Sốt xuất huyết vào mùa: Người dân chủ quan, dịch dễ bùng phát

Tại Hà Nội, đầu tháng 6 năm nay các trường hợp sốt xuất huyết mới chỉ xuất hiện rải rác nhưng các chuyên gia cảnh báo người dân không thể chủ quan.
Dịch sốt xuất huyết vào mùa: Dấu hiệu và cách phòng ngừa Tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống và điều trị sốt xuất huyết Nhầm lẫn triệu chứng sốt xuất huyết với phản ứng sau tiêm vắc xin phòng Covid-19

Cảnh giác chu kỳ "5 năm" của dịch sốt xuất huyết

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2022, cả nước có 25.861 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 13 trường hợp tử vong.

Cũng theo CDC Hà Nội, tại thời điểm này, số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội trung bình 10-15 ca/tuần. Năm tháng đầu năm 2022, thành phố có 55 ca mắc sốt xuất huyết (giảm hơn 42% so với cùng kỳ năm 2021).

Các ca bệnh rải rác ghi nhận tại 6 quận, huyện gồm: Đông Anh, Chương Mỹ, Hoài Đức, Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Đống Đa.

Người dân chủ quan, dịch dễ bùng phát
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đống Đa

Tuy số ca mắc vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng các chuyên gia phân tích, cứ 5 năm sốt xuất huyết lại bùng lên thành dịch lớn. Năm 2017, chúng ta đã đương đầu với trận dịch sốt xuất huyết khá lớn. Như vậy, theo chu kỳ năm 2022 sẽ là thời điểm dịch bệnh này bùng phát mạnh.

Tại miền Nam, số người bị mắc sốt xuất huyết ngày càng gia tăng. Còn tại miền Bắc, thời tiết năm nay thay đổi thất thường, do đó, dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội có thể bùng muộn hơn, vào khoảng tháng 7, tháng 8.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết: "Để hạn chế tối đa số ca mắc tay chân miệng, sốt xuất huyết nặng và tử vong, ngành Y tế Thủ đô đã chỉ đạo các bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng các khu điều trị; đồng thời điều trị, chuyển tuyến kịp thời các ca bệnh có diễn biến nặng.

Tại các cơ sở khám, chữa bệnh cần củng cố, duy trì hoạt động của “Nhóm điều trị sốt xuất huyết” và “Đường dây nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết” để thường xuyên tư vấn, trao đổi chuyên môn và hỗ trợ người dân khi cần thiết".

Cũng theo khuyến cáo của bác sĩ, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả nhất là loại bỏ vật trung gian truyền bệnh đó là muỗi Aedes. Người dân tham gia diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy quanh khu vực mình sinh sống.

Bên cạnh đó, thường xuyên vệ sinh môi trường phòng chống sốt xuất huyết bằng những công việc như: đậy kín các dụng cụ chứa nước, không để cho muỗi vào đẻ trứng.

Mọi người cần cọ rửa và thay nước ít nhất 1 lần/tuần với các dụng cụ chứa nước như xô, chum vại, lọ hoa, bể chứa đựng nước, đặc biệt lưu ý các loại cây cảnh thủy sinh trong nhà cũng cần được thay nước và cọ rửa bình 1 lần/tuần.

Đối với các dụng cụ chứa nước lớn hay các bể chứa nên thả cá ăn bọ gậy, người dân cần thực hiện thu gom, hủy bỏ các loại phế thải có thể chứa nước như lốp xe cũ, chai lọ, vỏ đồ hộp, gáo dừa…

Mỗi người dân cần phòng chống muỗi đốt bằng các biện pháp như: dọn dẹp nhà cửa gọn gàng sạch sẽ, không treo quần áo trên tường để giảm bớt chỗ trú ngụ của muỗi; Ngủ màn kể cả ban ngày; Làm rèm che cửa để hạn chế muỗi xâm nhập vào nhà.

Người dân tự điều trị, bệnh càng trở nặng

Hiện, nhiều nơi trên cả nước, dịch sốt xuất huyết đã xuất hiện cùng với dịch COVID-19 vẫn đang lưu hành. Đáng lo ngại là cả hai loại bệnh khiến người mắc có triệu chứng giống nhau, nhất là sốt.

Việc nhầm lẫn giữa sốt xuất huyết và COVID-19 khá nguy hiểm, bởi sốt xuất huyết nếu không phát hiện kịp thời có thể dẫn tới các biến chứng nặng, thậm chí tử vong. Hiện các bệnh viện tại Hà Nội đã tiếp nhận những ca nhập viện trong tình trạng nặng.

so-y-te-ha-noi-kiem-tra-cong-tac-phong-chong-sot-xuat-huyet-tren-dia-ban-quan-nam-tu-liem
Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn quận Nam Từ Liêm

BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cho biết: “Vừa qua có một số bệnh nhân bị sốt xuất huyết vào viện trong tình trạng nặng. Nguyên nhân là ngoài tâm lý e ngại đến bệnh viện, muốn điều trị ở nhà vì sợ dịch bệnh; còn vì có một số bệnh nhân nghĩ mình mắc COVID-19 và đã tiêm 3 mũi vaccine nên chủ quan. Tuy nhiên, khi sốt cao tới ngày thứ 3, bệnh nhân mới tá hỏa vào viện thì hóa ra bị sốt xuất huyết và đã ở tình trạng tiểu cầu giảm sâu, rất nguy hiểm”.

Theo BS Nguyễn Thu Hường, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang lưu hành cùng với sự xuất hiện của sốt xuất huyết khiến cho rất nhiều người nhầm lẫn, người bệnh cần chú ý các dấu hiệu như: Khi bệnh nhân có sốt cao tức là có phản ứng bất thường của cơ thể, nên tới các cơ sở y tế thăm khám để tìm nguyên nhân.

Đặc biệt, các dấu hiệu phân biệt giữa COVID-19 và sốt xuất huyết là: Tình trạng sốt của bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thường ở mức rất cao tới 39 - 40 độ C; bệnh nhân sẽ có thêm triệu chứng đau đầu, đau mỏi người.

Còn đối với các trường hợp mắc COVID-19, do hiện nay đa số người dân đã tiêm vắc xin phòng bệnh nên các triệu chứng thường nhẹ, bệnh nhân có thể có sốt nhưng sốt nhẹ, thường chỉ ở mức 38 - 38,5 độ C.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, sốt xuất huyết cần được phát hiện và điều trị kịp thời, bởi một trong những biến chứng đáng ngại của sốt xuất huyết là việc giảm tiểu cầu.

Giảm tiểu cầu ở bệnh nhân sốt xuất huyết có thể gây ra tình trạng rối loại đông máu, chảy máu ở nhiều nơi trong cơ thể, gây ra xuất huyết não, xuất huyết đường tiêu hoá, chảy máu dưới da, chảy máu chân răng... nhất là xuất huyết nội tạng có thể khiến người bệnh rơi vào nguy hiểm.

Dịch sốt xuất huyết vào mùa: Dấu hiệu và cách phòng ngừa Dịch sốt xuất huyết vào mùa: Dấu hiệu và cách phòng ngừa
Tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống và điều trị sốt xuất huyết Tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống và điều trị sốt xuất huyết
Nhầm lẫn triệu chứng sốt xuất huyết với phản ứng sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 Nhầm lẫn triệu chứng sốt xuất huyết với phản ứng sau tiêm vắc xin phòng Covid-19
Phương Thu
Phiên bản di động