Nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa
Hình minh họa |
Là xã miền núi nằm trong huyện nghèo được thụ hưởng Chương trình 30A của Chính phủ, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng phát huy nội lực, vai trò chủ thể của nhân dân trong phát triển kinh tế, nhân rộng các mô hình sản xuất giỏi và nông nghiệp công nghệ cao.
Nhờ đó, năm 2017, thôn Xuân Lập, xã Ngọc Phụng được tỉnh Thanh Hóa lựa chọn là 1 trong 3 thôn đầu tiên của tỉnh xây dựng thí điểm “Thôn nông thôn mới kiểu mẫu”.
Vượt lên mọi khó khăn, tháng 9/2019, thôn Xuân Lập, xã Ngọc Phụng đã trở thành thôn đầu tiên ở Thanh Hóa hoàn thành thôn nông thôn mới kiểu mẫu, mang trên mình một diện mạo hoàn toàn mới với những mục tiêu mới trong tương lai...
*Từ một vùng quê đáng sống...
Đi trên tuyến đường mẫu nằm chính giữa thôn Xuân Lập, chúng tôi như đi lạc vào một khu du lịch đồng quê với đường nội thôn sạch sẽ, rộng rãi, lối đi tràn ngập sắc hoa, bên cạnh đó là hệ thống công trình giao thông, đường điện, công trình phúc lợi và những nếp nhà tầng, nhà ngói đỏ khang trang hiện diện giữa gam màu xanh mát của những khu vườn mẫu, những ruộng lúa, bãi ngô...
Trong thôn nông thôn mới kiểu mẫu Xuân Lập, nhà ở của các hộ gia đình được xắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, khoa học.
Các công trình phụ trợ thuận tiện cho sinh hoạt, hợp vệ sinh lại đảm bảo mỹ quan. Các khu vườn mẫu cảnh quan đẹp, hài hòa với những cây trồng như ổi, thanh long, bưởi, hồng xiêm, rau chính vụ... đảm bảo an toàn thực phẩm.
Không giấu được niềm tự hào ông Vũ Ngọc Nam, Chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân cho biết: "Sau nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị, năm 2015, xã Ngọc Phụng được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới. Đến tháng 7/2017, thôn Xuân Lập, xã Ngọc Phụng được tỉnh Thanh Hóa lựa chọn để triển khai mô hình thôn nông thôn mới kiểu mẫu theo bộ 14 tiêu chí mới về xã nông thôn mới giai đoạn 2017-2020. Đây là vinh dự, nhưng cũng là khó khăn mới của thôn Xuân Lập nói riêng và xã Ngọc Phụng nói chung vì ở thời điểm đó, cả tỉnh Thanh Hóa chỉ chọn ra 3 thôn để triển khai thí điểm mô hình này."
Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh Thanh Hóa, huyện Thường Xuân, xã Ngọc Phụng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thôn Xuân Lập đã tích cực lồng ghép các chương trình, đóng góp vật chất, ngày công lao động để hoàn thành các tiêu chí. Sau hơn 2 năm, thôn Xuân Lập đã huy động được tổng nguồn lực gần 17 tỷ đồng.
Bằng nguồn vốn trên, thôn đã đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng như: cải thiện hệ thống thu gom rác thải, giảm hộ nghèo, hoàn thiện hệ thống rãnh thoát nước trên đường kết hợp trồng cỏ hoặc hoa, nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người, cải tạo đường giao thông, chợ, nâng cấp nhà văn hóa thôn, lắp hệ thống điện đường chiếu sáng, chỉnh trang nhà ở dân cư...
Bên cạnh đó, thôn đã vận động nhân dân thực hiện cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình vườn mẫu gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình.
Nhờ đó, năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 45,5 triệu đồng/ người/ năm, năm 2019 dự kiến đạt 51,5 triệu đồng/người/năm, trong thôn không còn hộ nghèo.
Sau hơn 2 năm triển khai xây dựng thí điểm “Thôn nông thôn mới kiểu mẫu”, Xuân Lập đã hoàn thành 14/14 tiêu chí thôn nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông Lê Văn Bình, thôn Xuân Lập, xã Ngọc Phụng cho hay: "Ngay từ khi xã, thôn triển khai xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu, người dân trong thôn Xuân Lập đều rất đồng thuận bởi mọi người đều nhìn thấy cái lợi chung và điều kiện phát triển thôn xóm.
Trước đây, các tuyến đường trong thôn không được sạch sẽ như thế này nhưng từ khi triển khai xây dựng thôn kiểu mẫu, người dân trong thôn bảo nhau chủ nhật hằng tuần cùng tham gia dọn vệ sinh môi trường, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, khuôn viên cây xanh tại khu dân cư, tạo cảnh quan môi trường thôn xóm xanh, sạch, đẹp."
Khi được hỏi, có điều gì "làm khó" cán bộ và nhân dân thôn Xuân Lập trong quá trình xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu hay không thì Chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng Vũ Ngọc Nam cho hay, trong 14 tiêu chí, thôn Xuân Lập xác định hai tiêu chí khó khăn nhất là cải tạo vườn tạp và môi trường.
