Cụ bà 84 tuổi ở Bắc Giang 10 năm chờ "giải" nỗi đau thấu trời xanh
Vào những ngày cuối Hạ đầu Thu, khi những cơn gió heo may còn đang mải nô đùa trên những rặng núi xa mờ xa. Nhóm PV báo Tuổi trẻ Thủ đô đã về thôn Khả Lý Hạ, xã Quảng Minh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang để làm rõ những trăn trở và buồn tủi của cụ bà Đỗ Thị Nên (sinh năm 1936) bị thương khi tham gia hoạt động kháng chiến chống Pháp nhưng hàng chục năm nay không được xem xét, giải quyết chế độ theo Pháp lệnh ưu đãi người có công.
Cụ Nên hiện đang sống tại thôn Khả Lý Hạ, xã Quảng Minh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang hàng chục năm nay vẫn ngóng trông mong có được câu trả lời rõ ràng từ các cơ quan có thẩm quyền |
Trò chuyện cùng cụ, chúng tôi được biết cụ Nên năm nay đã 84 tuổi, cái tuổi đáng ra phải được an nhàn bên con cháu nhưng hiện nay cụ vẫn phải ngậm ngùi ôm một đống giấy tờ và đi nhờ vả người này, người kia lên tiếng để được xét duyệt hồ sơ đề nghị giám định thương tật.
Theo hồ sơ pháp lý của UBND xã Quảng Minh xác nhận, cụ Nên tham gia cách mạng từ những năm 1954, cụ là dân công hoả tuyến đường Cao - Bắc - Lạng. Trong kháng chiến chống Pháp, cụ bị thương gẫy đùi chân trái và cánh tay trái nhưng cụ vẫn giữ vững được ý chí và trung thành với cách mạng.
Cụ Nên được chính quyền địa phương xác định trong kháng chiến chống Pháp bị thương gẫy đùi chân trái và cánh tay trái |
Ngày 26/5/2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 54/NĐ-CP về việc hướng dẫn bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi Người có công. Từ cơ sở đó, năm 2010, Hội đồng xét duyệt xã Quảng Minh đã thông qua và nhất trí đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, quan tâm để cụ Nên được giám định thương tật làm cơ sở xem xét.
Đồng thời, UBND xã Quảng Minh đã niêm yết công khai 15 ngày và không có bất kỳ một ý kiến phản đối nào của người dân nơi đây đối với hồ sơ của cụ Nên.
Sau đó, hồ sơ của cụ Nên được gửi lên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Việt Yên để gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Chủ tịch xã Quảng Minh ký văn bản cam kết và chịu trách nhiệm trước UBND huyện Việt Yên trường hợp bị thương của cụ Nên là đúng sự thật |
Tuy nhiên, trong quá trình xem xét, hồ sơ của cụ Nên lại bị “tồn đọng” không được giải quyết theo chế độ do chưa đảm bảo chặt chẽ về thủ tục.
Sau đó, UBND tỉnh Bắc Giang và huyện Việt Yên đã chỉ đạo xã Quảng Minh rà soát, giải quyết những hồ sơ tồn đọng nhưng chưa được giải quyết.
Thời điểm đó, ông Nguyễn Danh Quý, Chủ tịch UBND xã Quảng Minh đã thay mặt UBND xã ký văn bản cam kết và chịu trách nhiệm trước UBND huyện Việt Yên trường hợp bị thương của cụ Nên là đúng, đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định 28/NĐ-CP ngày 29/4/1995. Bản cam kết được lập vào ngày 1/9/2010.
Không những vậy, có nhiều người đã làm giấy xác nhận và xin chịu trách nhiệm trước pháp luật khẳng định cụ Nên đã đi dân công trong phục vụ chiến dịch Cao - Bắc - Lạng bị máy bay địch đến bắn phá sập hầm, bị gãy chân trái và tay trái.
Vậy nhưng, không hiểu vì sao, sự việc kéo dài từ năm 2010 cho đến nay là tròn 10 năm nhưng cụ Nên vẫn không được các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang xem xét giải quyết xem cụ có được hưởng ưu đãi người có công hay không?
Khi nói tới điều này, giọng cụ Nên trầm xuống: "Tôi cũng sắp tới lúc gần đất xa trời rồi. Tôi không đi xin cái mà không phải của mình, tôi chỉ đau đáu một điều là nếu các anh chị lãnh đạo xét thấy tôi không phải là dân công hỏa tuyến năm xưa, không phải đối tượng được công nhận thì xin các anh chị lãnh đạo cũng trả lời cho tôi một câu để tôi còn yên tâm nhắm mắt xuôi tay, không còn vương vấn cõi bụi trần nhiều nỗi oan ức và tủi hờn như thế này nữa."
Tuổi trẻ và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.