Phụ huynh “gồng gánh” trăm mối lo trước thềm năm học mới
Vĩnh Phúc: Thông qua mức học phí năm học mới Hà Nội đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh đầu cấp Sẵn sàng sách giáo khoa cho năm học mới |
Đến hẹn… lại lo
Chưa đầy 1 tháng nữa, năm học mới 2023 - 2024 chính thức bắt đầu nhưng suốt từ những ngày đầu tháng 8, chị Trần Thị Thúy (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã cắt giảm chi tiêu trong gia đình để tiết kiệm tiền cho con vào năm học mới.
Những việc không cần thiết như cho con đi chơi công viên, khu vui chơi cuối tuần, chị đều hủy; Việc mua sắm quần áo, đồ dùng sinh hoạt cũng “thắt lưng buộc bụng” hơn. “Năm nay, con lớn lên cấp 2 còn cháu bé bắt đầu vào tiểu học, đều là những lớp đầu cấp nên các khoản đóng góp, mua sắm khá nhiều. Nào là tiền đồng phục, sách giáo khoa, dụng cụ học tập, giày dép. Món nào cũng mua mới, không tận dụng được nên tốn kém vô cùng”, chị Thúy chia sẻ.
Phụ huynh tìm mua sách giáo khoa cho con trước thềm năm học mới |
Dù dịch COVID-19 đã đi qua nhưng ảnh hưởng của nó vẫn vô cùng nặng nề đến thu nhập của gia đình chị Thúy. Chồng chị là lao động tự do, thu nhập không ổn định. Mọi khoản chi tiêu đều dồn cả lên đồng lương nhân viên văn phòng của chị.
Chị Thúy trải lòng: “Sau dịch bệnh, đơn hàng khan hiếm khiến doanh thu của công ty giảm sút rõ rệt. Đồng lương của chúng tôi vì thế cũng hao hụt đi nhiều. Nếu trước đây, mỗi tháng thu nhập của tôi trên dưới 10 triệu đồng thì hiện nay chỉ còn có hơn 5 triệu đồng. Với mức thu nhập ấy để cả gia đình 4 người sinh hoạt ở Thủ đô vô cùng chật vật”.
Cùng chung hoàn cảnh như chị Thúy nhưng với gia đình chị Hoàng Thị Hải Yến ở (quận Hà Đông, Hà Nội), khó khăn còn nhân lên gấp bội. Chị Yến và chồng đều là nhân viên văn phòng từ ngoại tỉnh về Hà Nội làm việc. Phải gánh thêm tiền thuê nhà đến 5 triệu đồng/tháng nên năm học mới đến, chị càng lo lắng hơn.
“Tôi vừa mua sách giáo khoa và đăng ký đồng phục cho con ở lớp. 2 món đó đã hết hơn 1 triệu đồng. Đó là chưa tính tiền đồ dùng học tập, cặp sách, giày dép, quần áo và bao nhiêu khoản quỹ, đóng góp khác. Chỉ nghĩ thôi tôi đã đau hết đầu”, chị Yến bày tỏ.
Để trang bị đầy đủ cho con em mình những đồ dùng cần thiết bước vào năm học không còn là chuyện khó đối với những gia đình có điều kiện sinh sống tại thành phố. Khoản chi đầu năm 1-2 triệu đồng cho quần áo, sách vở, đồ dùng học tập… là chuyện thường với những gia đình khá giả nhưng lại là nỗi lo đối với hầu hết các gia đình hiện nay.
Vừa trải qua thời gian dài bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 cùng với giá cả leo thang bởi tác động của giá xăng dầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình công nhân, nông dân, người có hoàn cảnh khó khăn.
Chị Đinh Thị Minh (ở xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, Hà Nội) chuẩn bị cho năm học mới của con với niềm vui nhưng cũng chất chứa bao nỗi ngổn ngang khi con gái lớn chuẩn bị vào đại học, đứa bé lên lớp 6. Chị có nghề buôn bán nhỏ tại chợ gần nhà, chồng làm bảo vệ cho công ty mới mở trên địa bàn xã nên thu nhập của gia đình khá eo hẹp. Dự kiến chi tiêu đầu năm cho con gái lớn khi nhập trường đại học đã “ngốn” mất gần chục triệu đồng.
Đứa bé năm nay bước vào THCS, mới chỉ tính riêng tiền mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập, quần áo đồng phục đã tốn gần hai triệu đồng. Vì chưa họp phụ huynh đầu năm nên chị cũng chưa biết tiền học phí và các khoản đóng góp khác là bao nhiêu. Do vậy bước vào năm học mới của con là bao nỗi niềm của anh chị.
Năm học mới không tăng học phí
Để tiết kiệm chi phí cho đầu năm học, không ít gia đình đã tính đến việc cho con sử dụng lại đồ dùng học tập, đồng phục... của năm học trước nhằm tiết giảm các khoản chi phí. Đây còn là giải pháp tiết kiệm chi phí đầu năm học mới của không ít phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn, bởi các khoản chi phí cho năm học mới của con cái với họ luôn là những nỗi lo và gánh nặng. Ngoài tiền sách, vở, quần áo, dụng cụ học tập… ngay đầu năm học, phụ huynh phải đóng thêm tiền cơ sở vật chất, phí vệ sinh, ăn bán trú, nước uống, bảo hiểm, học thêm…
Để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, mới đây, ngày 1/8, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP theo hướng không tăng học phí năm học 2023 - 2024.
Tại Thông báo 300/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, thống nhất với các Bộ có liên quan để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; Giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; Theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và không tăng học phí năm học 2023 - 2024; Trình Chính phủ trước ngày 8/8/2023.
Đây là thông tin khiến phụ huynh, học sinh vô cùng vui mừng, phấn khởi. Em Nguyễn Minh Đức (ở huyện Đan Phượng, Hà Nội) chia sẻ: “Học phí là điều khiến em cảm thấy lo lắng nhất trước khi quyết định bước đến giảng đường đại học. Nhiều bạn cùng lớp em đã quyết định không theo học đại học chỉ vì vấn đề học phí. Do đó, nếu các trường không tăng học phí sẽ giúp em cũng như gia đình giảm bớt gánh nặng về kinh tế, bố mẹ cũng sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều”.