Tết trong miền ký ức tuổi thơ

Những ngày cuối năm, khi không khí xuân tràn ngập từng con phố, từng góc nhỏ trong căn nhà, lòng tôi lại chợt dâng lên một nỗi niềm nhớ nhung về những cái Tết xưa cũ của nhiều đứa trẻ vùng cao.
Những địa điểm du lịch sẵn sàng đón khách dịp Tết tại Thanh Hóa Huyện Bình Xuyên chăm lo Tết cho đối tượng chính sách, hộ nghèo Khai mạc Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025

Tết đối với mỗi người đều mang một ý nghĩa riêng, là dịp đoàn tụ, là khoảng thời gian sum vầy cùng gia đình. Với tôi, Tết không chỉ là niềm vui, mà còn chất chứa những hoài niệm khó phai về một thời gian khó, những kỷ niệm đong đầy nước mắt và yêu thương tình thương.

Tết trong miền ký ức tuổi thơ
Sắc xuân tràn ngập phố phường trong những ngày Tết Nguyên đán. (Ảnh: Q. Phùng)

Hình bóng bố mẹ nặng trĩu đôi vai

Sinh ra ở xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa), nơi mà hằng ngày tôi nhìn thấy những con thuyền lênh đênh trên biển, mặn mòi của mùi cá và mắm… dù 6 tuổi phải theo bố mẹ đi làm ăn xa, sau 23 năm trở về quê nhà, hình ảnh đó vẫn khó thể phai mờ trong ký ức của tôi.

Năm 1998, một quyết định táo bạo của bố tôi đã đưa cả gia đình gồm mẹ, anh trai và em gái đi làm kinh tế mới, ở vùng trời thật khác so với những gì mình tưởng tượng. Bá Thước là một trong những huyện vùng cao nghèo của tỉnh Thanh Hoá.

Trên chuyến xe khách với hàng loạt ghế gỗ được đóng ọp ẹp, rung lắc mỗi khi gặp ổ gà. Tôi nhớ như in, bố luôn dặn dò chúng tôi “chặng đường đi tuy vất vả, các con sẽ có cuộc sống tốt hơn”. Sau 6 giờ đi xe khách, qua nhiều làng quê và cả những con đường đất, mấp mô, gia đình tôi đã có mặt ở Điền Lư (đây là một xã của huyện Bá Thước).

Thời điểm đó, bố tôi bước vội xuống xe và đến nhà người vừa quen để thuê nhà. Lúc đó, mẹ và 3 anh em tôi phải chờ một khoảng thời gian rất dài. Rất dài, và đó cũng là hy vọng của bố mẹ khi mưu sinh ở nơi đất khách quê người là ở được lâu dài, nuôi anh em chúng tôi lớn khôn.

Lập nghiệp ở vùng đất mới với nghề buôn cá kho nồi và mắm với hành trang chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng… họ hàng không, bạn bè không và nhà cũng không. Ở nơi lạ lẫm chúng tôi cũng không khác bố mẹ là mấy, cũng phải hoà nhập cùng đám bạn trong xóm và cả trên lớp.

Vất vả của bố mẹ tôi thì nhiều vô kể, ngày mưa gió bão bùng vẫn trên chiếc xe đạp cọc cạch chở hàng tạ cá, đi từng con đường, ngõ xóm để bán hàng. Khó khăn nhất vào thời điểm mưa to, gió bấc, trên con đường đất đỏ, lầy lội, bố mẹ tôi phải vượt hàng cây số để vào trong từng bán, đưa cá đến cho các hộ dân.

Ngày trôi qua, 5 năm hay 10 năm, bố mẹ tôi đã xây được ngôi nhà riêng bằng xi măng. Và đặc biệt hơn nữa, là xây trên chính miếng đất của mình, nơi đó cũng chính là nơi sinh ra em út tôi. Em Điền, một cái tên mang ý nghĩa, in dấu mưu sinh trên vùng đất của bố mẹ tôi và cho cả gia đình có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Mọi thứ vẫn êm đềm trôi qua hàng ngày, nhưng đặc biệt hơn cả đối với tôi là những dịp Tết đến xuân về là thời cả gia đình được đoàn tụ, ăn những bữa ngon, mặc bộ quần áo đẹp.

Tết trong nỗi nhớ xưa

Trong ký ức của tôi, ngày ấy, Tết đến không rộn ràng bằng những tiếng thông báo “sale off” trên mạng, không có những giỏ quà bọc giấy bóng loáng hay những chiếc phong bao đỏ in hình linh vật. Tết xưa đến giản dị mà thiêng liêng, giống như một món quà quý giá mà ai cũng trân trọng. Nhà nào cũng tất bật dọn dẹp, sửa soạn từ đầu tháng Chạp.

Những ngày đông giá rét cuối cùng dường như cũng ấm áp hơn bởi tiếng cười nói rôm rả, bởi khói bếp nghi ngút, bởi lòng người rạo rực một niềm vui chờ đợi. Còn nhớ mỗi dịp Tết, mẹ luôn là người bận rộn nhất nhà. Từ việc gói bánh chưng, muối dưa hành, đến chuẩn bị những món ăn truyền thống, tất cả đều do bàn tay mẹ khéo léo đảm đương.

Tôi vẫn nhớ rõ cái cảm giác ấm áp khi cùng mẹ ngồi bên bếp lửa, chờ những chiếc bánh chưng. Những đêm canh bánh ấy thường rất dài, nhưng chẳng bao giờ buồn chán. Tôi và anh trai thay nhau châm củi, vừa trông nồi bánh vừa trò chuyện. Mùi lá dong, mùi gạo nếp hòa quyện cùng tiếng củi lách tách tạo nên một bản nhạc Tết thật thân thương.

