Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Cần đảm bảo công bằng cho xã hội và doanh nghiệp
Chia sẻ tại hội thảo "Góp ý xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi" diễn ra ngày 4/7, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, ngành rượu, bia chịu tác động nhiều nhất trong thời gian qua bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và chính sách pháp luật như Luật Phòng chống tác hại rượu, bia, Luật Đầu tư, nhất là kể từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực.
Theo bà Quỳnh Anh, về xu hướng chung toàn cầu, việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia nhằm điều tiết sản xuất - tiêu dùng một cách hợp lý là phù hợp và là xu thế tất yếu.
Luật sư Quỳnh Anh cho rằng, khi điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn, các nhà hoạch định chính sách cần quan tâm, hướng tới 3 mục tiêu: Điều tiết tiêu dùng, giảm tác động tiêu cực của đồ uống có cồn đến sức khoẻ con người; Đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước ổn định, bền vững; Đảm bảo tính công bằng của chính sách thuế cho xã hội và doanh nghiệp, bảo vệ ngành đồ uống trong nước.
Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam. |
Tuy nhiên, thực tế hiện nay và dự báo trong thời gian tới, ngành rượu bia đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn khiến sản lượng sản xuất, tiêu thụ bia sụt giảm khoẳng 20% so với trước đây, tốc độ tăng trưởng âm, gây nhiều khó khăn, thách thức cho ngành.
Trong bối cảnh đó, bà Quỳnh Anh cho rằng, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm ngành bia rất cần sự hỗ trợ và chung tay của Nhà nước để có thể duy trì sản xuất, phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm rượu bia thương hiệu Việt mà họ đã phải mất rất nhiều năm để có thể gây dựng tên tuổi trên thị trường trong nước, dần vươn ra thị trường thế giới.
"Chúng tôi cho rằng việc Nhà nước tiếp tục duy trì phương pháp tính thuế theo tỷ lệ như hiện nay là hoàn toàn hợp lý và đúng đắn, đồng thời có cân nhắc lộ trình tăng thuế suất một cách hợp lý dựa trên tình hình kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Một mặt vẫn có thể đảm bảo được nguồn thu ngân sách ổn định, điều tiết tiêu dùng, mặt khác vẫn góp phần duy trì sức cạnh tranh của các thương hiệu rượu bia Việt đang chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu tiêu dùng của người dân Việt Nam cũng như cơ cấu của ngành đồ uống có cồn Việt Nam", luật sư Quỳnh Anh nói.
Các giải pháp chính sách khác cũng đã được một số tổ chức, cá nhân đề xuất như bổ sung cách tính thuế hỗn hợp, kết hợp giữa thuế suất và thuế tuyệt đối đối với rượu bia. Tuy phương pháp này đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng nhưng trong điều kiện đặc thù ngành bia rượu Việt Nam hiện nay, vị luật sư cho rằng chưa phải là thời điểm phù hợp để áp dụng ngay với Việt Nam mà cần lộ trình dài hơi hơn (có thể từ 5 - 10 năm tới) để đa số các doanh nghiệp bia rượu trong nước có đủ thời gian chuẩn bị và sẵn sàng.
Song song với việc ban hành Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi phù hợp, để tăng thu ngân sách, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo vệ các sản phẩm bia chính thống, các nhà hoạch định chính sách cũng cần rà soát lại các chính sách liên quan cũng như tăng cường công tác thực thi pháp luật, quản lý nhà nước đối với các sản phẩm rượu, bia không chính thức như rượu tự nấu thủ công, rượu, bia giả/nhái, rượu, bia không nhãn mác và nhập lậu.
"Tôi tin rằng, bên cạnh mục đích đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước thì mục tiêu cao cả mà Đảng và Nhà nước đang hướng tới là nâng cao sức khỏe toàn dân, điều tiết tiêu dùng đồ uống có cồn một cách hợp lý, tránh ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe", luật sư Quỳnh Anh nói.
Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực. |
Chia sẻ tại hội thảo, TS Cấn Văn Lực cho rằng, về nguyên tắc sửa đổi thuế là phải hài hòa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp và sửa đổi luật phải trúng. Thứ hai là công bằng đối với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thứ ba, nó có khả thi hay không. Cuối cùng, nó có hiệu quả hay không?
Do đó, vị chuyên gia cho rằng cần đánh giá kỹ ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Liên quan đến dự thảo luật, đây là thời điểm phù hợp để đánh giá, rà soát dự án luật. Mỗi phương pháp tính thuế có ưu và nhược điểm khác nhau.
