Skin House kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn phụ
Báo Tuổi trẻ và Pháp luật nhận được ý kiến của bạn đọc Nguyễn Hà (Nam Từ Liêm, Hà Nội) phản ánh: “Ngày 8/01 vừa qua, tôi vào cửa hàng Skin House tại số 19 Doãn Kế Thiện, Cầu Giấy, Hà Nội mua mặt nạ 27.000 đồng. Lúc đó, vì gấp gáp nên tôi không để ý, tuy nhiên, về nhà, quan sát kỹ mới thấy trên sản phẩm này chỉ toàn chữ tiếng Anh và tiếng Trung Quốc, không hề có tem phụ bằng tiếng Việt về thông tin thành phần, cách sử dụng, xuất xứ hàng hóa, nhà nhập khẩu… Tôi không dám dùng sản phẩm đó vì không có gì bảo đảm đây là hàng hóa đủ tiêu chuẩn chất lượng lưu hành trên thị trường Việt Nam”.
Theo khảo sát của PV, chuỗi cửa hàng Skin House kể từ khi ra mắt thị trường cho đến nay đã mở thêm nhiều cơ sở trên địa bàn Hà Nội. Đây là nơi chuyên kinh doanh các sản phẩm mỹ phẩm, thu hút khá nhiều khách hàng, đặc biệt là các bạn trẻ.
Gần như 100% sản phẩm của skin House có xuất xứ từ nước ngoài
Tuy nhiên, điều đáng nói là trên bao bì nhiều sản phẩm tại chuỗi cửa hàng này không hề được dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam như son môi, kem trị thâm mắt, mặt nạ chăm sóc da…
Cầm trên tay những mặt hàng không có chút thông tin bằng tiếng Việt, nhiều khách hàng tỏ vẻ lúng túng không biết sản phẩm đó tên gọi là gì nên đành phải quay sang hỏi người mua hàng đứng bên cạnh hay nhờ sự trợ giúp của nhân viên bán hàng. Không ít khách hàng băn khoăn, tại sao các cửa hàng Skin House có mặt tiền ở những con phố sầm uất mà lại có phương thức bán hàng làm khó người tiêu dùng như vậy, nhiều khách hàng còn nghi ngờ nơi đây bán các mặt hàng trôi nổi, không có nguồn gốc, thậm chí hàng lậu.
Chị Bích một khách hàng vừa bước ra từ cửa hàng Skin House số 19 Nguyễn Phong Sắc phàn nàn: “Tôi định mua mỹ phẩm vì bạn bè nói ở đây bán hàng chính hãng nhưng giá rẻ so với các của hàng khác. Quả thật các sản phẩm có giá phải chăng nhưng như kiểu mình đang ở nước khác, cái gì cũng phải nhờ nhân viên hỗ trợ. Da tôi dị ứng với một số các thành phần hay có trong mỹ phẩm nên cần phải xem thật kỹ mới có thể sử dụng nhưng các thông tin cần thiết về sản phẩm như thành phần, xuất xứ, cách bảo quản… lại không được thể hiện bằng tiếng Việt. Nếu trong sản phẩm chứa chất cấm hay thành phần không phù hợp với cơ địa của tôi, ảnh hưởng đến sức khỏe thì ai chịu trách nhiệm?
Ngay cả những sản phẩm mỹ phẩm dùng trực tiếp trên da cũng hề có thông tin thành phần, cách sử dụng, xuất xứ hàng hóa, nhà nhập khẩu
Theo một chuyên gia, trong bối cảnh thị trường hàng hóa đã và đang bị trà trộn nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu... thì với việc dán tem nhãn đầy đủ, rõ ràng đúng quy định của pháp luật trên sản phẩm chính là cách đơn giản nhất để một doanh nghiệp chân chính tự bảo vệ uy tín, thương hiệu, đồng thời bảo đảm quyền lợi chính đáng cho khách hàng.
Dư luận đặt ra câu hỏi: Lẽ nào, Skin House lại muốn đánh đồng mình với những cơ sở, doanh nghiệp làm ăn "mập mờ?" Phải chăng Skin House hoạt động không cần biết tới pháp luật Việt Nam? Hay vì lý do nào khác mà mặc dù Skin House chính thức "đặt chân" vào thị trường Việt Nam từ lâu nhưng đến nay vẫn "chưa kịp" dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt cho hàng hóa bán ra?
Đáng chú ý trước đó, ngày 6/7/2018 đội QLTT số 13 đã từng tiến hành kiểm tra cửa hàng này và phát hiện cửa hàng bày bán hàng hoá gồm: 396 sản phẩm mỹ phẩm các loại do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc và cho đến thời điểm hiện tại, Skin House vẫn đang tiếp tục tái phạm.
Bên cạnh đó, có một điều “khó hiểu” đang diễn ra là việc Skin house bán nhiều sản phẩm không in ngày sản xuất (NSX) cũng như hạn sử dụng (HSD). Khi PV thắc mắc với nhân viên về điều này thì nhân viên cười nhạt và trả lời một cách thản nhiên: "Hầu hết mỹ phẩm của nhật đều không in NSX và HSD. Cái này nếu ai dùng hàng nội địa của Nhật sẽ biết rõ mà chị. Nếu chị muốn check (kiểm tra - pv) thì em đem ra quầy check bằng phần mềm bên em cho chị là biết ngay thôi.”
Sản phẩm mặt nạ in chữ Trung quốc
Theo chị Hà Thị Chi, một người chuyên dùng hàng mỹ phẩm của Hàn Quốc Nhật thì nếu khách hàng mua ở đại lý chính hãng thì sẽ đảm bảo được quyền lợi vì ở đó luôn thay thế hàng mới. Thường thì khi các hãng mỹ phẩm không thể hiện NSX lên bao bì thì họ sẽ thay đổi mẫu mã thường xuyên đồng thời các sản phẩm đều được dán nhãn phụ tiếng Việt có in HSD, nhưng đối với thị trường hàng xách tay trôi nổi thì các đầu buôn phải gom hàng với thời gian khá lâu, thậm chí cố tình lấy hàng tồn kho với giá tốt thì đây lại là vấn đề người tiêu dùng cần hết sức lưu tâm.