Phòng Y tế quận Nam Từ Liêm nói gì về nhà thuốc, phòng khám không phép

Nhiều cơ sở khám chữa bệnh không có giấy phép nhưng ngang nhiên hoạt động trong một thời gian dài tại quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Điều gì đang xảy ra?
phong y te quan nam tu liem noi gi ve nha thuoc phong kham khong phep

“Quả bóng trách nhiệm lăn” người dân chịu thiệt!

Sau khi báo Tuổi trẻ & Pháp Luật đăng bài: “Hà Nội: Hàng loạt phòng khám, hiệu thuốc không phép tại Quận Nam Từ Liêm” đã nhận được nhiều ý kiến của độc giả. Đa số các ý kiến tỏ ra lo ngại về chất lượng dịch vụ y tế và sự an toàn của người bệnh. Đồng thời, có một số ý kiến cho rằng, những phòng khám, nhà thuốc không phép nhưng vẫn “vô tư” hoạt động công khai phải chăng có sự “chống lưng” bao che của các ngành chức năng tại quận Nam Từ Liêm thì mới không bị dẹp bỏ?.

Sau gần 2 tuần đặt lịch làm việc về vấn đề này đến ngày 22/1, PV mới nhận được phản hồi từ phía ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Y tế Quận Nam Từ Liêm.

Ông Tuấn cho biết: “Vì là địa bàn rộng, lực lượng cán bộ nhân viên “mỏng” có 4 người, nên không thể kiểm soát hết tất cả các phòng khám, nhà thuốc trên địa bàn. Đối với vấn đề này, trên quận giao cho các phường phải giám sát và báo cáo lại. Để xảy ra tình trạng trên thì trách nhiệm chủ yếu thuộc về các phường. Còn trường hợp phường phát hiện ra các cơ sở sai phạm và báo lên yêu cầu kết hợp đi kiểm tra mà chúng tôi không bố trí đi cùng kiểm tra xử lý thì đó là lỗi do quận. Tất cả các hoạt động không phép của địa phương nào thì địa phương đó chịu trách nhiệm”.

Khi được hỏi về kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với cơ sở hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn như thế nào, ông Tuấn khẳng định: “Kế hoạch thì có nhưng bên anh bận không thể đi được. Cố gắng lắm thì 1 năm đi kiểm tra được 1 lần”

Phòng khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt (208 Phú Đô) đã gỡ biển hiệu nhưng vẫn thực hiện

Phòng khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt (208 Phú Đô) đã gỡ biển hiệu nhưng vẫn thực hiện "chui" việc khám chữa bệnh

Theo Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT -BNV ngày 11 tháng 12 năm 2015 giữa Bộ Y tế và Bộ Nội Vụ thì ngoài chức năng tham mưu, giúp UBND cấp Quận/huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn Quận/huyện thì phòng Y tế Quận/huyện còn có chức năng kiểm tra, thanh tra hoạt động đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ về y tế trên địa bàn Quận/huyện nhằm phát hiện và xử lý kịp thời đối với các cơ sở hành nghề y dược tư nhân hoạt động không đúng theo các quy định của pháp luật.

Được biết, từ đầu năm 2018, Phòng Y tế quận Nam Từ Liêm đã xử phạt 20 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn quận. Nhưng điều đáng nói là còn rất nhiều những cơ sở mặc dù công khai hoạt động thậm trí có cơ sở hoạt động từ 2 đến 3 năm nay không phép nhưng vẫn không bị xử lý(?).

Và theo lời ông Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm thì việc để hàng loạt phòng khám hoạt động không phép trong thời gian dài vừa qua, trách nhiệm này trước hết thuộc về UBND cấp phường. Tuy nhiên, liệu phòng Y tế Quận Nam Từ Liêm có vô can trong câu chuyện quản lý?.

Phường Phú Đô có “phớt lờ” chỉ đạo?

Trong buổi trao đổi với PV báo Tuổi trẻ & Pháp luật ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định:

"Ngay sau khi tiếp nhận thông tin của báo, chúng tôi sẽ thực hiện làm công văn yêu cầu các địa phương rà soát lại địa bàn."

Tuy nhiên ngày 25/1, PV nhận thấy trên địa bàn phường Phú Đô các phòng khám, nhà thuốc không phép vẫn công khai hoạt động như: Nha khoa Khánh Huyền (số 6 xóm 4 Phú Đô); Nhà thuốc tư nhân Phú Đô (115 tổ 3 Phú Đô); Nhà Thuốc Minh Tiến (Số 77 tổ 3 Phú Đô); Nhà thuốc Tiến Cường ( 186 tổ 1 Phú Đô)…

Phường Phú Đô

Phường Phú Đô "Phớt lờ" Chỉ đạo của Quận về việc rà soát các nhà thuốc, phòng khám không phép hay là không nhìn thấy được các cơ sở này đang hoạt động?

Riêng đối với phòng khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt (208 Phú Đô) mặc dù đã tháo biển hiệu treo bên ngoài nhưng bên trong nhân viên không mang trang phục y tế vẫn thực hiện khám chữa răng cho bệnh nhân.

Để làm rõ trách nhiệm trong việc thực hiện công văn số 160/UBND –YT ngày 23/01 của UBND Nam Từ Liêm, PV đã liên hệ tới bà Nguyễn Thị Hường - Chủ tịch UBND phường Phú Đô thì bà Hường từ chối tiếp phóng viên vì lý do: “Gần tết rất bận, hẹn ra tết”.

Điều 41 - Quy định về nội dung biển hiệu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau khi được cấp giấy phép hoạt động phải có biển hiệu theo quy định của pháp luật về biển hiệu, không sử dụng biểu tượng chữ thập đỏ trên biển hiệu và có đủ các thông tin cơ bản sau đây:

1. Tên đầy đủ của cơ sở, số giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

2. Địa chỉ của cơ sở ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; số điện thoại.

3. Thời gian làm việc hằng ngày. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi treo biển hiệu phải tuân thủ các nội dung quy này.

Nếu vi phạm có thể bị phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Thùy Linh - Hoài An
Phiên bản di động