Tạo nguồn nhân lực trẻ chất lượng

Tại phiên làm việc chiều 28/9 của Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2022-2027, đại biểu Nguyễn Hà Linh, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phát triển kỹ năng thanh niên và Bùi Xuân Quang Khánh, trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình, Hà Nội) đã tham luận với chủ đề: “Định hướng nghề nghiệp và trang bị các kỹ năng hội nhập cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay”.
Thanh niên sống trách nhiệm, góp sức trẻ xây dựng Thủ đô và đất nước

60% sinh viên ra trường làm trái nghề

Hai đại biểu đến từ quận Ba Đình cho biết, hơn 400.000 là con số sinh viên tốt nghiệp đại học hàng năm. Tuy nhiên, trong số đó chỉ 200.000 người có thể tìm được việc làm và 60% sau khi ra trường chấp nhận làm trái ngành nghề được đào tạo. Nói như PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế, Đại học Ngoại thương Hà Nội: “Sinh viên ra trường như “nông sản được mùa nhưng mất giá”.

Theo hai đại biểu, nguồn căn của vấn đề này là việc chọn ngành, chọn nghề theo học của rất nhiều người hiện nay còn chưa thực sự đúng đắn. Có những bạn chọn ngành học theo mong muốn, áp đặt của bố mẹ và người thân để theo “nghề truyền thống” của gia đình nhằm “chắc ăn” có việc làm khi ra trường. Có những bạn chọn ngành học theo phong trào vì “nhãn mác” ngành hot, vì nghe tên thôi đã thấy sang; Chọn ngành học vì dễ kiếm tiền; Hoặc thậm chí là đua theo bè bạn để chọn ngành học mà không nghĩ đến nhu cầu xã hội hay những điều kiện cá nhân như năng lực, sở thích tính cách. Việc không có kỹ năng lựa chọn ngành học và nghề nghiệp đã dẫn đến những con số đó.

Đoàn chủ tịch điều hành Đại hội
Đoàn chủ tịch điều hành Đại hội

Đại biểu Bùi Xuân Quang Khánh cho rằng, chúng ta có thể nhận thấy, hướng nghiệp và hội nhập có mối tương quan mật thiết với nhau. Các xu thế hội nhập quốc tế đã dẫn đến sự chuyển dịch và thay đổi cơ cấu ngành nghề, nhu cầu thị trường lao động và tiêu chí chọn lựa nhân công. Ngược lại, việc định hướng nghề nghiệp phù hợp và trang bị các kỹ năng hội nhập cho thanh niên lại góp phần tạo nên một nguồn lực nhân công dồi dào và chất lượng, cống hiến chung cho sự phát triển kinh tế nước nhà, góp phần thay đổi vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới.

Tiếp tục quan tâm nâng cao số lượng và chất lượng các hoạt động hướng nghiệp của tổ chức Đoàn; Tổ chức nhiều hơn nữa các ngày hội tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp, Ngày hội việc làm cho thanh niên… để đoàn viên, thanh niên" - Theo đại biểu Nguyễn Hà Linh

Trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, tự động hoá và số hoá cũng sẽ rõ ràng hơn trong môi trường làm việc. Máy móc, robot, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin đang nhanh chóng thâm nhập nơi làm việc trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Dưới sự thâm nhập của máy móc, thậm chí, một số công việc truyền thống đang có nguy cơ biến mất. Đáng nói, những ngành nghề có nguy cơ chiếm tới trên 90% như nhân viên tín dụng, lễ tân, tư vấn tài chính… có khả năng sẽ không cần tới nguồn nhân lực là con người trong tương lai. Quá trình cơ giới hóa trong lĩnh vực tạo việc làm lớn nhất của Việt Nam, tức là sản xuất nông nghiệp cũng sẽ có những thay đổi nhất định khi máy móc thay thế lao động làm thuê tạo ra số lượng, chất lượng cao hơn.

Đại biểu Bùi Xuân Quang Khánh
Đại biểu Bùi Xuân Quang Khánh tham luận

Đừng vì bằng cấp, hãy lắng nghe bản thân...

Như các cuộc cách mạng công nghiệp trong quá khứ, tác động xã hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng rất sâu rộng, khi giờ đây các doanh nghiệp cần nhiều hơn tới những lao động có khả năng tương tác với máy móc ở trình độ cao. Từ đây sinh ra những ngành nghề chưa từng có như kỹ sư phát triển ứng dụng AI, hay kiến trúc sư dữ liệu. Bên cạnh đó, dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, xu hướng mới về việc làm càng trở nên rõ nét hơn bao giờ hết.

Các doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân đều đang chuyển dịch cơ cấu dần sang nền tảng tảng số, và cũng như hình thành nhiều hơn các ngành nghề chưa từng có trước đây như content creator (nhà sáng tạo nội dung) digital marketer, hoặc các kĩ sư quản trị an ninh mạng… Có thể thấy rõ ràng rằng, sự nhạy bén với công nghệ và khả năng thích nghi tốt với thay đổi là hai kĩ năng siêu cần thiết cho giới trẻ đang lớn lên trong một bầu khí quyển công nghệ tấp nập này.

"Chúng ta cần nhân rộng và phát triển nhiều hơn nữa các câu lạc bộ theo sở thích, theo ngành nghề; Đồng hành và trang bị các kỹ năng cần thiết giúp thanh niên tự tin thể hiện mình…” - Đại biểu Bùi Xuân Quang Khánh

Theo xu thế mới, xã hội không còn chạy theo bằng cấp mà chú trọng đến tay nghề và kỹ năng đáp ứng công việc. Bên cạnh đó, ngoài kiến thức sách vở, người lao động cũng cần phải có những kỹ năng sống, kỹ năng xã hội cần thiết để có thể phát huy tối đa hiệu quả trong làm việc nhóm và hợp tác trong giai đoạn hội nhập như hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Hà Linh tham luận
Đại biểu Nguyễn Hà Linh tham luận

Cầu nối và "bà đỡ" hữu ích...

Nguyễn Hà Linh và Bùi Xuân Khánh bày tỏ: “Trong nhiệm kỳ 2022-2027, chúng tôi rất kỳ vọng tổ chức Đoàn Thanh niên từ cấp thành phố tới cơ sở sẽ tiếp tục có nhiều hướng đi mới trong công tác định hướng nghề nghiệp, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng hội nhập cho thanh thiếu nhi. Đoàn cần đặc biệt quan tâm các vấn đề: Phối hợp với các ban, ngành tổ chức các hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp, hữu ích, mang lại hiệu quả cao hơn nữa, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của thanh thiếu nhi; Chú trọng đến việc định hướng, giáo dục nghề nghiệp sớm cho học sinh từ cấp tiểu học, THCS chứ không chờ đến khi vào cấp 3 mới có định hướng nghề.

Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn cần có sự tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của phụ huynh học sinh cũng như nhận thức của xã hội trong việc lựa chọn ngành nghề, khắc phục những định kiến nghề nghiệp và tình trạng “thừa thầy thiếu thợ" như hiện nay.

Lê Dung
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động