Quảng Nam: Nới “tấm áo” đường sá phố Hội
Sức ép giao thông
Mấy hôm nay, phố xá Hội An bỗng thênh thang như những năm thời bao cấp chưa có du lịch. Sự ập đến của dịch bệnh “bất đắc dĩ” giúp đường sá của thành phố có những khoảnh khắc thư thả hiếm hoi sau nhiều năm oằn mình với áp lực giao thông đông đúc trong đó sự góp phần lớn của ngành du lịch khi lượng khách ùn ùn đổ về thăm di sản.
Khi bàn về câu chuyện cho hay không việc tiếp tục mở cơ sở lưu trú trên một tuyến đường gần trung tâm phố cổ, trước nhiều ý kiến tán thành việc nên dừng vì khu vực đó rất đông phương tiện qua lại vào giờ cao điểm thì một lãnh đạo địa phương cho rằng, hiện tượng xe cộ đông đúc vào một số thời điểm là có tuy nhiên chúng ta chưa có một đánh giá cụ thể với các thông số cụ thể về mật độ xe cộ để chứng minh thì rất khó để triển khai các giải pháp hạn chế việc kinh doanh dịch vụ của người dân.
Ở Hội An, không thiếu những gia đình dư dả để sắm “xế hộp” nhưng đành bấm bụng lóc cóc đi xe máy bởi hiên nhà nhiều lúc cũng không có thì lấy đâu ra chỗ đỗ xe.
Ông Lê Văn Sinh – Giám đốc Sở GT-VT Quảng Nam nhận định: “Trong 5 năm tới, Hội An sẽ đối diện với sức ép rất lớn từ kẹt xe và nếu không sớm giải quyết được vấn đề này thì chính ngành du lịch hái ra tiền của địa phương sẽ gánh nhiều hệ lụy”.
Không đâu xa, mới cuối năm ngoái nhiều cửa hàng dịch vụ trong phố cổ ngao ngán than vãn khi xe du lịch đợi khách lũ lượt đỗ choán hết cả mặt tiền của họ nhất là trong khung “giờ vàng” từ chiều đến chập tối.
Đón một lượng khách rất lớn nhưng thời gian lưu trú lại thấp khiến Hội An có nguy cơ trở thành một điểm du lịch trung chuyển. Điều này càng tạo sức ép lớn hơn lên đường sá, hạ tầng.
Ông Phan Xuân Anh – Tổng giám đốc Công ty du lịch Tân Hồng – Du ngoạn Việt thì cho rằng: “Du khách tăng quá nhanh khiến hạ tầng của Hội An không theo kịp là điều bình thường. Tuy nhiên, cái khó là nó chỉ kẹt xe vào một thời điểm nhất định đơn cử như tuyến đường ven biển Đà Nẵng - Hội An chỉ tấp nập vào cuối tuần hoặc cuối giờ chiều nhưng các khung giờ khác trong ngày thì lưu thông vẫn ổn định”.
Như vậy, để giải quyết bài toán kẹt xe của Hội An thì cần dung hòa tổng thể cả giải pháp hạ tầng lẫn cải thiện chất lượng du lịch.
Giao thông không động cơ cần được khuyến khích ở Hội An để giảm tải sức ép cho hạ tầng. Ảnh: Q.T |
Giải pháp xanh cho phố
Tháng 9 năm ngoái, chính quyền Hội An đã phê duyệt kế hoạch phát triển giao thông xe đạp (giao thông phi cơ giới) trong đó xây dựng thí điểm hệ thống xe đạp chia sẻ với 225 xe đạp thường gắn khóa QR, 100 xe đạp pedan trợ lực điện tại 10 trạm xe giai đoạn 1 và phê duyệt tuyến đường thí điểm có làn đường dành riêng cho xe đạp từ Hội An ra bãi biển An Bàng.
Phát biểu tại sự kiện đó, ông Sebastian Paust - Tham tán thứ nhất, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội cho rằng, từ xa xưa Hội An đã là một địa danh văn hóa tại sao bây giờ chúng ta không tạo ra cho nó thêm một nét khác biệt với giao thông xe đạp vì phục vụ phát triển bền vững của thành phố và chính sức khỏe của cộng đồng.
Tuy vậy, ngoài khu phố cổ đã thực hiện phố đi bộ và xe không động cơ thì các tuyến đường khác với đặc thù nhỏ, hẹp là một thử thách đối với du khách một khi họ phải “sống chung” với xe có động cơ từ cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An: “Trong tương lai gần Hội An có cầu Cẩm Kim mới và cầu Thanh Nam mới thì địa phương sẽ tính toán dành những cây cầu hiện tại với sức tải nhỏ phục vụ cho giao thông không động cơ để tạo thêm sự thoải mái cho du khách khi di chuyển từ phố qua Cẩm Kim, Cẩm Nam”.
Còn theo ông Lê Văn Sinh, thời gian qua Hội An đã có giải pháp đúng đắn khi gắn các tuyến xe điện với điểm du lịch giúp hạn chế phương tiện ô tô khách, giảm tải sức ép cho hạ tầng giao thông. “Từ sự khởi đầu này, địa phương cần nghiên cứu thêm các giải pháp xanh khác để tiến tới hạn chế xe ô tô, xe máy vào khu vực trung tâm thì sẽ giải quyết được vấn đề” - ông Sinh nói.