Sau cú sốc thuế quan, thép từ Việt Nam lại bị điều tra bán phá giá ở Ấn Độ
Cú sốc thuế quan lộ thêm lỗ hổng Việt Nam lên tiếng việc Hoa Kỳ áp thuế hơn 450% với sản phẩm thép Hòa Phát xuất khẩu gần 123.500 tấn thép ra nước ngoài, Mỹ chiếm 10% |
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), ngày 3/7, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) đã khởi xướng điều tra áp dụng biên pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn không gỉ cán phẳng nhập khẩu từ một số nước trong đó có Việt Nam.
Theo đó, sản phẩm bị điều tra là thép cuộn không gỉ cán phẳng gồm các sản phẩm thuộc phân nhóm HS 7219, 7220 theo đạo luật thuế quan Hải quan năm 1975 trừ các sản phẩm trong phạm vi loại trừ cụ thể trong thông báo.
Ảnh minh họa. |
Nguyên đơn trong vụ điều tra này là Stainless Steel Development Association (ISSDA), M/s Jindal Stainless Limited, Jindal Stainless (Hisar) Limited and Jindal Stainless Steelway Limited cho rằng sản phẩm bị điều tra từ các nước nói trên đang bị bán phá giá vào thị trường Ấn Độ và gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
Thời kỳ điều tra phá giá (POI) từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2019 (12 tháng). Thời kỳ xác định thiệt hại: 2015-2016, 2016-2017, 2017-2018 và thời kỳ điều tra.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ yêu cầu các bên liên quan cung cấp thông tin, trả lời bản câu hỏi và gửi cơ quan điều tra trong vòng là 40 ngày kể từ ngày đăng công báo.
Trong trường hợp không nhận được phản hồi/bản trả lời trong thời gian nêu trên hoặc doanh nghiệp không hợp tác, cơ quan điều tra có thể sẽ dựa trên các dữ kiện có sẵn để đưa ra kết luận về vụ việc với kết quả bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Do vậy, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm bị điều tra có liên quan của Việt Nam tham gia hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra Ấn Độ trong suốt quá trình vụ việc để đạt được kết quả tốt nhất.
Vừa qua, ngành thép Việt Nam đã phải chịu cú sốc thuế quan khi Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế lên tới 456,23% đối với thép cuộn cán nguội (CR) và thép chống ăn mòn (CORE) được sản xuất tại Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), sau đó được vận chuyển tới Việt Nam để gia công và cuối cùng xuất khẩu tới Mỹ.
Việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép CR và thép CORE của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ vùng lãnh thổ Đài Loan và Hàn Quốc được phía Mỹ khởi xướng điều tra từ tháng 8/2018, sau khi Mỹ áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp với thép CR, CORE của vùng lãnh thổ Đài Loan và Hàn Quốc từ năm 2016.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, việc sản xuất thép CR, CORE từ thép cán nóng nhập khẩu từ vùng lãnh thổ Đài Loan và Hàn Quốc là chuyển đổi không đáng kể, giúp lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Mỹ đang áp dụng đối với vùng lãnh thổ Đài Loan và Hàn Quốc.
Căn cứ kết luận sơ bộ, Bộ Thương mại Mỹ sẽ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế tạm thời với sản phẩm thép CR và thép CORE nhập khẩu từ Việt Nam thông qua việc thu tiền ký quỹ khi nhập khẩu, mức ký quỹ sẽ phụ thuộc vào từng loại sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan.