Tại sao tôm hùm đất lại bị cấm nuôi ở Việt Nam?
Mới đây, tôm hùm đất từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam bán tràn lan trên chợ mạng. Đây là sinh vật ngoại lai bị cấm nuôi ở Việt Nam. Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn đã phải gửi công văn hỏa tốc yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát loài tôm hùm này tại Việt Nam.
Các chuyên gia nông nghiệp đã lí giải lí do vì sao tôm hùm đất bị cấm tại nước ta dù phổ biến ở một số nước khác.
Ông Nguyễn Quang Huy - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, đại diện đơn vị duy nhất được cấp phép nhập loài tôm hùm đất về nghiên cứu, cho biết: Nguyên nhân loại này bị cấm tại Việt Nam là chúng không có giá trị kinh tế cao, thậm chí có thể phá hoại mùa màng nếu quản lý không tốt. Sau khi nghiên cứu, phía viện đã đưa ra khuyến cáo không phát triển loại tôm này ở nước ta từ nhiều năm nay.
Tôm hùm đất là loài sinh vật ngoại lai và không có trong danh mục được nuôi tại Việt Nam |
Tôm hùm đất có đặc tính sống bò đáy, thích đào hang, ưa tối, chuyên hoạt động về đêm. Chúng có thể đào hang trú ẩn sâu 100-200cm, có thể sống được cả ở dưới nước lẫn trên cạn và chịu được nhiệt độ 0-37 độ C.
Thức ăn chủ yếu của loại tôm này là mùn bã hữu cơ, ngũ cốc, khô đậu, rau quả, cỏ non, rong cỏ nước, tảo sống bám, côn trùng, sinh vật đáy cỡ nhỏ, xác động vật, thức ăn chế biến...
Nếu thiếu ôxy, nước sạch, thức ăn hoặc nước bị ô nhiễm tôm có thể bò ra khỏi nơi sinh sống nên khả năng tôm hùm đỏ phát tán ra ngoài là rất lớn.
Với đặc tính ăn tạp, tôm hùm đất thích nghi tốt với môi trường. Chúng lại là món ăn ngon cho các loài khác trong chuỗi thực phẩm nên tôm hùm đất có thể gây hại đến giống tôm bản địa và vùng tôm nuôi. Theo nghiên cứu, tôm hùm đất phát tán có thể mang mầm dịch bệnh nấm tôm Aphanomyces astaci, vi rút gây bệnh đốm trắng cho tôm (WSSV) cũng như một số loài ký sinh trùng.
Tôm hùm đất là loài ăn tạp mang theo nhiều virus gây bệnh, kể cả loài giun ký sinh trên động vật có vú và người |
Nguy hiểm nhất là tôm hùm đất đào hang như cua nên có thể gây hại hệ thống kênh mương, gây vỡ và sạt lở bờ đập, ao nuôi cá tra…
Thực tế, vào năm 2016, công ty TNHH Sen Hoàng Giang do ông Trần Văn Hòa làm giám đốc đã bị cơ quan chức năng tỉnh này nhắc nhở vì lén nuôi tôm hùm đất. Theo đó, toàn bộ số tôm hùm đỏ của doanh nghiệp nuôi đã bị tiêu hủy, đồng thời phải tiến hành kết hợp phun thuốc trừ sâu (Decide + Gold 550EC) trực tiếp xuống ao nhằm tiêu hủy triệt để.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cũng từng cho rằng loài tôm này vừa phá hại lúa, kênh mương, tiêu diệt tôm bản địa, vừa có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật kể cả người.
Trước đó, trong Thông tư được ban hành tháng 1/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định tôm hùm đất thuộc danh mục 19 loài ngoại lai xâm hại có khả năng lấn chiếm nơi sinh sống, cạnh tranh thức ăn hoặc gây hại đối với các sinh vật bản địa, phát tán mạnh hoặc gây mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển ở Việt Nam; Được đánh giá là có nguy cơ xâm hại cao đối với đa dạng sinh học và được ghi nhận là xâm hại ở khu vực có khí hậu tương đồng với Việt Nam hoặc qua khảo nghiệm, thử nghiệm có biểu hiện xâm hại.