Với tiêu chí môi trường, khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2015, người dân trong thôn tự gom rác, tự xử lý bằng cách đốt hoặc chôn, nhưng khi triển khai mô hình kiểu mẫu, thôn đã chủ động ký hợp đồng với một công ty chuyên thu gom rác của huyện, mỗi tuần hai ngày thu gom với mức đóng góp 20 nghìn đồng/hộ/tháng.
Trong thôn có mô hình bảo vệ môi trường gồm các tổ, đội, nhóm tham gia thực hiện thu ghom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm và các khu công cộng.
Hơn nữa, tiêu chí cải tạo vườn tạp, hiện trong thôn có mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới đơn giản với diện tích 5.000m2 với 10 hộ tham gia; 1,8 ha vườn mẫu với 12 hộ tham gia.
Các mô hình này hiện phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cho các hộ dân và là mô hình mẫu để các địa phương về tham quan học tập kinh nghiệm...
Ngoài ra, thôn Xuân Lập còn tích cực khuyến khích các hộ dân có đất sản xuất áp dụng những mô hình đưa cây giống mới có giá trị cao vào trồng như dưa hấu, nhãn, cam, thanh long, thay thế cây trồng năng suất thấp; đồng thời tập trung phát triển các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ. Đến nay, dường như không gì có thể "làm khó" người dân thôn Xuân Lập được nữa.
* Đến những mục tiêu cao hơn
Với tinh thần từ một thôn kiểu mẫu sẽ nhân lên thành nhiều thôn kiểu mẫu, kết quả đạt được của thôn Xuân Lập đã tạo tiền đề để xã Ngọc Phụng mạnh dạn đặt mục tiêu phấn đấu thành xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2019 và đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu theo các tiêu chí của Chính phủ vào năm 2020.
Hiện xã Ngọc Phụng đã đầu tư xây mới Trung tâm hành chính - văn hóa thể thao xã; sửa chữa, nâng cấp và xây mới 7 nhà văn hóa và khu thể thao thôn; chỉnh trang, hoàn thiện các cơ sở vật chất của 4 trường học; bê tông hóa và nhựa hóa được 7,3/7,3km đường xã, hơn 16 km đường trục thôn. Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng và hoàn thiện đã góp phần quan trọng vào việc phục vụ sản xuất, ổn định đời sống người dân.
Trong 2 năm (2018 - 2019) địa phương đã triển khai mô hình cây ăn quả như bưởi Diễn, thanh long ruột đỏ, mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu trong nhà màng, mô hình vườn ao chuồng, cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn kiểu mẫu…
Hiện 7/7 thôn trong xã hoàn thành xây dựng cánh đồng mẫu lớn, quy hoạch bờ vùng, bờ thửa, trục đường nội đồng, thuận lợi đưa máy móc, tiến bộ khoa học vào sản xuất.
Ngọc Phụng giờ đã có một cụm công nghiệp làng nghề, 2 hợp tác xã, 21 công ty, doanh nghiệp, 286 cơ sở kinh doanh cá thể đang hoạt động, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động...
Tại xã Ngọc Phụng hôm nay, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, nhân dân yên tâm lao động sản xuất, sẵn sàng góp sức người, sức của cho công cuộc đổi mới của địa phương, dần trở thành miền quê đáng sống.
Để trở thành xã nông thôn mới nâng cao, tiến tới xã nông thôn mới kiểu mẫu, xã Ngọc Phụng sẽ từng bước thực hiện nâng cao năng suất các cây trồng chủ lực, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia mở rộng sản xuất, du nhập các loại giống, cây con có giá trị vào sản xuất, nhằm nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho các lao động địa phương, cải tạo vườn tạp để trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi đại gia súc, trồng cây ăn quả, tiến hành thu gom rác thải theo đúng qui định.
Cán bộ và nhân dân trong xã đã nhận thức sâu sắc về xây dựng nông thôn mới, vì thế xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu thực sự đã trở thành phong trào sâu rộng và có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư, dân chủ ở cơ sở ngày càng được phát huy, ý thức trách nhiệm làm chủ của mọi người dân được nâng cao.
Nhờ đó, bộ mặt nông thôn trên địa bàn xã được thay đổi rõ rệt đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể.
Sự đoàn kết, gắn bó và tinh thần trách nhiệm trong nhân dân được củng cố bền vững, lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ngày một vững hơn.
Được biết, không riêng xã Ngọc Phụng, hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang tập trung chỉ đạo các địa phương rà soát đánh giá sâu hơn về thực trạng các thôn, bản, đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai với những giải pháp cụ thể, khả thi, phấn đấu đến năm 2020, có 30 - 40% số thôn, bản đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới...
Trong năm 2019, cùng với việc chính thức ban hành Bộ tiêu chí thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục triển khai nhân rộng thêm 6 mô hình thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu ở 6 huyện, thành phố, phấn đấu đến năm 2020, mỗi huyện, thị xã, thành phố sẽ có 1 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và có 2 xã, 3 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.