Tết xưa đối với lũ trẻ vùng cao chúng tôi còn là niềm hân hoan với quần áo mới, với phong bao lì xì đỏ rực. Hồi ấy, món quà Tết không cần phải đắt tiền, chỉ một bộ đồ mới thôi cũng đủ khiến cả ngày tôi háo hức. Tôi nhớ mình thường chạy quanh xóm khoe bộ quần áo mới, trong lòng lâng lâng như vừa nhận được một kho báu.

Tết cũng là dịp duy nhất trong năm mà lũ trẻ được ăn no bánh kẹo, được chạy nhảy thỏa thích mà không bị người lớn mắng. Cái Tết ngày ấy thật giản dị nhưng cũng thật đủ đầy trong mắt một đứa trẻ. Không chỉ riêng trong nhà, không khí Tết còn tràn ngập khắp xóm làng.

Những ngày giáp Tết, con đường đất nhỏ dẫn về làng trở nên đông vui lạ thường. Người người tấp nập đi chợ Tết, mua lá dong, dây lạt, hay vài bó hoa cúc vàng rực. Phiên chợ cuối năm không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa mà còn là dịp để mọi người gặp gỡ, trò chuyện, chia sẻ về năm cũ và mong ước cho năm mới.

Tết đẹp nhất là ngày đoàn viên

Tết không chỉ là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới mà còn mang ý nghĩa thiêng liêng của sự đoàn viên, sum họp. Đối với tôi, Tết đẹp nhất khi các thành viên trong gia đình được quây quần bên nhau, chia sẻ yêu thương, và cùng nhau đón chào mùa xuân mới.

Hàng năm, dù đi đâu, làm gì, tôi đều mong ngóng ngày Tết để trở về nhà, nơi có bố mẹ và những người thân yêu đang chờ đợi. Với tôi, Tết không chỉ là dịp để nhìn lại một năm đã qua mà còn là cơ hội để bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên và gia đình.

Ngày cuối năm, mọi người tất bật dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bánh chưng, bánh tét, những món ăn truyền thống. Không khí Tết không chỉ nằm ở sắc hoa đào, hoa mai, mà còn ở tiếng cười nói rộn ràng của các thành viên trong gia đình khi cùng nhau gói bánh, nấu nướng hay kể chuyện cũ.

Những Tết năm nay khác, chẳng còn được nghe tiếng thủ thỉ của mẹ và những tiếng cười nói của bố. Nồi bánh chưng giờ đã nguội lạnh, cành đào, cây mai cũng ủ rủ như tâm trạng của tôi…

Năm 2020, một biến cố lớn xảy ra, gia đình tôi phải chuyển về quê sinh sống. Biến cố ấy như một dấu mốc khiến mọi thứ thay đổi. Mẹ tôi mắc bệnh hiểm nghèo và ra đi mãi mãi vào năm 2021, để lại trong tôi nỗi đau khó nguôi ngoai. Chỉ vài năm sau, vào năm 2024, bố tôi cũng rời xa cõi tạm vì tai biến.

Những mất mát lớn lao ấy khiến tôi giờ đây trở thành trẻ mồ côi, phải đối mặt với cuộc sống mà không còn bóng dáng của bố mẹ. Phải chăng, sự trưởng thành của bản thân, làm con đường dần ngắn hơn đến với bố mẹ?

Nhớ về Tết, tôi không chỉ nhớ những ngày vui vẻ, sum họp mà còn nhớ những giọt mồ hôi của bố mẹ, nhớ những nỗi nhọc nhằn mà họ gánh chịu để các con có được những ngày Tết ý nghĩa. Dẫu cuộc đời nhiều mất mát, nhưng ký ức về gia đình, về Tết sẽ luôn là nguồn động lực để tôi tiếp tục sống, tiếp tục trân trọng những gì còn lại và giữ mãi hình ảnh cha mẹ trong trái tim mình.

Tết nay, không còn mẹ, không còn bố, nhưng trong tôi, Tết vẫn là nơi lưu giữ yêu thương, nơi tôi sống lại những ngày tháng xưa cũ, và cũng là dịp để tôi nhắc nhở mình sống sao cho xứng đáng với công ơn dưỡng dục của cha mẹ.

XUÂN ĐẸP NHẤT LÀ NGÀY ĐOÀN VIÊN

Xuân về trăm sắc hoa nở

Sum họp mọi nhà, mình khác xa

Năm nay thiếu mẹ lẫn cha

Biết bao hoài niệm ôm nỗi nhớ nhà

Nhớ ngày Tết mẹ ngóng trông

Gói từng chiếc bánh, dệt từng nỗi mong

Cha chăm bếp lửa đỏ hồng

Mẹ khuyên con trẻ mơ mòng tương lai

Giờ đây vắng bóng cả hai

Mâm cơm cúng tạm lòng hoài quặn đau

Hương trầm quyện khói bay mau

Mong mẹ cha thấu xót đau con này

Xuân này con vẫn ước mong

Mẹ cha yên giấc cõi lòng thảnh thơi

Cầu cho ngày tháng nơi trời

Bình an, ấm áp, mỉm cười bên nhau.

Ngô Nhung

Những địa điểm du lịch sẵn sàng đón khách dịp Tết tại Thanh Hóa Những địa điểm du lịch sẵn sàng đón khách dịp Tết tại Thanh Hóa
Huyện Bình Xuyên chăm lo Tết cho đối tượng chính sách, hộ nghèo Huyện Bình Xuyên chăm lo Tết cho đối tượng chính sách, hộ nghèo
Hành trình trao quà Tết qua 26 tỉnh thành của SABECO Hành trình trao quà Tết qua 26 tỉnh thành của SABECO
Ngô Nhung
Phiên bản di động