Quận Hà Đông sẵn sàng cho năm học mới 2023 - 2024
Hà Nội: Bắt giữ hai đối tượng cho "bốc họ" lấy lãi nặng Luân chuyển, điều động cán bộ công khai, nghiêm túc, hiệu quả Quận Hà Đông tăng cường kiểm soát, đảm bảo an toàn thực phẩm đường phố |
Cẩn trọng đến từng chi tiết
Những ngày chuẩn bị cho năm học mới 2023 - 2024 cũng đúng vào thời điểm người dân cả nước bước vào kì nghỉ lễ dài - lễ Quốc khánh 2/9. Tranh thủ từng chút thời gian, thầy và trò các nhà trường trên địa bàn quận Hà Đông vẫn hối hả với công tác chuẩn bị cho năm học mới.
Tại trường Tiểu học Lê Hồng Phong, nhà trường vừa hoàn thiện những hạng mục cuối cùng của việc sửa chữa, chống xuống cấp. Cô Lê Thanh Hương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong dịp hè, nhà trường đã dành thời gian, kinh phí để sửa chữa, thay thế những thiết bị hỏng hóc, kém chất lượng có nguy cơ mất an toàn trong nhà trường, mua sắm mới những thiết bị, hạng mục cơ sở vật chất còn thiếu.
Cô và trò trường Tiểu học Văn Yên, quận Hà Đông |
Trường đã dành nguồn kinh phí để mua sắm trang thiết bị dạy học cho giáo viên và học sinh lớp 4, rà soát, bổ sung thêm những thiết bị dạy học cho các lớp 1, 2, 3 trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả tránh lãng phí để đáp ứng với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên trong nhà trường luôn tự trau dồi, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho mình. Tích cực tham gia các lớp tập huấn do ngành, cấp trên tổ chức.
Không chỉ sẵn sàng về cơ sở vật chất, các nhà trường trên địa bàn quận đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo an ninh, an toàn trường học, đặc biệt đối với học sinh đầu cấp.
Chuẩn bị cho năm học mới, trường Tiểu học Nguyễn Trãi đã tập trung học sinh khối lớp 1 để trang bị cho các con hành trang cho việc chuyển cấp. Các bạn nhỏ được đến trường làm quen với nề nếp, việc sinh hoạt, học tập của học sinh lớp 1.
Các em cũng được thầy cô giáo hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi gặp các tình huống bất ngờ, ghi nhớ tên trường, tên lớp, tên giáo viên chủ nhiệm để đề phòng trường hợp bị lạc đường.
Còn tại trường Tiểu học Văn Yên, nhà trường cẩn trọng trong từng chi tiết trước thềm năm học mới. Trong đó, lựa chọn đơn vị cung ứng thực phẩm cho bữa ăn bán trú của học sinh là một trong những việc quan trọng hàng đầu.
Trường có gần 3.000 học sinh, trong đó có trên 90% học sinh ăn bán trú. Từ tháng 8, trường đã lựa chọn các đơn vị cung ứng thực phẩm, mời thầu và đánh giá hồ sơ năng lực. Đơn vị cung cấp suất ăn phải đảm bảo các tiêu chí theo quy định của ngành Giáo dục, Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Thực đơn của các con sẽ được lên theo tuần để đảm bảo cân đối đủ dinh dưỡng, định lượng thức ăn. Cùng với đó, hàng ngày, trường cử 1 tổ công tác bao gồm đại diện ban giám hiệu, công đoàn, giáo viên, ban đại diện phụ huynh giám sát khâu giao nhận thực phẩm, định lượng suất ăn, hoạt động của bếp ăn bán trú và lưu mẫu thực phẩm thức ăn”, cô Phương Thị Thìn, Hiệu trưởng trường Tiểu học Văn Yên chia sẻ.
Học sinh trường Tiểu học Lê Hồng Phong |
Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
Theo báo cáo từ Phòng GD&ĐT quận Hà Đông, năm học 2023 - 2024, quận Hà Đông có 97 trường (mầm non, tiểu học, THCS) với 2.391 lớp học và 103.419 học sinh. So với năm học 2022 - 2023, quận tăng thêm 128 lớp, 4292 học sinh.
Năm 2023, tổng biên chế ngành giáo dục quận được UBND thành phố giao 4.002 biên chế viên chức, ít hơn tổng số biên chế cần theo quy định là 707 biên chế (cấp Mầm non thiếu 204, cấp Tiểu học thiếu 310, cấp THCS thiếu 193) (tính trên định mức năm học 2022-2023).
Năm học 2023-2024, biên chế viên chức giáo dục theo định mức còn thiếu 882 so với biên chế được giao năm 2023 (cấp mầm non thiếu 197, cấp tiểu học thiếu 361, cấp THCS thiếu 324).
Không tính trường THCS Lê Lợi là đơn vị sự nghiệp tự chủ 100%, số biên chế hiện có toàn ngành là 3758 (cấp mầm non: 1365; cấp tiểu học: 1342; cấp THCS: 1051), thiếu so với định mức cần là 1075 viên chức (cấp mầm non: 281; cấp tiểu học: 379; cấp THCS: 415).
Thực hiện kế hoạch giảm 10% biên chế viên chức hưởng lương ngân sách Nhà nước giai đoạn 2022-2026 so với biên chế được giao năm 2022, quận Hà Đông sẽ giảm 410 biên chế (cấp Mầm non: 149, cấp Tiểu học: 144 và cấp THCS: 117).
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, hiện nay các đơn vị trường học đang thực hiện rà soát để ký hợp đồng giáo viên thiếu trong định mức theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP, ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong dịp hè, UBND quận Hà Đông đã tổ chức 13 lớp bồi dưỡng cho trên 3.800 cán bộ, giáo viên các trường mầm non, tiểu học, THCS công lập tham gia học tập.
Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT đã tổ chức các lớp bồi dưỡng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, có trên 6.000 lượt giáo viên phổ thông tham gia học tập. Phòng GD&ĐT tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn cho đội ngũ giáo viên dạy Chương trình GDPT 2018; tham gia đầy đủ các lớp tập huấn do Bộ và Sở GD&ĐT tổ chức.
UBND quận chỉ đạo toàn ngành GD&ĐT quận thực hiện nghiêm túc Quyết định số 2171/QĐ-BGDĐT ngày 28/7/2023 của Bộ GD&ĐT về khung thời gian năm học 2023-2024 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Quận cũng đã đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng mới trường học, cải tạo chống xuống cấp các trường học; Đầu tư trang thiết bị dạy học các trường phổ thông đáp ứng yêu cầu trường chuẩn quốc gia và Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Hỗ trợ kinh phí đối với các trường xây dựng chuẩn quốc gia mới và công nhận lại; Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu về trường chuẩn quốc gia năm 2023.
Trong dịp hè, các trường đã tổng dọn vệ sinh, chỉnh trang cảnh quan, sửa chữa nhỏ các hạng mục, xây dựng kế hoạch tổ chức ăn bán trú đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các nhà trường toàn quận đều đã sẵn sàng cho năm học mới 2023 - 2024.