Tận dụng COP10 để tham khảo về chính sách, kinh nghiệm…
Kho thuốc lá điện tử vi phạm lớn nhất từ trước đến nay ở Bắc Ninh Xây dựng môi trường không khói thuốc trong thanh thiếu niên Mối đe dọa từ thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng |
COP là hội nghị của đại diện Chính phủ các nước trên thế giới gặp gỡ, nhằm bàn thảo giải pháp và kết quả thực tiễn trong việc áp dụng chiến lược kiểm soát thuốc lá quốc gia.
Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là diễn ra Hội nghị các bên về Kiểm soát thuốc lá lần thứ 10. Tuy nhiên, các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ vẫn chưa thống nhất quan điểm về đánh giá khoa học và chính sách quản lý thuốc lá mới. Do đó, dự kiến phái đoàn Việt Nam có khả năng sẽ đóng vai trò lắng nghe quan điểm của các quốc gia khác để làm cơ sở tham khảo cho các quyết sách kiểm soát thuốc lá mới trong thời gian tới.
Cần sự tham gia của các bộ, ngành cùng giải quyết…
Mặc dù thuốc lá là độc hại nhưng để đáp ứng nhu cầu cho xã hội, Việt Nam cũng như các quốc gia khác vẫn cho phép thuốc lá là ngành hàng kinh doanh có điều kiện. Do vậy, các vấn đề liên quan đến thuốc lá tác động đến toàn diện của xã hội, cộng đồng, bao gồm từ sức khỏe, an sinh, y tế đến môi trường, lao động, ngân sách...
Trên cơ sở đó, sự tham gia của tất cả các bộ ngành liên quan, từ giai đoạn chuẩn bị thống nhất quan điểm quốc gia đến việc tham dự COP10 tại Panama vào tháng 11 sắp tới là rất quan trọng và cần thiết để cùng đưa ra giải pháp toàn diện, hiệu quả, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, người hút thuốc và những đối tượng chịu tác động xung quanh.
Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội và Bộ Y tế đã phối hợp tổ chức tọa đàm về tác hại của thuốc lá |
Kể từ COP6 được tổ chức tại Moscow (Nga) năm 2014, phái đoàn Việt Nam, trong đó trưởng đoàn là Bộ Y tế cùng đại diện nhiều cơ quan như Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học - Công nghệ... đã tích cực tham gia để thu thập ý kiến từ các quốc gia cùng tham dự, từ đó tổng hợp đưa ra quan điểm thống nhất của quốc gia.
Tại COP10 năm nay, dựa trên cơ sở cân bằng, hài hòa lợi ích của các chủ thể liên quan, phái đoàn Việt Nam được kỳ vọng sẽ mang đến những quan điểm bao quát về các khía cạnh của vấn đề kiểm soát thuốc lá nói chung và thuốc lá mới nói riêng. Điều này sẽ là cơ sở để Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra những khuyến nghị phù hợp với Việt Nam, dựa trên tình hình thực tiễn, trong bối cảnh tỷ lệ tử vong do thuốc lá ngày càng tăng mặc dù các biện pháp siết chặt cung cầu, cung cấp các giải pháp cai thuốc lá được triển khai mạnh mẽ.
Thực tế đến nay, dù chỉ còn khoảng một tháng nữa COP10 sẽ tổ chức nhưng quyết sách về quản lý thuốc lá mới của Việt Nam vẫn chưa đạt được sự đồng thuận giữa các bộ ngành liên quan trong khi tình trạng buôn lậu mặt hàng này trong tình trạng tăng nhiệt.
Kể từ năm 2017, Chính phủ đã ban hành Công văn 8750 chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành thống nhất phương án quản lý các loại sản phẩm này nhưng đến nay, vấn đề quản lý thuốc lá mới vẫn còn đang trong quá trình nghiên cứu, thảo luận.
Cần sớm thống nhất các giải pháp
Hiện phương án quản lý thuốc lá mới đã trở thành vấn đề mà các bên từ cơ quan ban ngành, giới chuyên môn, đến Quốc hội, các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng đều đồng loạt quan tâm.
Mới đây, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội và Bộ Y tế đã phối hợp tổ chức tọa đàm nhằm đề xuất hướng xử lý phù hợp cho người hút thuốc trưởng thành, ngăn chặn giới trẻ tiếp cận với sản phẩm này. Trong khuôn khổ tọa đàm, bà Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) có hiệu lực thi hành 10 năm và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, một số quy định đã không còn phù hợp với thực tế hiện tại.
Cụ thể, theo bà Lan, thuốc lá mới đã hiện diện khắp nơi nhưng vẫn chưa được điều chỉnh trong Luật PCTHTL hiện hành, nên không có cơ sở để cơ quan chức năng xử lý các sai phạm.
Hiện nay, phương án quản lý thuốc lá mới đã trở thành vấn đề mà nhiều cơ quan, ban, ngành, giới chuyên môn, các tổ chức quan tâm |
Ngoài bà Lan, nhiều đại biểu tham dự tọa đàm này cũng cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Công thương và các bộ, ngành sớm đánh giá tổng kết thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Cùng với đó là tiến hành rà soát văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật để hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng thuốc lá mới.
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cũng cho biết, Bộ Y tế sẽ sớm thúc đẩy việc hoàn thiện dự thảo nghị quyết trình Quốc hội trong thời gian tới, nhằm điều chỉnh quy định về sản phẩm thuốc lá mới.
Trước đó, tại tọa đàm “Thuốc lá thế hệ mới: Đủ điều kiện để quản lý ngay theo luật hiện hành” tổ chức ngày 18/4, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, đã kêu gọi các bộ ngành cần thống nhất xây dựng chính sách quản lý cụ thể với thuốc lá mới trước khi hội nghị COP10 diễn ra.
Trong bối cảnh các bộ, ngành vẫn đang thận trọng với chính sách quản lý thuốc lá mới, COP10 được đánh giá là cơ hội để Việt Nam tiếp tục học hỏi cách quản lý sản phẩm này từ những quốc gia đã có kinh nghiệm. Đồng thời, giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam có thể lên tiếng kêu gọi WHO và Ban Thư ký Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) cung cấp thêm nhiều dữ liệu nghiên cứu về khoa học, kỹ thuật của thuốc lá mới.
Với cơ sở quan trọng này, kết hợp cùng bối cảnh thực tế, Việt Nam sẽ có thể cân nhắc, đưa ra quyết định phù hợp về thuốc lá mới trong thời gian sớm nhất.