Pháp đề xuất 12 giải pháp tăng cường lĩnh vực quốc phòng châu Âu

Các nghị sỹ Pháp cũng đề xuất thúc đẩy chính sách an ninh và quốc phòng chung (PSDC) bằng việc tập trung các phương tiện nhằm tạo ra giá trị gia tăng.
Liên minh châu Âu kêu gọi tôn trọng sự toàn vẹn của hiệp ước INF
phap de xuat 12 giai phap tang cuong linh vuc quoc phong chau au
Các nghị sỹ Pháp cũng đề xuất thúc đẩy chính sách an ninh và quốc phòng chung. (Nguồn: dw.com)

Ủy ban các vấn đề đối ngoại, quốc phòng và lực lượng quân đội của Thượng viện Pháp mới đây đưa ra 12 kiến nghị nhằm tăng cường vấn đề quốc phòng của châu Âu.

Báo cáo với chủ đề “Quốc phòng châu Âu: thách thức tự chủ chiến lược,” được thông qua vào đầu tháng Bảy đề xuất việc thiết lập một ban điều hành vấn đề “quốc phòng và không gian” tại Ủy ban châu Âu, thậm chí là đề ra một vị trí ủy viên hoặc phó đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách lĩnh vực này.

Báo cáo trên nhấn mạnh các nước thành viên EU cần cùng soạn thảo Sách Trắng về quốc phòng, coi đây là mắt xích quan trọng liên kết giữa vấn đề chiến lược toàn cầu của EU với khả năng và phương tiện tác chiến.

Các nghị sỹ Pháp ủng hộ hai dự án lớn của châu Âu: Quỹ châu Âu về quốc phòng bằng việc bảo vệ đề xuất ngân sách 13 tỷ euro của Ủy ban châu Âu và Hợp tác Cấu trúc Thường trực (CSP).

Ngoài ra, các nghị sỹ Pháp cũng đề xuất thúc đẩy chính sách an ninh và quốc phòng chung (PSDC) bằng việc tập trung các phương tiện nhằm tạo ra giá trị gia tăng.

Báo cáo cũng đề cập tới vấn đề của EU sau khi Anh rời khỏi khối, hay còn gọi là Brexit. Các nghị sỹ Pháp cho rằng EU cần phải ký kết một hiệp ước quốc phòng và an ninh với Anh. Theo đó, cần phải đề xuất với Anh “những giải pháp linh hoạt” để cho phép nước này tham gia vào nguồn lực của EU (Quỹ quốc phòng châu Âu, Hợp tác Cấu trúc Thường trực, Galileo...).

Thêm vào đó, các nghị sỹ Pháp cũng muốn thiết lập một vị trí phó Chỉ huy tối cao của lực lượng đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu dành riêng cho đại diện của một quốc gia thành viên EU, bên cạnh vị trí đã tồn tại trước đó mà thông thường thuộc về một người mang quốc tịch Anh.

EU đang có những bước đi nhằm tự chủ hơn về chiến lược, thoát khỏi sự phụ thuộc về quốc phòng và an ninh vào Mỹ. Việc cựu bộ trưởng Quốc phòng Đức, bà Ursula von der Leyen trở thành Chủ tịch Ủy ban châu Âu là một minh chứng cho điều này.

Theo Vietnamplus
Phiên bản di động