Hà Nội

Phấn đấu 100% người dân được cấp hồ sơ sức khỏe điện tử

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 269/KH-UBND về triển khai thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử.
Sức sống của nền kinh tế phụ thuộc vào "sức khoẻ" doanh nghiệp Đến năm 2025, tất cả người dân Việt Nam có hồ sơ sức khỏe điện tử

Đây là một trong những nội dung TP Hà Nội thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06).

Việc thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử thực hiện theo chỉ đạo của Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ; thực hiện đánh giá kết quả thí điểm, báo cáo Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ để nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm kết nối các thông tin, dữ liệu điện tử hình thành trong quá trình khám, chữa bệnh của người dân tại các cơ sở y tế Nhà nước và tư nhân thành hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện phục vụ công tác quản lý chuyên ngành Y tế được đầy đủ, chính xác, kịp thời; hỗ trợ công tác tổng hợp, phân tích thông tin dữ liệu, giúp việc dự báo, hoạch định chính sách, chỉ đạo hiệu quả về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.

Trên cơ sở khai thác, sử dụng các tiện ích từ hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử, người dân có thể theo dõi, quản lý thông tin sức khỏe của bản thân liên tục, suốt đời; chủ động trong việc phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe, giảm các chi phí khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP.

Mục tiêu Hà Nội đặt ra là 100% người dân sống, làm việc ổn định trên địa bàn TP được cấp hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân qua đó hình thành cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử TP Hà Nội.

100% các thông tin sức khỏe y tế của người dân trên địa bàn TP được theo dõi, quản lý thông qua dữ liệu số; chia sẻ, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ nhu cầu giải quyết công việc, thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP.

Đối với xây dựng và tổ chức triển khai thí điểm việc hiển thị thông tin sức khỏe cá nhân trên ứng dụng VneID, Hà Nội sẽ triển khai thí điểm phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử của người dân trên địa bàn.

Các đơn vị sẽ tổ chức khảo sát nhu cầu, yêu cầu về nghiệp vụ chuyên môn trong công tác quản lý sức khỏe y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP qua đó xây dựng các chức năng, tính năng của phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử đảm bảo phù hợp nhất với yêu cầu thực tế.

Ngoài ra, phần mềm tích hợp, liên thông với các dữ liệu sẵn có như: Dữ liệu các đối tượng tham gia tiêm chủng COVID-19; tiêm chủng mở rộng; tích hợp, liên thông dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh từ các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn TP; cập nhật các thông tin y tế có sẵn được quản lý tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn: Phòng, chống suy dinh dưỡng; quản lý sức khỏe học sinh, sinh viên; quản lý sức khỏe người cao tuổi; quản lý bệnh không lây nhiễm... để hình thành kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử.

TP sẽ tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm và bàn giao tài liệu hướng dẫn sử dụng, tài khoản sử dụng cho cán bộ phụ trách nhập liệu, sử dụng phần mềm của 30 trung tâm y tế quận/huyện/thị xã (54 phòng khám đa khoa và 579 trạm y tế xã/phường/thị trấn).

TP cũng xây dựng cơ sở dữ liệu và các phương án thực hiện việc tạo lập hồ sơ sức khoẻ người dân từ cơ sở dữ liệu đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; dữ liệu dân cư trên địa bàn thành phố để khởi tạo thông tin cơ bản ban đầu của người dân, từ đó hình thành cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử TP.

Các đơn vị tổ chức tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc thiết lập hồ sơ sức khỏe điện tử; huy động sự tham gia của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể tại các địa phương; vận động người dân chủ động, tích cực thực hiện việc cung cấp và cập nhật thông tin vào hồ sơ sức khỏe điện tử.

Lộ trình triển khai thí điểm chia làm 3 giai đoạn. Thời gian hoàn thành giai đoạn 1 trước ngày 31/12/2023; giai đoạn 2 trước ngày 31/3/2024; thời gian thực hiện giai đoạn 3 từ ngày 1/4/2024.

Trong đó, Sở Y tế là đầu mối liên hệ với đơn vị liên quan của Bộ Y tế, Bộ Công an để bám sát, phối hợp triển khai nhiệm vụ chung; tham mưu, đề xuất các vấn đề liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện…

Công an TP Hà Nội làm đầu mối, tham mưu để kết nối giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử TP và kết nối dữ liệu sức khỏe người dân trên địa bàn lên sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID của Bộ Công an.

Công an TP Hà Nội chỉ đạo Công an cấp xã phối hợp với tổ công nghệ số cộng đồng, tổ triển khai Đề án 06/CP thôn, tổ dân phố, trạm y tế các xã/phường/thị trấn hỗ trợ chuẩn hóa thông tin người dân tại địa bàn thu thập, cập nhật thông tin người dân để tạo lập cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử và hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID…

Ban chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 04/QĐ-BCĐ ngày 13/11/2023 về việc thành lập tổ công tác thúc đẩy triển khai thí điểm Sổ sức khỏe điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn TP Hà Nội năm năm 2023 - 2024.

Theo quyết định, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải là Tổ trưởng; Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà là Tổ phó Thường trực.

Tổ công tác và thành viên có nhiệm vụ tham mưu đề xuất, báo cáo Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số TP Hà Nội để báo cáo UBND TP, Chủ tịch UBND TP về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy việc triển khai sổ sức khoẻ điện tử, hồ sơ sức khoẻ điện tử trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023-2024.

Tổ không làm thay chức năng, nhiệm vụ theo quy định của các Sở, ngành, đơn vị liên quan; chịu trách nhiệm đôn đốc, thúc đẩy để các Sở, ngành, đơn vị TP khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ được giao…

Phương Thu
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động