cần những diễn đàn, thảo luận, trao đổi. Do vậy, rất cần có kinh phí tổ chức diễn đàn, hội thảo...
TS.Nguyễn Anh Tuấn kiến nghị: “Cơ quan ban hành chính sách phải dành nguồn kinh phí cho báo chí tổ chức các sự kiện vì báo chí giám sát và phát hiện bất cập của chính sách, từ đó kiến nghị cụ thể”.
Cần cơ chế để truyền thông hiệu quả
Thảo luận về những khó khăn đối với cơ quan báo chí hiện nay, ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Đài TNVN (VOV) thừa nhận, hiện nay, đa số cơ quan báo chí gặp khó khăn do quảng cáo từ doanh nghiệp giảm sút và do nguyên nhân khách quan, công chúng có xu hướng chuyển sang nền tảng số.
"Không có nguồn đầu tư đặt hàng của nhà nước thì khó truyền thông chính sách hiệu quả được. Trong khi đó, hiện đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực báo chí chỉ chiếm khoảng 0,32%. Nếu cơ quan báo chí có 70% từ ngân sách sẽ “sống được” – ông Hùng nói.
Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Đài TNVN (VOV) cho hay, đa số cơ quan báo chí hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. |
Ngoài ra, Phó Tổng giám đốc VOV cũng thẳng thắn chỉ ra Nghị quyết số 19-NQ/TW chưa tính đến đặc thù của cơ quan báo chí là tuyên truyền chính sách.
“Báo chí là sản phẩm mang tính sáng tạo, đầu tư về số, về chất lượng thì cần giá khác. Cần tính đúng, tính đủ cho những sản phẩm sáng tạo. Do đó, phải xem lại cơ chế để báo chí yên tâm làm nhiệm vụ của mình" - ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Bên cạnh đó, lãnh đạo VOV cũng nhấn mạnh, bản thân các cơ quan báo chí phải truyền thông về chính khó khăn mình đang gặp phải, thì mới tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, ngành, chính quyền địa phương.
Tại diễn đàn, chia sẻ câu chuyện tự chủ của tờ báo Nông thôn Ngày nay (NTNN), ông Lưu Quang Định, Tổng biên tập Báo NTNN cho hay, tờ báo này đã tự chủ 100% tài chính từ năm 1997, hàng năm xuất bản hàng nghìn bài báo, gần như là truyền thông chính sách “không công” vì chỉ có 1% kinh phí từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ.
Ông Lưu Quang Định, Tổng biên tập Báo Nông thôn Ngày nay |
“Vài năm gần đây, con số đó lên khoảng 5% doanh thu của báo có từ đặt hàng từ Chính phủ, địa phương… Nhưng 10 năm nay, ngân sách vẫn không thay đổi, thậm chí giảm đi. Nếu có kinh phí, thì truyền thông đó sẽ chất lượng hơn, sâu hơn, dày đặc hơn. Tôi rất mong muốn con số 5% của báo NTNN hay nguồn ngân sách cho cơ quan báo chí phải nâng lên 30-40%” - Tổng biên tập Lưu Quang Định nói.
Từ khó khăn về cơ chế đặt hàng của các cơ quan báo chí khi xây dựng đơn giá định mức, ông Định kiến nghị 4 vấn đề để báo chí truyền thông chính sách hiệu quả. Đó là: Cần hoàn thiện về thể chế, truyền thông chính sách cho cơ quan báo chí; Nhận thức của cấp ủy, bộ, ngành, địa phương phải đầy đủ hơn; Chính quyền phải chủ động đặt hàng báo chí và phải có nguồn lực để thực hiện.
Bày tỏ quan điểm cá nhân, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, vì mang trọng trách, đặc thù riêng nên không thể áp thuế doanh nghiệp đối với cơ quan báo chí.
Toàn cảnh diễn đàn |
Cần nhanh chóng tháo gỡ bất cập
Trao đổi tại diễn đàn, ông Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam thừa nhận, báo chí là kênh phản ánh kiến nghị của dân đối với Đảng và Nhà nước.
“Hà Nam luôn coi trọng minh bạch thông tin, thẳng thắn đối thoại. Hiện tỉnh có 3 cơ quan báo chí địa phương, 5 văn phòng; 14 phóng viên theo dõi đưa tin. Cơ quan báo chí của tỉnh, văn phòng đại diện của cơ quan báo chí Trung ương luôn đưa tin kịp thời, đảm bảo truyền thông chính sách có hiệu quả, tạo sự đồng thuận, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của tỉnh.
Ông Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam chia sẻ kinh nghiệm hợp tác với cơ quan báo chí để truyền thông chính sách của tỉnh. |
Ví dụ, đại dịch COVID-19 bùng phát tại Hà Nam, lúc đó, nhiều thông tin nhiễu loạn về số người tử vong, không đầy đủ phương tiện y tế,... Nhưng chúng tôi đã cùng cơ quan báo chí đã đưa tin rõ ràng, minh bạch, công khai. Đó là bài học về truyền thông chính sách của Hà Nam".
Trong thời đại thông tin hiện nay, thông tin của Đảng và Nhà nước đôi khi bị lan truyền sai lệch, do vậy cần phải thực hiện hiệu quả truyền thông chính sách. "Cần phải tháo gỡ vướng mắc về cơ chế để báo chí truyền thông chính sách hiệu quả" - lãnh đạo tỉnh Hà Nam nhấn mạnh,
Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh |
Đồng tình quan điểm trên, ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết, trên địa bàn tỉnh có gần 50 cơ quan báo chí, 110 nhà báo; có 13 cơ quan báo chí chuyên trách,... Tất cả đều gắn bó mật thiết với tỉnh và là kênh truyền thông chính sách vô cùng hiệu quả, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và địa phương tới người dân.
Theo ông Huy, từ kinh nghiệm của Quảng Ninh, vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách đã, đang được thể hiện rất rõ trên mọi khía cạnh, lĩnh vực của tỉnh. Vì vậy, những rào cản, thậm chí là khúc mắc để cơ quan báo chí hoạt động hiệu quả rất cần được tháo gỡ nhanh chóng, để những chính sách của Đảng và Nhà nước thực sự bám sát và đi vào cuộc sống.