Sách giáo khoa lớp 1: Cần thêm ca dao, tục ngữ Việt Nam
Bộ GD-ĐT đề nghị Hội đồng thẩm định xem xét kỹ ngữ liệu, ngôn ngữ SGK lớp 6 mới Bộ sách giáo khoa Cánh Diều tiếp tục làm “nóng” phiên thảo luận của Quốc hội |
Nên đưa ca dao, tục ngữ của Việt Nam vào sách giáo khoa
Câu chuyện về triển khai sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới không chỉ “nóng” trên nghị trường quốc hội những ngày qua mà dư luận xã hội cũng đang hết sức quan tâm. Khi nói về chương trình SGK lớp 1 mới, giáo viên tại Thanh Hóa cũng đang có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này.
Theo ý kiến của giáo viên trực tiếp đứng lớp, nên đưa ca dao, tục ngữ Việt Nam vào sách giáo khoa lớp 1. |
Về nội dung của chương trình SGK mới, theo bà Phạm Thị Mai Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Điện Biên 1, phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa, chương trình sách Cánh diều đưa ngụ ngôn thế giới vào tương đối nhiều.
Về nội dung chương trình đưa nhiều câu chuyện ngụ ngôn, cô Nguyễn Thị Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Xuân Yên, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) cho rằng: “Những câu chuyện ngụ ngôn đưa vào cho các con biết được các tình huống trong thực tế xảy ra cũng tốt.
Nhưng nên đưa thơ, ca giao, tục ngữ của Việt Nam vào để cho các con biết được phong tục và văn hóa Việt Nam, để các con hình thành kiến thức trong đầu từ ngay những lớp nhỏ nhất”.
Riêng vấn đề này, cô Thảo kiến nghị nên thay các ngữ điệu phức tạp, thêm ca dao, tục ngữ của Việt Nam thay thế cho một số bài mà dư luận đang bình luận rất nhiều để phù hợp với trình độ học sinh. Đồng thời, đối với những vấn đề dư luận đánh giá nặng với học sinh hay những từ xa vời với lứa tuổi quá thì nên điều chỉnh.
Học sinh tránh đọc vẹt
Cô Nguyễn Thị Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Điện Biên 1, thành phố Thanh Hóa chia sẻ: Ưu điểm của chương trình mới là học sinh tránh đọc vẹt, vì câu từ không vần giống như chương trình cũ.
Cô Nguyễn Thị Thủy nhận xét, chương trình mới giúp học sinh tránh đọc vẹt. |
Phương pháp để nâng cao hiệu quả trong phần đọc theo cô Thủy là giáo viên và phụ huynh có sự trao đổi thường xuyên để kết hợp cả hai cùng dạy các em học sinh.
Đồng thời, trong quá trình dạy, giáo viên sẽ triển khai toàn bộ kiến thức trong sách cho học sinh, xong ứng dụng thực hành, phần nào nếu có học sinh chậm tiếp thu sẽ trao đổi với phụ huynh, kết hợp với cô giáo kèm thêm để các em bắt nhịp với các bạn.
Theo bà Phạm Thị Mai Hoa, mục đích trong chương trình mới, cố gắng để học sinh đọc câu càng sớm càng tốt. Thông qua đó rèn kỹ năng nói thành câu cho học sinh.
Tuy nhiên, khó khăn của chương trình mới theo cô Nguyễn Thị Thủy là tác giả muốn cho học sinh trong kỳ 1 hoàn thành hết phần âm và vần để các em đọc được.
Vấn đề này, theo cô Thủy, điều quan trọng là với những em khả năng tốt, tư duy tốt thì phát huy rất tốt, nhưng em nào tiếp thu chậm thì lượng kiến thức nhiều, dồn lại sẽ khiến các em khó khăn hơn, đến bài mới chậm thêm trong việc tiếp thu bài.
Phần tập đọc hơi dài và sử dụng từ địa phương. |
Qua thực tế giảng dạy, đối với môn Toán, cô Thủy kiến nghị phân tiết rõ ràng, mỗi bài một tiết để dễ dàng hơn cho giáo viên; còn các bài ôn tập Tiếng Việt hơi nặng, phần tập đọc hơi dài với học sinh.
Cùng chung nhận định trên, cô Nguyễn Thị Thảo cho biết, trong chương trình cũ ở học kỳ 1, học sinh mới chỉ học các chữ, âm, vần và những tiếng đơn giản, sang học kỳ 2 mới học bài tập đọc. Ở SGK mới, học sinh đã phải tập đọc cả bài dài là hơi vất vả đối với các em.
Theo cô Thảo, nếu được sự giúp đỡ từ phía phụ huynh, nỗ lực của chính các em và cô giáo sử dụng các phương pháp của mình thì học sinh tiếp thu được bài. Tuy nhiên, trong từng lớp, cũng có những học sinh nhanh, có những em chậm tiếp thu.
Theo tìm hiểu tại Phòng GD&ĐT huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp Tiểu học, đơn vị này đã yêu cầu các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học.
Ngành Giáo dục Thọ Xuân yêu cầu các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học. |
Đồng thời, yêu cầu các trường tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, đáp ứng với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học; tăng cường trao đổi thông tin để phụ huynh học sinh nắm được yêu cầu đổi mới của chương trình và đồng hành cùng nhà trường thực hiện hiệu quả chương trình.
Tăng cường dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ thường xuyên cho giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình. Trong quá trình triển khai thực hiện, yêu cầu các nhà trường tăng cường nắm bắt thông tin phản ánh từ giáo viên và phụ huynh để trao đổi, cung cấp thông tin, giải đáp kịp thời và tổng hợp các ý kiến phản ánh về Phòng GD&ĐT.
Ngoài ra, tăng cường việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường, đảm bảo mỗi cụm trường đều tổ chức dạy mẫu đủ các môn học và hoạt động giáo dục cho khối lớp 1 năm học 2020-2021.