Theo vị chuyên gia, về rượu, bia dự kiến tăng thêm mức thuế 10%. Qua so sánh các nước tương đồng thì mức dự kiến này ở mức cao. Bây giờ chúng ta mong muốn tăng thuế, nhưng doanh nghiệp đang rất khó khăn.
"Bộ Tài chính có thể tiếp tục bảo lưu ý kiến trong hồ sơ luật. Nhưng, chúng tôi cho rằng cần nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng hơn, theo lộ trình rõ ràng. Đồng thời, cân nhắc về thời điểm kinh tế khó khăn và phù hợp với các chính sách tài khóa, tiền tệ…", ông Lực nói.
Cũng chia sẻ tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, lần nào sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, các doanh nghiệp rất quan tâm, sốt sắng bởi vì nó tác động trực tiếp đến ngành hàng. Ngành đồ uống đang chịu đang chịu tác động lớn của quy định pháp luật như Nghị định 152/2019.
"Tôi có đi Tây Nguyên, trước có nhiều nhà hàng nhưng nay các cửa hàng phải đóng cửa. Hay như ở Đà Nẵng, chủ cửa hàng phân phối cho biết, năm nay, doanh thu sụt giảm 50 - 60% so với năm ngoái", ông Tuấn nêu.
Theo ông Tuấn, hiện nay, có nhiều loại thuế tác động đến doanh nghiệp như thuế bảo vệ môi trường hoặc thủ tục hành chính. Thủ tục hành chính đình trệ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đồ uống.
"Do đó, việc tăng thuế trong bối cảnh hiện nay có lẽ là chưa phù hợp. Mổ xẻ vào quy định thì việc lựa chọn chính sách không hề dễ dàng. Đối với nước uống đại mạch, hồ sơ dự thảo luật đang mâu thuẫn. Triết lý về điều chỉnh hành vi đang chưa rõ. Cho nên, doanh nghiệp đặt vấn đề liệu gốc rễ liệu rằng điều chỉnh sắc thuế ở đây có phải là dành cho nguồn thu hay không?', ông Tuấn chia sẻ.
Ông Bennett Neo - Tổng Giám đốc Sabeco. |
Ở góc độ doanh nghiệp, đưa ra ý kiến tại hội thảo, ông Bennett Neo - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) nhận định, chúng ta đã có vài năm khó khăn bởi COVID-19, trong đó có ngành bia.
"Tại Sabeco chúng tôi cố gắng kiến tạo việc làm cho người lao động ngay cả trong đại dịch và luôn đồng hành cùng Chính phủ. Theo dòng lịch sử, từ năm 1875 đến nay, Sabeco có 26 nhà máy trên toàn quốc và chúng tôi tạo ra 13.000 lao động trực tiếp, chưa tính đến hàng nghìn lao động khác ở dịch vụ cung ứng hàng hóa cho doanh nghiệp", ông Bennett Neo nói. Về đóng góp cho ngân sách Nhà nước, năm 2022, Sabeco đóng thuế hơn 14.000 tỷ đồng.
Tại hội thảo, đại diện Sabeco đưa ra 2 kiến nghị. Thứ nhất, vì kinh tế còn khó khăn, do đó cần giữ nguyên mức thuế ít nhất trong vòng từ 3 - 5 năm. Thứ hai, Việt Nam nên duy trì mức tính thuế như hiện tại và điều chỉnh theo lộ trình, ít nhất trong 10 năm tới.
"Chúng tôi không đề xuất tính thuế theo phương pháp hỗn hợp. Phương pháp tính thuế tương đối điều chỉnh yêu cầu của người tiêu dùng dựa trên giá của sản phẩm, giá cao hơn thì thuế sẽ cao hơn. Do đó, hiệu quả hơn trong việc phân bổ nguồn lực", ông Bennett Neo nói.
Cũng theo ông Bennett Neo, phương pháp tính hiện tại cũng đang thể hiện hiệu quả cho việc kiểm soát lạm phát để bình ổn giá đồ uống có cồn mà không làm tăng chi phí quản lý của Nhà nước.
Mặt khác, việc áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán của sản phẩm. Do đó, tạo áp lực lên các thương hiệu bia nội địa, dẫn đến tăng giá độc quyền, có thể làm mất đi thương hiệu đã gắn liền với các giá trị văn hóa lâu đời.