Sức sống Hà Nội trên cao nguyên Lâm Đồng
Dấu chân những người đi mở đất
Những ngày cuối năm, theo đoàn công tác của Thành ủy Hà Nội, chúng tôi có dịp tới thăm huyện Lâm Hà và Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng. Cảm giác thân thuộc đến kỳ lạ khi khắp nẻo đường đều hiện diện tên những địa danh quen thuộc như: Ba Đình, Đống Đa, Đông Anh, Gia Lâm, Phúc Thọ, Đan Phượng, Mỹ Đức, Từ Liêm, Mê Linh…
Tay bắt mặt mừng như đón người thân sau thời gian xa cách trở về, ông Nguyễn Văn Tình, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Lâm Hà phấn khởi nói: “Nhiều năm qua, bà con ở trong này đều nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền và Nhân dân Hà Nội. Tình cảm của địa phương và Thủ đô ngày càng khăng khít, thắm thiết”. Trò chuyện những cán bộ ở huyện Lâm Hà, ai trong đoàn cũng đều cảm nhận được sự hồn hậu và thân thiết qua cử chỉ, phong thái. Đặc biệt là giọng nói Hà Nội vẫn vẹn nguyên dù đã hơn 40 năm họ rời xa quê và đến lập nghiệp tại cao nguyên này.
Trong chuyến thăm vừa qua, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã trao quà của TP Hà Nội cho bà con huyện Đạ Tẻh |
Bà Đoàn Thị Xuân Mai (70 tuổi) tại Đống Đa, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, thuộc lứa thanh niên xung phong (TNXP) của quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đi tiền trạm năm 1977. Hiện bà là Trưởng ban liên lạc Hội TNXP Lâm Đồng - Sông bé. Dù đã ở tuổi thất thập nhưng khi kể về những ngày đầu vào Lâm Hà theo lời kêu gọi của Đảng, giọng bà vẫn sang sảng: “Thấm thoắt đã hơn 40 năm. Khi đi, chúng tôi là những chàng trai, cô gái đôi mươi, hừng hực khí thế xây dựng Tổ quốc. Giờ chúng tôi đã lên ông, bà, con cháu đề huề, có cơ ngơi riêng và luôn biết ơn chính quyền TP Hà Nội đã có chủ trương đúng đắn vào thời điểm sau khi đất nước giải phóng”.
Bà Mai nhớ lại, những ngày đầu đặt chân tới Lâm Đồng, đội tiền trạm có nhiệm vụ xây dựng lán trại, giếng công cộng, mở đường… để chuẩn bị đón dân vào. Đối mặt với núi rừng rậm rạp, hiểm trở hay những trận sốt rét, hiểm nguy của thú rừng hay bọn Fulro… ai cũng đùm bọc, đoàn kết vượt qua gian khó. Dần dà, các năm sau, số lượng gia đình từ các quận, huyện ở Hà Nội vào đông hơn. Họ lập gia đình, cùng nhau phát triển kinh tế. Đến nay, đa phần đều có cuộc sống sung túc, cơ ngơi khang trang. Rất nhiều người đã trở thành tỷ phú trên mảnh đất này. Ông Đoàn Văn Tá, Giám đốc Công ty TNHH Tá Lợi là một trong số đó.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong thăm những mô hình phát triển kinh tế tại thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. |
Trò chuyện với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Tá kể, ông quê gốc ở Phúc Thọ, vào Lâm Hà từ năm 1978. Là một trong những người đi khai hoang, mở đất ở thị trấn Nam Ban, ông Tá mang trong mình hình bóng quê hương và gửi gắm nỗi nhớ vào chuỗi cửa hàng cà phê mang tên “Hà Nội phố” tại vùng đất Lâm Đồng. Bởi thế, từ bức tranh Hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám hay những hình ảnh quen thuộc như ao sen, nơm cá… được bài trí ở các quán cà phê của ông đều gợi đến hình ảnh Hà Nội vô cùng gần gũi và thân thương.
Ông Tá bảo, phải gian nan, vất vả lắm mới có ngày hôm nay. Ông cũng như bất cứ ai đi xây dựng vùng kinh tế mới năm xưa đều có chung suy nghĩ, đó là dù đi đâu cũng đều phải “giữ gốc quê mình và để lại dấu ấn ở đó”. Khát vọng ấy khiến họ vươn lên làm giàu và khẳng định bản sắc riêng ngay trên vùng đất mới.
Chia vui với phóng viên, ông Tá hồ hởi khoe: “Những nhà vườn cà phê ở đây, năm nay họ có thêm một Tết to nữa bởi giá đang cao cấp rưỡi mọi năm - tới hơn 80.000/kg. Chuyện mua xế hộp hay lời cả tỷ mỗi năm đối với các hộ ở đây là bình thường. Bởi lẽ, đa phần các hộ gia đình vào đều sở hữu ít nhất 4-5ha cà phê, mắc ca hay sầu riêng”.
Bà Đoàn Thị Xuân Mai (70 tuổi) tại Đống Đa, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, thuộc lứa thanh niên xung phong (TNXP) của quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đi tiền trạm năm 1977. |
Lan tỏa bản sắc văn hóa Tràng An trên cao nguyên xanh
Thị trấn Nam Ban cách đây hơn 40 năm từng hoang sơ là thế, vậy mà giờ đây trở thành điểm du lịch nổi tiếng bởi vẻ đẹp tự nhiên và nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Ít ai biết rằng, một trong những người mang nghề dệt lụa Vạn Phúc nổi tiếng vào đây là ông Phạm Văn Cường - chủ cơ sở lụa Cường Hoàn Silk.
