Sao Mai Diệu Thúy “Lạc hồn quê” cùng Ngọc Lê Ninh
Bài thơ “Đồng nội” được Ngọc Lê Ninh viết năm 1992 khi anh còn là sinh viên trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội. Đây là bài thơ rút trong tập thơ “Vỡ cùng hy vọng” (NXB Hội Nhà văn Việt Nam) xuất bản năm 2016. Bài thơ đã được chính tác giả phổ nhạc thành ca khúc “Lạc hồn quê” và được một số ca sĩ nổi tiếng thể hiện xuất sắc như: NSND Phạm Thanh Hương, Sao Mai Diệu Thúy và Quốc Quốc.
Ca sĩ Sao Mai Diệu Thúy |
Bài thơ "Đồng nội" là thi phẩm được nhiều người yêu thích dưới ngòi bút sắc sảo, tinh tế, sâu sắc của thi sĩ Ngọc Lê Ninh khi anh mô tả về cảnh đẹp của làng quê Việt Nam với những câu thơ lạ, độc đáo và rất thơ như “Cỏ đón đôi bàn chân thân ái”, “Bước chân cò làm vỡ ánh hoàng hôn”, “Tiếng sữa đụn căng tròn hạt lúa”…
Diệu Thúy và Ngọc Lê Ninh - tác giả ca khúc "Lạc hồn quê" |
Thông qua bài thơ, ngoài việc mô tả cảnh đẹp của quê hương Việt Nam tác giả muốn kể cho chúng ta một mối tình sắt son, chung thủy của người thôn nữ Việt Nam mòn mỏi đợi chờ người yêu.
Cho dù vì hoàn cảnh, lý do khác nhau mà chàng trai kia đã dứt bỏ cuộc tình để đến với một phương trời xa lạ: “Anh lời thề theo con gió chạy mau/ Em vẫn cháy niềm tin thời con gái/ Nghe khúc hát bên kia trời vọng lại/ Chiều run run một chiếc lá xa cành…” thì tình cảm son sắt thủy chung ấy vẫn không thay đổi.
Xa hơn nữa, tác giả của bài thơ muốn nhắc nhở chúng ta về cuộc sống phải luôn có trước có sau, phải luôn luôn biết sống tôn trọng quá khứ và quê hương, gìn giữ những tình cảm ban sơ mộc mạc mà sâu đậm.
Đồng nội
Anh có về đồng nội không anh
Nơi cỏ đón đôi bàn chân thân ái
Nghe tiếng cuốc giục chiều rơi mê mải
Nghe bước chân cò làm vỡ ánh hoàng hôn.
Xóm làng đang thầm ngóng mắt tre non
Sông vẫn thở nhịp đò ta rất khẽ
Nghe tiếng sữa đụn căng tròn hạt lúa
Vi vu diều thổi sáo thuở cùng nhau.
Anh lời thề theo con gió chạy mau
Em vẫn cháy niềm tin thời con gái
Nghe khúc hát bên kia trời vọng lại
Chiều run run một chiếc lá xa cành.
Anh có về đồng nội không anh
Mà nhấp lại vị ngọt ngào thuở trước
Men quá khứ ủ dậy niềm nuối tiếc
Khi chân người quá bước... lạc hồn quê.