Tây Ban Nha kêu gọi EU chung tay giải quyết nợ giữa dịch COVID-19
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez. (Nguồn: elpais) |
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 5/4 cho rằng châu Âu cần chung tay giải quyết vấn đề nợ, đồng thời thiết lập một "Kế hoạch Marshall" để phục hồi nền kinh tế khu vực vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Lời kêu gọi trên được Thủ tướng Tây Ban Nha đưa ra trong phát biểu với tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung (Đức), trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã giao nhiệm vụ cho các nhà hoạch định chính sách tìm ra một cách thức mới để có nguồn tài chính thúc đẩy phục hồi châu lục sau đại dịch COVID-19.
Ông Sanchez nhắc lại phát biểu của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 2/4, trong đó kêu gọi lập một ngân sách mới của EU dưới hình thức "Kế hoạch Marshall" để giúp thúc đẩy sự phục hồi của châu Âu sau cuộc khủng hoảng COVID-19.
Kế hoạch Marshall là một chương trình viện trợ do Mỹ khởi xướng năm 1948 để giúp các nước ở Tây Âu phục hồi sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Thủ tướng Tây Ban Nha cho rằng về trung hạn, châu Âu cần một cơ chế mới để "chung tay giải quyết nợ." Ông nhấn mạnh: "Nếu virus không dừng lại ở biên giới, thì các cơ chế tài chính cũng không được dừng ở biên giới."
Thủ tướng Tây Ban Nha cũng khẳng định "giờ là lúc phải hành động đoàn kết-bằng cách thiết lập một cơ chế mới chung tay giải quyết nợ, bằng cách đồng hành trong việc mua sắm trang thiết bị y tế thiết yếu, bằng cách thiết lập các chiến lược phối hợp chống tội phạm mạng và bằng cách chuẩn bị một kế hoạch tổng thể quy mô lớn cho sự phục hồi nhanh chóng và vững chắc của châu lục."
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng kêu gọi EU sớm phát hành "trái phiếu corona" để huy động nguồn tài chính tái thiết nền kinh tế châu Âu sau khủng hoảng dịch bệnh. Trái phiếu này sẽ cho phép các nước bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh huy động các nguồn quỹ trên thị trường tài chính dưới sự bảo trợ của EU. Hiện một số nước như Italy, Pháp, Tây Ban Nha ủng hộ biện pháp này, trong khi các nước Đức, Áo và Hà Lan kịch liệt phản đối.