Nỗi đau "thấu trời xanh" của cụ bà 84 tuổi tại Bắc Giang sắp có lời giải
Cụ bà 84 tuổi ở Bắc Giang 10 năm chờ "giải" nỗi đau thấu trời xanh |
Mỏ đất ở Bắc Giang 'nuốt' di tích trăm tuổi đền Hố Dứa |
Tuổi trẻ và Pháp luật đã có bài phản ánh về những bức xúc, buồn tủi của cụ bà Đỗ Thị Nên, 84 tuổi ở thôn Khả Lý Hạ, xã Quảng Minh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang 10 năm nay, dù đi gõ cửa quan trên, quan dưới nhiều lần nhưng vẫn mòn mỏi chờ đợi được các cơ quan chức năng xem xét giải quyết chế độ người có công với cách mạng.
UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo Sở LĐTB&XH làm rõ nội dung vụ việc của cụ Nên và báo cáo trước ngày 10/9 |
Ngay sau khi bài bao được đăng tải, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo phòng Lao động - TB&XH vào cuộc làm rõ hồ sơ của cụ Nên.
Theo đó, tại văn bản số 1484, ngày 4/9 do Phó Giám đốc sở là ông Bùi Quang Phát ký nêu rõ: Để có cơ sở báo cáo UBND tỉnh, yêu cầu Phòng Lao động - TB&XH huyện Việt Yên phối hợp với UBND xã Quảng Minh kiểm tra, xác minh về trường hợp của bà Đỗ Thị Nên theo như bài báo phản ánh.
Cụ Nên vẫn đau đáu nội buồn tủi hơn 10 năm nay vì không được xem xét giải quyết chế độ người có công với Cách mạng từ thời chống Pháp |
Kết quả báo cáo bằng văn bản về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trước ngày 10/9 để Sở tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Như đã thông tin, mặc dù đã tới tuổi gần đất xa trời nhưng nhiều năm nay, cụ Đỗ Thị Nên vẫn ngóng chờ mong các cơ quan có thẩm quyền xem xét hồ sơ đề nghị giám định thương tật từ thời chống Pháp để được hưởng chế độ người có công với cách mạng.
Theo hồ sơ pháp lý của UBND xã Quảng Minh xác nhận, cụ Nên tham gia cách mạng từ năm 1954, cụ là dân công hoả tuyến đường Cao - Bắc - Lạng. Trong kháng chiến chống Pháp, cụ bị thương gẫy đùi chân trái và cánh tay trái nhưng vẫn giữ vững được ý chí và trung thành với cách mạng.
Ngày 26/5/2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 54/NĐ-CP về việc hướng dẫn bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi Người có công. Từ cơ sở đó, năm 2010, Hội đồng xét duyệt xã Quảng Minh đã thông qua và nhất trí đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, quan tâm để cụ Nên được giám định thương tật làm cơ sở xem xét.
Đồng thời, UBND xã Quảng Minh đã niêm yết công khai 15 ngày và không có bất kỳ một ý kiến phản đối nào của người dân nơi đây đối với hồ sơ của cụ Nên.
Sau đó, hồ sơ của cụ Nên được gửi lên Phòng Lao động – TB&XH huyện Việt Yên để gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Bản cảm kết của Chủ tịch UBND xã Quảng Minh việc cụ Nên bị thương là đúng sự thật |
Tuy nhiên, quá trình xem xét hồ sơ của cụ Nên đã bị “đọng” lại, không được giải quyết theo chế độ với lý do "chưa đảm bảo chặt chẽ về hồ sơ, thủ tục giấy tờ."
Sau đó, UBND tỉnh Bắc Giang và huyện Việt Yên đã chỉ đạo xã Quảng Minh rà soát lại hồ sơ của cụ Nên và hàng loạt hồ sơ tồn đọng khác.
Thời điểm đó, ông Nguyễn Danh Quý, Chủ tịch UBND xã Quảng Minh đã thay mặt UBND xã ký văn bản vào ngày 1/9/2010, cam kết và chịu trách nhiệm trước UBND huyện Việt Yên trường hợp bị thương của cụ Nên là đúng, đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định 28/NĐ-CP ngày 29/4/1995.
Nhiều người đi dân công cùng cụ Nên đã đứng ra làm cam kết cụ Nên bị thương là đúng sự thật |
Không những vậy, nhiều người đã làm giấy xác nhận và xin chịu trách nhiệm trước pháp luật khẳng định cụ Nên đã đi dân công trong đợt phục vụ chiến dịch Cao – Bắc – Lạng bị máy bay địch đến bắn phá sập hầm, bị gãy chân trái và tay trái.
Trao đổi với phóng viên, cụ Nên ngậm ngùi cho biết:"Có những biến cố đã qua đi, có những hy sinh không gì sánh nổi nhưng niềm tin là thứ không dễ gì có được. Tôi tự hỏi, những công bộc của dân, những người chịu trách nhiệm chính trong lĩnh vực này đã làm gì, ở đâu khi gần 10 năm nay, để một cụ già phải chờ được hưởng chế độ người có công với cách mạng. Tôi không đi xin cái mà tôi không có.
Tôi chỉ mong sớm có câu trả lời từ phía cơ quan có thẩm quyền rằng tôi có được chế độ như Nhà nước quy định hay không chứ cũng không đòi hỏi điều gì khác."
Tuổi trẻ và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.