Ông Johnathan Hạnh Nguyễn bội thu nhờ thời trang hàng hiệu
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn IPPG vừa chia sẻ kết quả kinh doanh của công ty với giới truyền thông.
Theo đó, doanh thu năm 2022 của IPPG Fashion (công ty con của Tập đoàn IPPG), đơn vị phụ trách mảng kinh doanh hàng hiệu, đạt 5.132 tỷ đồng, tăng 64% so với năm 2021.
Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế của IPPG Fashion đạt 423 tỷ đồng, tương đương bình quân hơn 1,1 tỷ đồng mỗi ngày. Đây là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay từ mảng kinh doanh hàng hiệu.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn. |
Tập đoàn IPPG thông qua 2 công ty thành viên Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Châu Âu (ACFC) và Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) đang làm phân phối độc quyền tại Việt Nam hơn 100 thương hiệu như Rolex, Cartier Dolce Gabbana, Nike, Mango... Mảng kinh doanh hàng hiệu này đóng góp hơn 35% doanh thu của cả tập đoàn.
Nguyên nhân IPPG Fashion đạt được mức lợi nhuận kỷ lục này nhờ sức mua lớn của khách hàng phục hồi tốt sau thời gian bị kìm hãm vì dịch bệnh. Thậm chí, một số thương hiệu xa xỉ được ACFC và DAFC phân phối như đồng hồ hiện không có sẵn để giao ngay, khách muốn mua phải đặt trước để chờ nhận hàng.
Trước đó, Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) của ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng công bố kết quả kinh doanh rất tích cực.
Theo đó, năm 2022, Sasco đạt doanh thu 1.400 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế cả năm xấp xỉ 230 tỷ đồng, gấp 77 lần so với cùng kỳ 2021 và cũng là mức cao nhất trong ba năm trở lại đây.
Được biết, Sasco là một trong những doanh nghiệp dịch vụ hàng không lớn nhất khu vực phía Nam. Công ty này chuyên quản lý và vận hành hệ thống cửa hàng miễn thuế, bán hàng lưu niệm, nhà hàng, phòng chờ tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Ngoài ra, công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn vận hành hệ thống phòng chờ thương gia, cửa hàng miễn thuế tại sân bay Cam Ranh, cung cấp suất ăn hàng không và đầu tư một số dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng ở Phú Quốc.