Sân chơi ý nghĩa của những người làm báo

Giải báo chí về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị TP Hà Nội và Giải báo chí về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh không dừng lại chỉ là một sân chơi ý nghĩa mà còn huy động sự vào cuộc tích cực của những người làm báo Thủ đô đối với công cuộc xây dựng và phát triển của thành phố bằng những tác phẩm phong phú ở mọi thể loại.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng người làm báo nhân dịp 21-6 Bế mạc Hội báo Toàn quốc 2019: Cuộc hội tụ nghề nghiệp, văn hóa tinh thần đặc sắc của người làm báo
san choi y nghia cua nhung nguoi lam bao
Lễ trao thưởng Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh lần thứ I- 2018

Sau 2 năm được triển khai, Giải báo chí về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị TP Hà Nội và Giải báo chí về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh đã khẳng định vị trí là sân chơi ý nghĩa được mong đợi đối với những người làm báo chân chính Thủ đô.

Nếu như trong năm đầu tiên, Giải Báo chí về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của TP Hà Nội thu hút sự tham gia của 27 cơ quan báo chí (trong đó có 15 cơ quan báo chí Trung ương) với đã tổng số 194 tác phẩm, thì trong năm thứ 2, sau 9 tháng phát động, Ban tổ chức đã tiếp nhận tổng số 202 tác phẩm của 30 cơ quan báo chí (trong đó có 17 cơ quan báo chí Trung ương)

Với Giải báo chí về Phát triển và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, từ 263 tác phẩm của 22 cơ quan báo chí mùa đầu tiên (trong đó có 10 cơ quan báo chí Trung ương), năm 2019, Ban tổ chức giải đã tiếp nhận 311 tác phẩm của 32 cơ quan báo chí ( trong đó có 19 cơ quan báo chí Trung ương).

Cùng với việc tăng số lượng các tác phẩm tham dự, trong năm thứ 2 tổ chức, hai giải báo chí trên cũng thu hút sự tham gia ngày một đông của các cơ quan báo chí Trung ương, sự tham gia nhiệt tình của các cơ quan báo chí Hà Nội. Nhiều tác phẩm chất lượng được đầu tư công phu, hấp dẫn về cách thể hiện, cho thấy Hà Nội luôn là chủ đề quan trọng, hấp dẫn với báo chí cả nước và hệ thống báo chí Thủ đô.

Điều này cũng cho thấy việc tổ chức hai giải báo chí này là hoàn toàn đúng đắn và phần nào hướng đúng tới mục tiêu ban đầu mà cuộc thi đặt ra khẳng định các nhiệm vụ quan trọng mà thành phố đang hướng tới. Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong từng chia sẻ, Hà Nội xác định, trên lĩnh vực phát triển kinh tế, có thể chưa phải là địa phương đi đầu cả nước nhưng đối với việc xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thì Hà Nội phải là địa phương đi đầu. Việc phát triển xây dựng người Hà Nội phải được quan tâm.

Với sự phát triển không ngừng, đặc biệt là tốc độ đô thị hoá nhanh, sự vào cuộc của các cơ quan báo chí có vai trò quan trọng trong việc đóng góp cho sự phát triển chung của Hà Nội. Việc tổ chức hai giải báo chí này đã góp phần huy động sự vào cuộc của các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội; sự tham gia tích cực của những nhà báo vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Thực tế, qua mùa đầu tiên cho thấy, hai giải báo chí của Thành ủy đã thành công hơn cả mong đợi. Theo đánh giá của Ban tổ chức, các tác phẩm đã bám sát chủ đề cuộc thi, bám sát các vấn đề đang nảy sinh trên địa bàn Hà Nội. Đáng lưu ý, nhiều tác phẩm bám sát vấn đề đang nảy sinh từ cấp thôn, xã. Các tác phẩm đề cập nhiều chiều, đi sâu phân tích những điều đã làm được với cách tiếp cận vấn đề nghiêm túc, khách quan. Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm cũng có tính phê phán, gợi mở các giải pháp cho Hà Nội giai đoạn hiện nay cũng như định hướng cho Hà Nội thời gian tới.

Nhận giải B, Giải báo chí về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị TP Hà Nội lần thứ I, Nhà báo Nguyễn Khánh Ly, báo Hà Nội Mới chia sẻ rằng, nhiệm vụ tuyên truyền về xây dựng Đảng, thường được chị và các đồng nghiệp nói vui đây là lĩnh vực khó, khô và khổ. Song may mắn là trong quá trình tác nghiệp, chị luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo hỗ trợ của Ban Biên tập và lãnh đạo ban. Ngoài ra, chính sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Thường trực Thành ủy đã tạo thực tiễn sinh động để những phóng viên nội chính như chị có tin nóng, bài hay hướng về cơ sở, góp phần nhỏ đưa những chỉ thị, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Rõ ràng, không phải chỉ là những giải thưởng, điều mà các nhà báo nhận được là các tư liệu và kinh nghiệm quý giá cho chính công việc của mình khi đầu tư, tham gia vào hai giải báo chí của thành phố Hà Nội.

Triển khai mỗi đề tài, mỗi loạt bài là một lần những người cầm bút thêm một lần "dấn thân" vào cuộc sống, để hiểu, để cảm nhận, để trăn trở cùng thành phố.

Bởi hơn ai hết, mỗi nhà báo đều hiểu, để có các tác phẩm báo chí xuất sắc tham gia hai giải báo chí của thành phố Hà Nội, mỗi phóng viên cần hiểu đúng và sâu sắc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của thành phố trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phát triển văn hóa Thủ đô.

Quá trình đầu tư cho các loạt bài, họ phải chủ động, tích cực bám sát thực tế cơ sở để phản ánh kịp thời, toàn diện kết quả thực hiện nhiệm vụ ở các địa phương, cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở đó, phát hiện cách làm hay, mô hình tốt để biểu dương và đấu tranh, phê phán những khuyết điểm, vi phạm, những vấn đề còn tồn tại, hạn chế.

Nhờ vậy, mỗi tin bài trên báo chí được xuất bản đã thể hiện được tầm trí tuệ, thái độ đúng đắn, khách quan của người làm báo trước vấn đề đang đặt ra. Cũng từ đây giúp các cấp ủy Đảng, chính quyền làm tốt hơn vai trò lãnh đạo, đồng thời lan tỏa, nhân lên những điều tốt đẹp, những giá trị văn hóa của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến...

Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động