Quốc hội đồng ý xem xét cho phép 4 luật mới có hiệu lực sớm hơn
Năm 2025, Quốc hội sẽ giám sát tối cao về môi trường Đại biểu Quốc hội thống nhất cao phê chuẩn Vương quốc Anh gia nhập CPTPP Quốc hội có thêm Phó Chủ tịch |
Chiều 8/6, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Kết quả biểu quyết cho thấy, có 463/465 đại biểu tham gia tán thành với việc thông qua nghị quyết (đạt tỷ lệ 95,07%).
Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Về dự kiến Chương trình năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ thêm sự cần thiết, tính cấp bách, khả thi của việc ban hành luật điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. Có ý kiến đề nghị chỉnh sửa tên luật để chỉ rõ việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực của các luật chứ không nêu chung là sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật.
Các đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu cũng là những yêu cầu mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đặt ra. Chính phủ đã tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội, đồng thời đôn đốc các bộ, chính quyền địa phương tích cực chuẩn bị đầy đủ điều kiện để triển khai thi hành các luật.
Qua xem xét cho thấy, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có nhiều quy định đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Việc sớm triển khai thi hành các luật nêu trên sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc, bất cập, đưa các chính sách mới đã được Quốc hội quyết định vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững, đẩy mạnh phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung dự án Luật vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và biểu quyết thông qua ngay tại đợt 2 của kỳ họp này theo trình tự, thủ tục rút gọn như Chính phủ đề xuất; đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, chỉnh lý tên gọi của luật cho phù hợp với phạm vi sửa đổi là chỉ điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của các luật sớm hơn, cụ thể là từ ngày 1/8/2024.
Để bảo đảm chất lượng ban hành luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ trong quá trình chỉ đạo soạn thảo dự án luật cần nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội đánh giá tác động kỹ lưỡng, nhất là những tác động bất lợi (nếu có) để đề xuất giải pháp khắc phục.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát kỹ các nội dung quy định chuyển tiếp tại 4 luật này và các quy định tại các luật khác có liên quan chịu tác động của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành sớm hơn 5 tháng để có phương án xử lý phù hợp.
Đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành bảo đảm có hiệu lực đồng thời với các luật.
Cùng đó, Chính phủ chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện cần thiết để triển khai thi hành các luật thông suốt, không để xảy ra vướng mắc do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, không tạo khoảng trống pháp lý, gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp và người dân.