Ông Lê Thành Vinh thôi kiêm nhiệm Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FLC
Năm nay, Tập đoàn FLC kỳ vọng vào bất động sản và Bamboo Airways Tập đoàn FLC bổ nhiệm, luân chuyển nhiều lãnh đạo cấp cao Quảng Ninh yêu cầu FLC báo cáo vị trí xây trường đại học gần 4.000 tỷ đồng |
Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC (mã CK: FLC) vừa thông qua nghị quyết về việc thôi kiêm nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc đối với ông Lê Thành Vinh kể từ ngày 17/6/2019 để ông này tập trung vào vai trò Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC.
Được biết, ông Lê Thành Vinh SN 1979, có trình độ Tiến sĩ Luật, Thạc sĩ Kinh doanh quốc tế. Ông Vinh làm Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC từ tháng 9/2015 đến nay. Trước đó, vào tháng 4/2018, khi bà Vũ Đặng Hải Yến từ nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc, ông Lê Thành Vinh được giao kiêm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc của Tập đoàn FLC.
Ông Lê Thành Vinh. |
Cũng trong ngày 17/6/2019, HĐQT Tập đoàn FLC đã thông qua việc bổ nhiệm ông Nguyễn Thiện Phú giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Tập đoàn. Ông Phú có trình độ thạc sĩ kế toán, hiện đang đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng FLC Faros - công ty thành viên của Tập đoàn FLC.
Trước đó, ngày 21/5 vừa qua, Tập đoàn FLC cũng đã có nghị quyết về việc chấp thuận đề nghị thôi giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc đối với ông Đào Nam Phong.
Hiện nay, Tập đoàn FLC có 10 Phó Tổng Giám đốc và 3 Trợ lí HĐQT hàm Phó Tổng giám đốc.
Tập đoàn FLC mới đây cũng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019 cho thấy tình hình kinh doanh có dấu hiệu đi xuống. Theo đó, doanh thu thuần quý 1/2019 của FLC đạt hơn 2.979 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng quý năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán và cung cấp dịch vụ là 2.895 tỷ đồng, tăng 46% khiến lợi nhuận gộp giảm 63% còn 84,34 tỷ đồng.
Đáng nói, trong quý 1/2019, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của FLC cũng tăng mạnh lên mức lần lượt là 112 tỷ đồng; 96,6 tỷ đồng và 156,6 tỷ đồng.
Kết quả, quý 1/2019, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn FLC lao dốc mạnh từ 99,3 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước xuống còn 8,1 tỷ đồng. Theo giải trình của FLC, nguyên nhân lợi nhuận sau thuế giảm mạnh là do chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh và do lợi nhuận gộp về bán hàng cung cấp dịch vụ giảm.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất, trong quý 1/2019, trong các mảng kinh doanh của Tập đoàn FLC, mảng bán hàng hóa mang về tổng doanh thu 1.403 tỷ đồng, chiếm 46,5%; mảng kinh doanh bất động sản mang về cho FLC 971 tỷ đồng doanh thu và 254 tỷ đồng lợi nhuận gộp; tuy nhiên mảng cung cấp dịch vụ lại lỗ 176 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 3/2019, tổng tài sản của FLC đạt 26.527 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 640 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn lên tới 13.728 tỷ đồng, các khoản phải thu dài hạn là 9.838 tỷ đồng, tài sản dở dang dài hạn là 3.593 tỷ đồng, hàng tồn kho là 1.453 tỷ đồng.