Quân đội Mỹ mở cuộc điều tra với mạng xã hội Trung Quốc TikTok
Với 1,5 tỷ lượt tải về, Tiktok đã qua mặt Facebook và Instagram Bất chấp nguy cơ bị cấm, TikTok từ chối ra điều trần trước quốc hội Mỹ Mỹ mở cuộc điều tra ứng dụng Trung Quốc TikTok |
Ngày 21/11, Bộ trưởng Lục quân Mỹ Ryan McCarthy cho biết quân đội sẽ tiến hành điều tra riêng, đánh giá các rủi ro bảo mật đối với TikTok, đặc biệt là liên quan đến chính sách chia sẻ dữ liệu của mạng xã hội thuộc sở hữu của công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance.
Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh Quân đội đã ban hành lệnh giám sát sử dụng ứng dụng TikTok đến các đội ngũ huấn luyện sĩ quan dự bị, những cơ sở đào tạo sinh viên đại học và trung học phục vụ cho Quân đội.
Các học viên quốc phòng và đơn vị quản lý sẽ bị cấm sử dụng TikTok cho mục đích tuyển dụng, hoặc khi đang mặc quân phục hay thực hiện các nhiệm vụ chính thức.
Quyết định trên được đưa ra sau khi nghị sỹ đứng đầu đảng Dân chủ, Chuck Schumer, cảnh báo về an ninh quốc gia khi Quân đội Mỹ đã sử dụng ứng dụng mạng xã hội video TikTok để thu hút, tuyển dụng thanh niên.
Tuy vậy việc sử dụng TikTok với mục đích cá nhân sẽ không bị cấm.
Mạng xã hội Trung Quốc TikTok lọt tầm ngắm điều tra của Quân đội Mỹ. Ảnh Flipboard. |
Động thái trên của Quân đội Mỹ được diễn ra trong bối cảnh Lầu Năm Góc đang ngày càng quan ngại về vấn đề kiểm duyệt nội dung và bảo mật dữ liệu người dùng của ứng dụng này.
Cũng trong năm 2019, Thượng nghi sỹ Schumer và Thượng nghị sỹ Tom Cotton từng gửi một bức thư cho Giám đốc An ninh Quốc gia Mỹ kêu gọi các quan chức tình báo đánh giá các rủi ro tiềm ẩn do TikTok gây ra.
Mới đây nhất, Chính phủ Mỹ cũng đã mở một cuộc đánh giá nguy cơ an ninh quốc gia đối với chủ sở hữu ứng dụng TikTok, Bắc Kinh ByteDance, trong thương vụ mua lại trị giá 1 tỷ USD ứng dụng truyền thông xã hội Musical.ly.
Theo đó, Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) - cơ quan xem xét các thỏa thuận của các bên mua nước ngoài về các rủi ro an ninh quốc gia tiềm ẩn - đã bắt đầu xem xét hợp đồng thương vụ ByteDance mua lại Music.ly.
TikTok chưa đưa ra phản hồi sau quyết định mới đây của quân đội Mỹ. Dù vậy, đại diện của TikTok từng khẳng định công ty hoạt động độc lập với chính phủ Trung Quốc, dữ liệu người dùng Mỹ được lưu trữ tại Mỹ và khẳng định không có ưu tiên nào cao hơn việc chiếm được lòng tin của người sử dụng và cơ quan quản lý tại Mỹ.
TikTok là ứng dụng do công ty Trung Quốc ByteDance ở Bắc Kinh sở hữu, ước tính có khoảng 500 triệu người sử dụng khắp thế giới, được coi là một ''hiện tượng mạng xã hội'' khi cho phép người dùng tạo và chia sẻ các video ngắn với các hiệu ứng đặc biệt.
Ứng dụng này thu hút nhiều nhân vật nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn. Ngay tại Mỹ, mạng xã hội này cũng có đến 110 triệu người sử dụng, bao gồm nhiều ứng viên tổng thống thuộc đảng Dân chủ và các hãng tin lớn của Mỹ.