Vốn sinh ra ở Đông Anh (Hà Nội), từ nhỏ, ông đã quen với với bãi dâu ven sông Hồng được phù xa bồi đắp, quanh năm xanh tốt. Năm 1980, ông theo gia đình vào vùng đất này lập nghiệp và bắt đầu làm nghề thu mua kén tằm. Khi thấy có nhiều du khách đến tham quan thác Voi, một thắng cảnh nổi tiếng gần khu vực, ông về tận làng lụa Hà Đông để học về nghề dệt lụa và tìm hiểu kỹ thuật ươm tơ.
Nghề trồng dâu nuôi tằm được bà con Hà Nội phát triển mạnh mẽ ở huyện Lâm Hà |
Dần dần, ông Cường đã xây dựng được cơ sở ươm tơ, dệt lụa với quy trình khép kín gồm các công đoạn mua kén - ươm tơ - dệt lụa - nhuộm - thiết kế sản phẩm - may thêu - bán hàng cho khách du lịch. Hiện nay, mỗi ngày cơ sở lụa Cường Hoàn tiêu thụ gần 1 tấn kén. Từ chỗ là một cơ sỏ nhỏ lẻ, đến nay Cường Hoàn Silk đã tạo công ăn việc làm cho gần 50 lao động tại địa phương, sản phẩm lụa được xuất ra một số thị trường quốc tế như Campuchia,Thái Lan.
“Ngoài việc lưu giữ và phát huy nghề truyền thống của Hà Nội, mô hình này còn rất thu hút khách du lịch, đồng thời lan tỏa được nét đẹp văn hóa làng nghề tới du khách quốc tế”, ông Lê Văn Thiêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Hà chia sẻ.
Đến Lâm Đồng lần này, chúng tôi còn được nghe rất nhiều câu chuyện về người Hà Nội đã nỗ lực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của quê mình. Bí thư huyện Đạ Tẻh Nguyễn Mạnh Việt cho hay, nhiều gia đình gốc Hà Nội ở đây vẫn giữ được các lễ hội truyền thống, duy trì được những nét văn hóa đặc sắc như võ vật, hát chèo… Ví như ở thôn 4, xã Mỹ Đức còn có cả câu lạc bộ dân ca thu hút rất đông thành viên tham gia. Dù kinh phí mua trang phục, đạo cụ như áo tứ thân, nón quai thao, trống, nhị, sáo… đều do các thành viên tự đóng góp nhưng ai nấy đều vui, bởi đúng như Trưởng ban Liên lạc Hội TNXP Lâm Đồng - Sông Bé Đoàn Thị Xuân Mai nói: “Mỗi lần cất lên tiếng ca là chúng tôi cảm giác như đang được hát giữa sân đình làng mình vậy. Ở đây, nhà nào nhà nấy vẫn giữ trọn vẹn nếp xưa như phong tục gói bánh chưng ngày Tết, làm bánh trôi bánh chay vào dịp Tết Đoan Ngọ…”
Lâm Hà, Đạ Tẻh là một phần máu thịt của Thủ đô
Chứng kiến những đổi thay diệu kỳ và cuộc sống sung túc của người dân các “huyện thứ 31 - 32” của Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong vui mừng và khẳng định, Đạ Tẻh, Lâm Hà là một phần máu thịt của Thủ đô. Góp phần để bà con ổn định cuộc ở đây và làm nên diện mạo trù phú vùng kinh tế mới có sự tiếp sức, hỗ trợ không nhỏ của TP Hà Nội trong nhiều năm qua.
“Từ nay không chỉ dừng lại ở sự hỗ trợ mà quan hệ Hà Nội - Lâm Hà; Hà Nội - Đạ Tẻh sẽ sang trang mới, đó là hợp tác, phát triển bền vững dựa trên thế mạnh của hai bên”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh và mong muốn ở những nơi này sẽ có các công trình là biểu tượng của Hà Nội - Lâm Hà; Hà Nội - Đạ Tẻh để tạo nên sự gắn bó hơn nữa giữa Thủ đô với Lâm Đồng.
Đoàn công tác thăm trường mầm non tại huyện Lâm Hà. |
Đồng chí chỉ đạo, trước mắt, Hà Nội sẽ hỗ trợ 2 huyện trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Ở lĩnh vực văn hóa, thành phố tổ chức Ngày văn hóa Hà Nội tại Lâm Đồng, tại Đạ Tẻh và Lâm Hà. Để phát huy được các tiềm năng của hai huyện, TP sẽ tổ chức những chương trình hợp tác, xúc tiến quảng bá các sản phẩm đặc trưng của 2 địa phương tại Thủ đô. “Bởi lẽ, chuyện của Lâm Hà, Đạ Tẻh cũng là chuyện của Hà Nội”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhiều lần nhấn mạnh.
Năm 1976, tỉnh Lâm Đồng và thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng. Theo đó, hai địa phương thống nhất lấy Nam Ban - Lán Tranh với diện tích 42.600ha thuộc huyện Đức Trọng để xây dựng vùng kinh tế mới, tạo tiền đề cho sự ra đời của huyện Lâm Hà vào ngày 28/10/1987. Đến nay, huyện Lâm Hà có khoảng 150.000 người sinh sống với 30 dân tộc anh em trên 14 xã, 2 thị trấn. Trong đó, huyện có tới 60% bà con là người Hà Nội vào lập nghiệp. Bên cạnh đó, huyện Đạ Tẻh hiện có khoảng 3.000 hộ (25%) người dân Hà Nội (chủ yếu là tỉnh Hà Tây cũ như: Quốc Oai, Chương Mỹ, Thạch Thất, Phú Xuyên, Thường Tín, Ứng Hòa, Sơn Tây, Ba Vì) di cư vào từ năm 1980 - 1990. |