Tháo gỡ rào cản đưa “Hà Nội học” vào nhà trường

Đưa môn “Hà Nội học” vào chương trình giáo dục trong nhà trường là một trong số các nội dung được thanh niên quan tâm, trao đổi tại chương trình Chủ tịch UBND TP Hà Nội đối thoại với thanh niên Thủ đô trong khuôn khổ Đại hội Hội LHTN TP Hà Nội.
Hà Nội: Học sinh không được sử dụng điện thoại trong lớp Tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn trường học

Chiều 14/10, tại Cung Thiếu nhi Hà Nội (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội gặp mặt và đối thoại với thanh niên Thủ đô.

Dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đoàn; các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội; các đồng chí Thành ủy viên - Giám đốc, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của Thành phố; Thường trực Đoàn Thanh niên - Hội LHTN - Hội Sinh viên - Hội đồng Đội TP cùng 400 thanh niên Thủ đô tiêu biểu trên các lĩnh vực.

Tháo gỡ rào cản đưa “Hà Nội học” vào nhà trường
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương trao đổi về nội dung đưa Hà Nội học vào chương trình giáo dục phổ thông trong các nhà trường

Trước khi chương trình đối thoại chính thức diễn ra, Thành đoàn Hà Nội và Sở Nội vụ TP đã tổng hợp hơn 700 ý kiến từ đoàn viên, thanh niên các khối địa bàn dân cư, thanh niên trường học, công nhân viên chức... là những ý kiến tâm huyết, chính đáng và thiết thực, khái quát được tâm tư, nguyện vọng của đa số đoàn viên thanh niên, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của thanh niên, tinh thần nhiệt huyết, sự chủ động, trách nhiệm trong các hoạt động, phong trào của các tổ chức Thanh niên.

Liên quan đến nhóm vấn đề "Hà Nội văn hiến", đại biểu đã gửi gắm nhiều tâm tư về các nội dung, giải pháp nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử của Thủ đô; việc phát triển công nghiệp văn hóa, quản lý và khuyến khích KOL -“Người có sức ảnh hưởng”, tuyên truyền và quảng bá du lịch và đưa môn “Hà Nội học” vào chương trình giáo dục.

Đại biểu Đinh Công Thành - giáo viên làm Tổng phụ trách Đội, Liên đội trường Tiểu học Trung Yên, quận Cầu Giấy nêu câu hỏi: Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Thành ủy Hà Nội về Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong đó có đề cập đến nội dung Đưa môn “Hà Nội học” vào giảng dạy trong hệ thống các trường ở Thủ đô. Vậy trong thời gian tới UBND TP, Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) dự kiến triển khai thực hiện đối với nội dung này như thế nào?

Thầy Đinh Công Thành, Giáo viên làm tổng phụ trách Đội, liên đội trường Tiểu học Trung Yên đặt câu hỏi về đưa Hà Nội học vào các nhà trường
Thầy Đinh Công Thành, Giáo viên làm tổng phụ trách Đội, liên đội trường Tiểu học Trung Yên đặt câu hỏi về đưa Hà Nội học vào các nhà trường

Trao đổi về đưa môn “Hà Nội học” vào giảng dạy trong hệ thống các trường học ở Thủ đô, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: Hiện nay, Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với 2.913 trường học, 2,3 triệu học sinh. Vấn đề liên quan đến giáo dục đào tạo luôn được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm. Slogan của ngành Giáo dục Thủ đô là đào tạo thế hệ học sinh tiệm cận công dân toàn cầu - giỏi ngoại ngữ, giỏi chuyên môn, am hiểu lịch sử.

Thực hiện Chỉ thị 30 của Thành uỷ Hà Nội, triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018, thời gian qua, ngành Giáo dục Hà Nội đã phối hợp với các ban của Thành uỷ, trong đó có Ban Tuyên giáo biên soạn tài liệu giáo dục địa phương. Nội dung cuốn tài liệu ấy sẽ có những hướng dẫn cụ thể như đến với Hà Nội có những di tích lịch sử nào? Hà Nội có những món ăn ngon nào? Hà Nội có gì đặc sắc?

Mới đây nhất, sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với trường Đại học Thủ đô Hà Nội và các trường đại học trên địa bàn thành phố biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương. Trong đó, Hà Nội học cũng là một trong những nội dung của giáo dục địa phương. Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên để mỗi thầy cô giáo là một tuyên truyền viên tích cực lan toả hình ảnh đẹp của Thủ đô văn hiến, văn minh, nghĩa tình.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, việc đưa Hà Nội học và Giáo dục lịch sử địa phương vào trong các nhà trường hiện nay đang vướng phải một số rào cản. “Đó là khung chương trình năm học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 quy định với cấp THCS có 1032 tiết học/năm, tức là khoảng 29,5 tiết học/tuần; cấp THPT có 1015 tiết học/năm, khoảng 29 tiết học/tuần. Để đưa Hà Nội học cùng chương trình Giáo dục địa phương vào khung chương trình năm học đòi hỏi ngành Giáo dục cần có sự tính toán hợp lý, tránh sự quá tải cho học sinh. Hiện nay, Luật Thủ đô sửa đổi đã cho phép Hà Nội chủ động trong việc này. Thời gian tới, khi được sự cho phép, chúng tôi chắc chắn sẽ triển khai đưa Hà Nội học vào chương trình giáo dục”, ông Trần Thế Cương nhấn mạnh.

Khẳng định ý nghĩa giáo dục thiết thực của bộ môn Hà Nội học, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: “Với bề dày lịch sử nghìn năm văn hiến, Hà Nội xứng đáng là một đối tượng để nghiên cứu. Đã có nhiều người dành cả cuộc đời để tìm hiểu về Hà Nội. Chỉ khi nào hiểu về Hà Nội, chúng ta mới thực sự yêu Hà Nội và dùng những hành động, ý nghĩa, việc làm thiết thực của mình để xây dựng Thủ đô”.

tuoitrethudo.vn
Phiên bản di động