Quảng Bình: Nhiều bất cập từ quyết định thành lập văn phòng công chứng?
Cụ thể, mới đây UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 4418/QĐ-UBND do ông Nguyễn Tiến Hoàng - Phó chủ tịch UBND tỉnh ký, cho phép thành lập 1 văn phòng công chứng mới vào ngày 23/11.
Quyết định số 4418/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Bình về việc thành lập văn phòng công chứng Bùi Thị Hằng. |
Theo đó, văn phòng công chứng Bùi Thị Hằng có địa chỉ tại xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch, nơi mà chỉ cách đó chưa tới 2km đã có 1 văn phòng khác đã được thành lập trước đó và đang vận hành tốt tại thị trấn Hoàn Lão (huyện Bố Trạch).
Vị trí của văn phòng mới này cũng cách trung tâm thành phố Đồng Hới nơi đã có 4 văn phòng công chứng khác không xa.
Tại huyện Bố Trạch còn có 02 thị trấn tập trung đông dân cư nữa là thị trấn Phong Nha, thị trấn Nông Trường Việt Trung cùng hàng chục đơn vị hành chính cấp xã khác cách xa thị trấn Hoàn Lão hàng chục km thì chưa hề có tổ chức công chứng nào.
Từ đó, nhiều ý kiến không đồng tình với quyết định này, khi mà nhu cầu công chứng tại huyện Bố Trạch dàn trải ở nhiều địa phương khác nhau chứ không phải tập trung được 1 chỗ. Vậy nên việc thành lập thêm 1 văn phòng công chứng mới cách văn phòng công chứng cũ chưa tới 2km là không hợp lý. Trong khi nhiều vùng, địa phương khác cần thì lại không có.
Ông Lưu Trung Sơn - Trưởng văn phòng công chứng Trung Sơn tại Hoàn Lão cho biết: Nhu cầu người dân đến với văn phòng công chứng tư tại trung tâm thị trấn Hoàn Lão là không đáng kể.
“Chẳng giấu gì anh, riêng văn phòng tôi đây, thành lập mấy năm rồi nhưng có bao giờ đủ việc làm đều đặn đâu. Giờ mở thêm một văn phòng ngay cạnh nữa thì việc đâu ra mà làm. Như tại địa bàn Bố Trạch là địa bàn không rộng mà 2 văn phòng tập trung 1 chỗ thì gần nhau quá. Những nơi vùng sâu vùng xa thì lại không có ai cả. Việc này sẽ dẫn tới việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các bên”, ông Sơn chia sẻ.
Trước đó, do có sự xuất hiện các tình trạng, hiện tượng như văn phòng công chứng được thành lập không căn cứ vào nhu cầu công chứng, nhiều văn phòng công chứng tập trung về trung tâm… đã gây ra một cuộc cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng.
Bởi vậy, sau 1 thời gian được Bộ Tư pháp lấy ý kiến rộng rãi trong những người hành nghề công chứng, ngày 19/11/2020 vừa qua, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 172/NQ-CP về chính sách phát triển nghề công chứng, với nội dung mới trong việc thành lập văn phòng công chứng mới.
Cụ thể, Nghị quyết định hướng rõ việc phát triển tổ chức nghề công chứng có kiểm soát gắn liền với địa bàn dân cư, bảo đảm đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức. Không tập trung nhiều tổ chức hành nghề công chứng trên cùng một địa bàn cấp huyện.
Về vấn đề này, PV đã có buổi trao đổi với ông Trần Chí Tiến - Giám đốc sở tư pháp tỉnh Quảng Bình. Tại buổi làm việc ông Tiến cho biết: Để quyết định cho phép thành lập 1 văn phòng công chứng mới thì dựa trên 2 cái căn cứ: Một là luật, hai là quy định của Ủy ban tỉnh có các tiêu chí về việc thành lập văn phòng công chứng. Còn Nghị quyết mới của Chính phủ chỉ là chủ trương mà thôi.
Về vấn đề chồng lấn địa bàn, Ủy ban tỉnh có quy định không được thành lập 2 văn phòng công chứng trên 1 địa bàn cấp xã, chứ không phải là cấp huyện. Trung ương thì không quy định nhưng tỉnh có thêm quy định như vậy.
Còn việc 2 cơ sở đặt cạnh nhau ông Tiến cho rằng: Ngày xưa có quy hoạch liên quan đến nhu cầu. Nhưng bây giờ bỏ quy hoạch rồi, chỉ có các tiêu chí chấm điểm mà thôi.
“Nghị định nói tập trung nhiều văn phòng công chứng trên 1 địa bàn thì chỉ là định hướng thế thôi, chứ không quy định cụ thể là 1 hay 2. Mọi thứ không được trái luật, bởi luật vẫn là cái cao nhất”, ông Tiến chia sẻ thêm.