Phát huy vai trò giám sát của mỗi cơ quan, nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực
Tổng Bí thư: Tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực Người quyền lực nhất bộ máy chính quyền Việt Nam |
Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và đánh giá cao các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan đã phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo để Hội nghị diễn ra thành công tốt đẹp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ quán triệt các quan điểm, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, pháp luật, đặc biệt là thực hiện định hướng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, phát huy dân chủ, tăng tính tranh luận, phân tích sâu, làm rõ những thành tích, ưu điểm, cũng như những tồn tại, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp xác đáng, khả thi; Chú trọng giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát”, từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, đặc biệt là năm 2022 đã đánh dấu sự tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy và cách làm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã triển khai đồng bộ các hoạt động giám sát theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.
Qua các báo cáo và ý kiến tham luận, Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh một số nội dung trong công tác giám sát tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc xem xét báo cáo của các cơ quan, hoạt động chất vấn, hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri, việc giám sát, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng Nhân dân, công tác chỉ đạo, điều hòa phối hợp hoạt động giám sát…
Nhấn mạnh, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, chương trình, kế hoạch nhiệm kỳ của Quốc hội; Là năm tập trung cho triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Căn cứ đặc điểm tình hình năm 2023 và đề xuất của các cơ quan, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 47 ngày 6/6/2022 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 23 về Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 và Kế hoạch số 248 ngày 4/8/2022 nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất.
Quang cảnh hội nghị |
Để triển khai có hiệu quả Chương trình giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan quan tâm thực hiện tốt các giải pháp đã nêu trong báo cáo; Đồng thời, nhấn mạnh tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, đặc biệt là yêu cầu tại văn kiện Đại hội lần thứ XIII về “đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội”. Các đơn vị xác định việc nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát là một nội dung quan trọng, khâu then chốt trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, tiếp tục nghiên cứu xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát của Quốc hội, UBTVQH; Nâng cao chất lượng xây dựng chương trình giám sát; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai hoạt động giám sát; Tăng cường giám sát của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; Hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Quốc hội với các tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động giám sát để phát huy vai trò giám sát của mỗi cơ quan, cùng tạo sức cộng hưởng thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm soát quyền lực...
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là vấn đề đã và đang được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện và thể hiện thông qua những thay đổi trong tư duy và cách làm nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước và tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Giám sát phải trên tinh thần hết sức xây dựng; giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để, cấp bách; Phải phát huy được những mô hình tốt, những cách làm hay, gương người tốt, việc tốt; đánh giá cân bằng, khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tiếp tục nâng cao hiệu quả khâu tổ chức thực hiện để mọi việc tốt hơn, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước.
"Quốc hội luôn tự đổi mới chính bản thân mình, do vậy, mỗi cơ quan của Quốc hội phải thực hiện tốt tự giám sát, mỗi đại biểu Quốc hội phải tự mình kiểm soát hoạt động của chính mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trước cử tri để thực sự “mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng tốt đẹp trong hoạt động Quốc hội” như kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.