Sức sống mới của ngành nông nghiệp huyện Mê Linh

Tham gia ngày hội sản phẩm OCOP ba miền tề tựu tại huyện Mê Linh diễn ra tối nay (3/11), người nông dân quê hương Hai Bà Trưng cũng có nhiều thành tích đáng tự hào.
Mang hương sắc Nam Bộ đến huyện Mê Linh

Khơi dậy tiềm năng từ Chương trình OCOP

Với lợi thế là diện tích rộng lớn và giao thương thuận lợi, huyện Mê Linh đã và đang trở thành điểm sáng về phát triển nông nghiệp, sản xuất, dịch vụ tại phía Tây Bắc của thành phố Hà Nội.

Thực tế, những năm qua, nông nghiệp tiếp tục là điểm sáng của huyện Mê Linh. Các cánh đồng chuyên canh lớn và nhiều hộ gia đình sản xuất quy mô lớn giúp tăng tỷ trọng ngành nông nghiệp trong bức tranh kinh tế chung của Mê Linh. Hiện tại, Mê Linh là địa phương sản xuất rau lớn nhất thành phố Hà Nội. Đồng thời, Mê Linh cũng trở thành thủ phủ hoa tươi của Thủ đô với sản lượng hoa cắt cành, hoa thế rất lớn.

Sức sống mới của ngành nông nghiệp huyện Mê Linh
Chương trình OCOP đã mang lại hiệu quả tích cực tại huyện Mê Linh (Ảnh: Bí thư Huyện uỷ Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm tham quan gian hàng sản phẩm OCOP)

Trong sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Mê Linh, không thể không đề cao vai trò của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được thành phố Hà Nội tổ chức triển khai từ năm quý III/2019 đến nay. Theo lãnh đạo huyện Mê Linh, trong 5 năm qua, Đề án OCOP trên địa bàn huyện Mê Linh đã tạo sự thay đổi lớn trong sản xuất và đời sống của Nhân dân. Cho đến nay, huyện Mê Linh có 75 sản phẩm trên địa bàn huyện đạt OCOP (24 sản phẩm đạt 4 sao, 51 sản phẩm đạt 3 sao) theo Bộ tiêu chí. Trong đó, 57 sản phẩm thuộc ngành hàng thực phẩm, 5 sản phẩm thuộc ngành hàng đồ uống, 13 sản phẩm thủ công - mỹ nghệ - trang trí.

Sức sống mới của ngành nông nghiệp huyện Mê Linh
Từ ngày 3-7/11, tại đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh) diễn ra sự kiện giới thiệu các sản phẩm OCOP gắn với văn hoá các tỉnh, thành phố Nam Bộ

Đáng chú ý, một số sản phẩm OCOP chất lượng của huyện Mê Linh được xuất khẩu ra các nước trên thế giới và khu vực như: Sản phẩm từ tre của công ty TNHH Huhipro, các loại hoa hồng, hoa cúc của Công ty TNHH vật tư và giống cây trồng Hà Nội…

Ông Lê Văn Khương (Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh) đánh giá: "Đề án thực hiện Chương trình OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất trồng rau các loại, văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP".

Đẩy mạnh chương trình OCOP

Sau 5 năm triển khai chương trình OCOP, cơ cấu kinh tế của huyện Mê Linh đã có sự dịch chuyển theo hướng tích cực. Cụ thể: Tổng giá trị sản xuất 9 tháng đầu năm 2023 của huyện Mê Linh ước đạt 26.268 tỷ đồng, bằng 73,1% kế hoạch năm; tăng 8,4% so cùng kỳ. Cơ cấu các ngành công nghiệp – xây dựng; dịch vụ; nông nghiệp, tương ứng là: 84,7%; 6,7%; 8,6%.

Sức sống mới của ngành nông nghiệp huyện Mê Linh
Các sản phẩm OCOP đặc trưng của vùng miền trong cả nước tề tựu tại huyện Mê Linh

Tuy nhiên, nhìn nhận thẳng thắn vấn đề, huyện Mê Linh vẫn tồn tại một số "điểm tối" khiến chương trình OCOP chưa phát huy tối đa hiệu quả.

Về đề đáng chú ý nhất là một số cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng sản phẩm chủ lực của địa phương. Thậm chí, các cơ sở sản xuất có xu hướng cho rằng để sản phẩm đạt OCOP là nhiệm vụ của doanh nghiệp hay nhiệm vụ của các chủ thể cá nhân, chưa phải vì mục tiêu phát triển kinh tế chung của địa phương.

"Đề án OCOP là chương trình mới liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, hơn nữa công tác tuyên truyền về chất lượng sản phẩm OCOP để Nhân dân biết đến sản phẩm OCOP chưa nhiều" - ông Lê Văn Khương cho biết - "Phần lớn, các sản phẩm nông sản huyện Mê Linh đa phần là hàng tươi sống, không qua sơ chế, quy mô nhỏ, lẻ, manh mún, không có đủ thương hiệu, nhãn mác… Nên xuất phát điểm để làm OCOP rất thấp, cần đầu tư nhiều kinh phí vào cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật, hồ sơ pháp lý cho sản phẩm…"

Sức sống mới của ngành nông nghiệp huyện Mê Linh

Thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh Đề án OCOP, huyện Mê Linh đã xây dựng kế hoạch đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cho 29 sản phẩm đăng ký tham gia. Hội đồng đánh giá phân hạng đã đánh giá, phân hạng được 28 sản phẩm đạt 3 sao, 01 sản phẩm đạt 4 sao; Có nhiều sản phẩm chế biến sâu như: chè sen, các sản phẩm làm từ cốm tươi, sản phẩm thủ công mỹ nghệ thân thiện với môi trường đều là những sản phẩm chất lượng, có khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ.

Sự kiện giới thiệu các sản phẩm OCOP gắn với văn hoá các tỉnh, thành phố Nam Bộ tại đền Hai Bà Trưng sẽ trưng bày giới thiệu với quy mô trên 100 gian hàng, với các sản phẩm hàng hóa phục vụ người tiêu dùng như: sản phẩm OCOP; sản phẩm nông, lâm, thủy sản; thực phẩm an toàn, gắn với văn hóa các tỉnh thành phố Nam Bộ.

Chương trình kỳ vọng mang đến cho người tiêu dùng huyện Mê Linh nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung nhiều sản phẩm có chất lượng, giá cả ưu đãi và cũng góp phần giới thiệu hình ảnh huyện Mê Linh đến với người dân và du khách.

Vũ Cường
Phiên bản di động