Sinh viên năm 3 mới thay đổi lại ngành học liệu có an toàn?

Dù đã học đến năm thứ 3 với những môn học chuyên ngành nhưng nhiều sinh viên vẫn còn mơ hồ về chuyên ngành mà bản thân lựa chọn. Một bộ phận đang đứng giữa ranh giới tiếp tục cố gắng hay dừng lại.
Lộ diện hoa khôi cuộc thi “Sinh viên thanh lịch” Ấn tượng “Ngày hội giao lưu văn hóa đa quốc gia lần thứ X” tại Hà Nội Sắp diễn ra Ngày hội việc làm dành riêng cho sinh viên khối ngành kinh tế

Mất phương hướng trên con đường mình đã chọn

Chia sẻ về cơ duyên chọn ngành sư phạm của mình, Nguyễn Ngọc Bích (20 tuổi, sinh viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết đây thực ra chỉ là nguyện vọng 2 của cô. Dù yêu thích công việc liên quan đến ngoại ngữ nhưng Ngọc Bích mong muốn theo đuổi ngành ngôn ngữ theo hướng dịch thuật, không định hướng theo nghiệp dạy học.

Nữ sinh tâm sự, bản thân không đặt nhiều kỳ vọng với ngành học hiện tại nhưng không đủ dũng khí thi lại ngành khác. “Nếu như bắt đầu lại từ đầu, mình ý thức được cần phải đủ nỗ lực rất nhiều, bỏ thời gian học lại, ôn thi lại, và tìm được đúng ngành mà mình sẽ theo đuổi hết 4 năm đại học, chứ không đơn giản chán là bỏ”, Ngọc Bích chia sẻ.

Ngọc Bích hy vọng, trong tương lai, cô có thể làm công việc yêu thích
Ngọc Bích hy vọng, trong tương lai, cô có thể làm công việc yêu thích

Còn với Hoàng Thu Thảo, sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ước mơ lớn nhất của nữ sinh là trở thành một biên tập viên truyền hình. Từ những năm cấp 3, Thu Thảo đã quyết tâm theo học khối ngành báo chí vì nhận thấy mình có khả năng viết lách. Tuy nhiên, trong quá trình học tập, Thảo nhận thấy chuyên ngành này không phù hợp với tính cách của mình, và có ý định chuyển hướng sang ngành truyền thông.

Dù đã từng có khoảng thời gian nghĩ đến việc chuyển ngành học nhưng vì sợ bố mẹ thất vọng nữ sinh viên vẫn tiếp tục đến giảng đường. Cô gái cho biết: “Mình hay nhiều bạn đồng trang lứa hiện giờ cố gắng lên lớp trong cầm cự. Bố mẹ đã nuôi mình ăn học đến bây giờ mà lại bỏ giữa chừng thì thật khó hiểu. Rồi vấn đề thời gian nữa, nên khó có thể mạo hiểm lựa chọn chuyển ngành”.

Tạm dừng để thấu hiểu bản thân

Trong khi đó, có những sinh viên đã đưa ra quyết định tạm dừng việc học để lựa chọn lại một chuyên ngành phù hợp. Lê Ngọc Anh, cô gái sinh năm 2000 đã khẳng định, đây là một việc làm đúng đắn.

Trước đó, Ngọc Anh từng là sinh viên ngành Quản lý Văn hóa, trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Sau quá trình học, khi cảm nhận bản thân khó tiến bộ vì không có niềm đam mê với ngành học, nữ sinh viên đã quyết định tạm ngừng để thi một chuyên ngành khác.

“Khi quyết định tạm dừng học, mình cũng từng rất hoang mang, không biết lựa chọn tiếp theo có phù hợp với bản thân hay không. Nhưng may mắn, gia đình hiểu và động viên mình rất nhiều, giúp mình cảm thấy vững tâm hơn”, Ngọc Anh tâm sự.

Hiện tại, Ngọc Anh đang là sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội. Nữ sinh cho hay, việc tạm dừng đã giúp mình hiểu hơn về bản thân, lắng nghe về nhu cầu của chính mình để cân đối trong cuộc sống, việc học tập.

Các bạn sinh viên cần cân nhắc kĩ trước khi chuyển ngành học
Các bạn sinh viên cần cân nhắc kĩ trước khi chuyển ngành học

Chia sẻ thêm về quyết định này, nữ sinh cho hay: “Có thể, các bạn sẽ gặp áp lực với những người bạn đồng trang lứa. Khi bạn mình đã ra trường, đi làm thì mình vẫn đang đi học. Nhưng mình quan niệm, thà chậm nhưng chắc. Hãy tin tưởng vào bản thân mình!

Để có thể đưa ra những quyết định tạm dừng, các bạn sinh viên nên chuẩn bị kế hoạch ngắn hạn lẫn dài hạn để chia sẻ và thuyết phục bố mẹ. Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, một tuổi trẻ để trải nghiệm. Vì thế, hãy lựa chọn ngành nghề học mà bản thân thật sự đam mê và phù hợp với nhu cầu xã hội".

Có thể nói, ở năm thứ nhất, thứ 2 mới chỉ học đại cương nên nhiều sinh viên chưa được tiếp cận với chuyên ngành mình theo học, vì thế các em vẫn thấy chông chênh. Nhưng đến năm thứ 3 được học chuyên sâu, sinh viên hiểu bản thân và hiểu rõ ngành nghề mình theo học, từ đó có những suy tính thiệt hơn là điều phù hợp với tâm lý.

Nhiều ý kiến cho rằng, sinh viên đã học đến năm thứ 3 rồi thì cố gắng học nốt năm cuối để lấy tấm bằng rồi tiếp tục học thêm văn bằng hai cũng chưa muộn, bởi việc học hành là cả đời. Như thế đỡ lãng phí tiền bạc của bố mẹ và lãng phí sự phấn đấu của chính bản thân sinh viên trong 3 năm vừa qua.

Thực tế, ở trong công việc, sự học hành ở trường chỉ là một phần để khởi điểm, điều làm nên thành công trong công việc là học hỏi từ thực tế, trau dồi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm... Vì thế, các bạn sinh viên đến năm thứ 3 vẫn còn chông chênh về ngành học mình đã lựa chọn thì nên suy nghĩ thật thấu đáo, bởi dù lựa chọn thế nào thì các bạn phải xác định được mục tiêu cho tương lai của mình và phải tự chịu trách nhiệm đối với quyết định của mình.

Đình Trung
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động