Thái Bình: Khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại trạm y tế xã Hợp Tiến

Thay vì phải tới bệnh viện, nhiều người dân trong xã Hợp Tiến (Đông Hưng, Thái Bình) lại đến trạm y tế xã để khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe.
Cuối tháng 5 sẽ thí điểm lập phòng khám vệ tinh tại trạm y tế xã

Chiều thứ bảy, dù là ngày trực vẫn có 3 bệnh nhân đến trạm y tế xã Hợp Tiến, huyện Đông Hưng, Thái Bình để thực hiện thủy châm, giảm đau nhức xương khớp.

Bà Đỗ Thị Bắc (thôn Tiến Thắng) cho biết: Đã 12 ngày nay bà đến trạm y tế châm cứu để điều trị đau đầu, đa lưng, đau khớp gối. Sau khi châm cứu dài ngày, các triệu chứng đau của bà đã giảm, việc co duỗi chân tay cũng dễ dàng hơn.

Thái Bình: Khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại trạm y tế xã Hợp Tiến
Bà Bắc đến châm cứu tại trạm y tế xã Hợp Tiến

Bà Bắc cho biết: "Chúng tôi giờ già rồi, lại đau tay đau chân, đi đâu cũng phải nhờ con cháu. Trước đây, tôi hay đến viện điều trị xương khớp và châm cứu. Giờ đau quá, con cái thì bận mải không đưa đi được. May có chú Thông (lương y Trần Danh Thông - PV) về xã khôi phục lại phòng khám đông y và châm cứu, việc đi lại nhàn hơn hẳn. Người dân quê tôi cũng được nhờ. Chú Thông là con cụ lang Cát nổi tiếng khắp huyện ngày xưa".

Thái Bình: Khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại trạm y tế xã Hợp Tiến
Từ 2009, lương y Trần Danh Thông đã về xã Hợp Tiến khôi phục lại phòng đông y trong trạm y tế xã

Ông Bảng (thôn Tân Hòa) cũng đến châm cứu chữa đau vai gáy cho biết: Phòng Đông y của xã Hợp Tiến khám chữa bệnh đa khoa. Nhiều người cao tuổi đến đây khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là các vấn đề xương khớp rất tiện lợi vì gần và có lương y cũng như cơ sở vật chất chăm sóc sức khỏe.

Thái Bình: Khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại trạm y tế xã Hợp Tiến
Lương y Trần Danh Thông đang bắt mạch cho bệnh nhân trong xã

"Xã nào cũng có phòng đông y nhưng để vận hành phòng đông y này cần nhất là con người và trang thiết bị y tế. Trạm y tế xã Hợp Tiến là đơn vị hiếm hoi trong huyện giải quyết được cả 2 yếu tố này nên thu hút được lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe thường xuyên. Phòng đông y của trạm xá thực hiện khám chữa bệnh đa khoa bằng đông y (bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc), châm cứu, phục hồi chức năng. Mỗi ngày phòng đông y đón khoảng 15-17 lượt bệnh nhân, một tuần là hơn 100 lượt. Bệnh nhân đến châm cứu cả vào thứ 7, Chủ Nhật theo lịch hẹn", lương y Trần Danh Thông cho biết.Lương y Trần Danh Thông, người phụ trách phòng đông y trạm y tế xã Hợp Tiến cho biết: Anh về xã Hợp Tiến từ năm 2009 và tập trung khôi phục phòng khám đông y trong trạm y tế xã. Chính quyền địa phương khi đó đã tạo điều kiện cho diện tích phòng khám rộng, đầu tư tủ quầy. Còn lại anh em trong trạm kêu huy động nguồn lực bên ngoài để đầu tư máy móc, trang thiết bị.

Thái Bình: Khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại trạm y tế xã Hợp Tiến
Các bài thuốc đông y được sử dụng để điều trị bệnh ở trạm y tế xã Hợp Tiến

Anh cũng chia sẻ thêm: Do cơ sở vật chất trạm xá còn hạn chế nên khi bệnh nhân đến đông, phòng thiếu giường, anh em trong trạm phải tận dụng phòng cấp cứu, phòng sản để cho bệnh nhân nằm châm cứu hoặc thủy châm.

Hiện tại, các bệnh nhân đến khám và điều trị ở phòng đông y chủ yếu là các bệnh mãn tính như viêm khớp, đau thần kinh tọa, thoái hoá cột sống... Sau khi điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, chiếu đèn hồng ngoại, xoa bóp, bấm huyệt, sức khoẻ của các bệnh nhân đều có tiến triển tốt. Bên cạnh đó, người dân cũng có địa chỉ uy tín để điều tri các bệnh ngoài gia bằng đông y như nấm, vảy nến, á sừng, eczema.

Việc thực hiện khám chữa bệnh bằng đông y, phục hồi chức năng tại y tế tuyến cơ sở không chỉ giúp người dân tiện lợi hơn trong khám chữa bệnh, tiết kiệm chi phí mà còn góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Thái Bình: Khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại trạm y tế xã Hợp Tiến
Máy sắc thuốc hiện đại được đầu tư để phục vụ bệnh nhân

Anh Thông cho biết, để tránh tình trạng thiếu máy móc, con người, trạm y tế xã Hợp Tiến còn mời lương y ở xã khác sang hợp tác vận hành phòng đông y khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Anh mong muốn sẽ đẩy mạnh việc khám và điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền trong đó tập trung vào các kỹ thuật đông tây y kết hợp như châm cứu, thủy châm, bấm huyệt... Tăng cường sưu tầm các tài liệu về cây thuốc nam nói riêng, y học cổ truyền nói chung để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại trạm.

"Rất nhiều lần bà con nghe phong thanh là tôi đi lên tuyến trên hay chuyển đâu đó, họ đều đến nói với tôi: bác sĩ đừng đi đâu, ở lại với bà con. Tình cảm trân trọng đó là món quà quý giá với những người gắn bó với y tế cơ sở như tôi", lương y Trần Danh Thông chia sẻ.

Về dự định cho tương lai, lương y Trần Danh Thông đang ấp ủ ý tưởng đầu thầu 3ha đất để phát triển vườn cây thuốc nam vì trạm y tế không có vườn thuốc. Anh cho biết, nếu phát triển được vườn thuốc không chỉ chủ động một số dược liệu cho phòng đông y mà còn tạo ra được một số việc làm cho người dân địa phương.

D.Minh
Phiên bản di động