Quy định về miễn nhiệm, từ chức

Tạo cú hích giúp cán bộ mắc khuyết điểm không cố "giữ ghế" đến cùng

TTTĐ - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Quy định nêu nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Chia sẻ với báo chí, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định này sẽ tạo cú hích mới trong công tác cán bộ.
Tổng Bí thư: Cán bộ nội chính phải trọng liêm sỉ, không chịu bất cứ cám dỗ nào
Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp)
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký Quy định 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Chia sẻ với báo chí, đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) cho rằng, Quy định số 41 là sự thể chế hóa chủ trương thành quy định cụ thể, thể hiện quyết tâm trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng, cũng như nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Hiệu quả thực hiện quy định này sẽ là cách xây dựng văn hóa từ chức ở nước ta và là thước đo của lòng dân đối với Đảng.

"Tôi nhận thấy rất rõ, ở đây có cả sự chủ động của đối tượng chịu sự tác động của quy định này. Đó là chủ động xin từ chức, lại có cả sự "thụ động" của đối tượng chịu sự tác động của quy định. Nếu anh không tự giác, tổ chức cũng sẽ "gợi ý" để anh từ chức và hơn thế nữa, là miễn nhiệm anh khi chưa hết nhiệm kỳ bầu cử hoặc khi chưa hết thời hạn bổ nhiệm. Nổi lên rõ nhất, việc từ chức, tức là rời khỏi chức vụ trước khi hết nhiệm kỳ hoặc trước khi hết thời hạn bổ nhiệm.

Thực tế hiện nay, có nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý không còn đủ uy tín để tiếp tục giữ vị trí công tác của mình. Từ chức là cách hành xử tốt nhất, nhân văn nhất, thể hiện tự trọng, tư cách và bản lĩnh của người cán bộ lãnh đạo, quản lý", đại biểu đoàn Bạc Liêu chia sẻ.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), tại Quy định 41 của Bộ Chính trị đã đã định lượng hóa cụ thể về sự tín nhiệm, uy tín của cán bộ. Cán bộ có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều sẽ phải xem xét miễn nhiệm hay từ chức.

Theo đại biểu Hòa, chúng ta yêu cầu cán bộ phải có năng lực, phẩm chất uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Vậy đến khi không còn được tín nhiệm, tín nhiệm thấp thì cũng là một căn cứ để xem xét miễn nhiệm, từ chức. Cùng với đó với đó, đại biểu Hòa cho rằng với những điểm mới của Quy định 41 mới đây sẽ dần từng bước tạo nên sự chuyển biến trong văn hoá từ chức với cán bộ khi mắc khuyết điểm.

“Cán bộ mắc khuyết điểm dẫn tới uy tín, danh dự bị suy giảm, có thể chưa đến mức bị miễn nhiệm nhưng có thể xin từ chức. Việc này cũng đã trở thành thông lệ ở một số quốc gia trên thế giới”, đại biểu Hòa nói.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái tại diễn đàn Quốc hội -
Đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi (đoàn Hải Phòng) cho rằng, quy định này cũng có kế thừa những kinh nghiệm quốc tế liên quan tới những vấn đề về cán bộ, về thể chế, về quản trị cán bộ, quản trị con người, cụ thể hoá những tư duy, quan điểm mới của Đảng về công tác cán bộ, về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Quy định cũng nhằm tạo ra được những thay đổi nhận thức trong việc đánh giá cán bộ. Mục đích cuối cùng là tăng cường trách nhiệm cán bộ, để lựa chọn cán bộ, để rèn luyện cán bộ theo những yêu cầu về năng lực, phẩm chất đáp ứng với tình hình mới.

Theo đại biểu đoàn Hải Phòng, trước kia có tình trạng cán bộ mắc sai phạm đến mức phải kỷ luật, miễn nhiệm thì đương sự đôi khi lại làm đơn từ chức để giảm bớt khuyết điểm của mình. Tuy nhiên, trong Quy định 41 mới đây đã xác định rất rõ, những trường hợp đã xác định miễn nhiệm không được từ chức. Đó chính là lấp những lỗ hổng, những khoảng trống để cán bộ có vi phạm lợi dụng.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cũng cho rằng, với việc ban hành quy định về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ này có thể mở đường để từng bước hình thành văn hoá từ chức đối với cán bộ mắc khuyết điểm. Việc từ chức cũng cần được nhìn nhận một cách thoáng hơn trong chính các cơ quan, đơn vị và trong dư luận xã hội.

Bên cạnh đó, cũng cần nhìn nhận ở khía cạnh nhân văn với việc từ chức. Khi cán bộ nhận thấy khuyết điểm, sửa chữa khuyết điểm và có những cống hiến vươn lên thì cũng cần được ghi nhận một cách xứng đáng. Điều này sẽ giúp cán bộ khi mắc khuyết điểm sẽ không “ngoan cố” tới cùng, không cố “giữ ghế” tới cùng.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động