Những thách thức để "xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn"
Vượt qua đương kim Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa, mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi về mặt pháp lý, song ông Biden tuyên bố đã sẵn sàng để đảm đương trọng trách dẫn dắt nước Mỹ vượt qua những thách thức hiện nay để “xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn”, như những gì ông cam kết khi tranh cử.
Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Joe Biden (phải) phát biểu sau Ngày Bầu cử tại Wilmington, Delaware, ngày 4/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ở tuổi 78, nếu chính thức trở thành tổng thống, ông Biden sẽ là tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ. Nhìn lại hành trình đi tới chiến thắng, có thể nói ông Biden gặp không ít khó khăn và thử thách. Thất bại trong hai lần tranh cử tổng thống trước vào năm 1987 và năm 2007 không khiến ông bị “khuất phục”. Ngược lại, quyết tâm, sự bền bỉ, kiên trì cùng với khát khao mang lại sự khởi đầu mới cho đất nước mà ông cho rằng đang “tổn thương” và “lạc lối” sau 4 năm đầy biến động dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump, đã khiến ứng cử viên Dân chủ dồn sức cho nỗ lực cuối cùng của cuộc đua.
Chính thức tuyên bố tranh cử tháng 4/2019, ông Joe Biden phải trải qua vòng cạnh tranh không kém phần gay cấn với một loạt ứng cử viên sáng giá của đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử sơ bộ nhằm giành tấm vé đại diện đảng này để tham gia chạy đua vào Nhà Trắng. Dù không có được lợi thế ban đầu khi bị các ứng cử viên khác dẫn trước tại một số bang bầu cử sơ bộ sớm, song với kinh nghiệm có được trong 8 năm giữ cương vị phó tổng thống, 6 nhiệm kỳ nghị sĩ và 2 lần tranh cử tổng thống, ông Biden đã dần lấy lại được ưu thế và có sự bứt phá ngoạn mục để sớm đạt được đủ 1.991 phiếu đại biểu cần thiết theo quy định bầu cử. Sau khi tiếp nhận đề cử tại Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ ngày 21/8, ông Biden chính thức bước vào cuộc đua song mã được đánh giá là khốc liệt và khó đoán định nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Ứng cử viên Biden từng bị đánh giá có những hạn chế như vấn đề tuổi tác, “thiếu phong thái tổng thống” và việc từng là "phó tướng" của cựu Tổng thống Barack Obama khiến các cử tri khó đánh giá khả năng của ông trong điều hành đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, nếu ông đắc cử. Tuy nhiên, càng gần tới ngày bầu cử, đặc biệt sau hai cuộc tranh luận trực tiếp, chính trị gia lớn tuổi này đã thể hiện được mình là một nhà lãnh đạo có khả năng dẫn dắt đất nước vượt qua những khó khăn hiện nay. Chính vì vậy, lợi thế dần nghiêng về phía ông.
Dịch bệnh COVID-19 không chỉ gây ra tình trạng khẩn cấp y tế mà còn đẩy nước Mỹ rơi vào vòng xoáy khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất, khiến tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ lên mức cao gần bằng thời kỳ “Đại suy thoái” những năm 1930. Cùng với đó, nước Mỹ phải đối mặt với các cuộc biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc diễn ra ở nhiều bang. Đây được coi là những điểm yếu lớn nhất của Tổng thống Trump và đương nhiên trở thành mục tiêu tấn công của ứng cử viên Biden cũng như ban vận động tranh cử của ông.
Trong hầu hết các cuộc vận động tranh cử cũng như trong hai cuộc đối đầu trực tiếp với đối thủ, ông Biden tập trung chỉ trích cách thức xử lý không hiệu quả của chính quyền Tổng thống Trump trước đại dịch COVID-19, khiến Mỹ phải hứng chịu hậu quả nặng nề với số ca nhiễm và tử vong đứng đầu thế giới, đồng thời cảnh báo về một “mùa Đông đen tối” nếu như chính quyền hiện tại không có kế hoạch rõ ràng và toàn diện để phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này. Về phần mình, ông Biden khẳng định sẽ nỗ lực tập trung vào việc thúc đẩy người dân đeo khẩu trang và xét nghiệm virus SARS-COV-2 nhanh hơn, đưa ra các tiêu chuẩn quốc gia để có thể mở cửa trường học và giúp doanh nghiệp hoạt động trở lại một cách an toàn, đồng thời cung cấp cho họ nguồn lực tài chính. Việc cựu Phó Tổng thống Biden thực hiện đúng chiến lược tranh cử tại buổi “quyết đấu” trước ngày bầu cử, đó là nêu bật sự tương phản trong cách thức xử lý đại dịch với Tổng thống Trump, bình tĩnh trước sự tấn công của đối thủ hay tận dụng cơ hội cuối cùng để nói chuyện trực tiếp với cử tri Mỹ, dường như đã đem lại hiệu quả trong việc thuyết phục cử tri, đặc biệt là nhóm cử tri còn do dự tại những bang chiến địa, lực lượng được đánh giá có vai trò quan trọng đối với chiến thắng chung cuộc của ông.
Cùng với vấn đề đại dịch, ông Biden cũng được sự ủng hộ của cử tri trong một loạt vấn đề, trong đó có cuộc khủng hoảng sắc tộc, khi ông thể hiện được sự cảm thông và thấu hiểu đối với các nạn nhân da màu và thu hút được lực lượng cử tri Mỹ gốc Phi. Trước đó quyết định được đánh giá khôn ngoan với sự tính toán kỹ lưỡng khi chọn bà Kamala Harris, một nhân vật là phụ nữ da màu có nguồn gốc nhập cư, cũng giúp ông thu hút thêm sự ủng hộ cùng một lúc của nhiều nhóm cử tri khác nhau như cử tri nữ giới (nhất là sống tại các khu vực ngoại ô) và cử tri có nguồn gốc nhập cư vốn đang gia tăng về số lượng tại Mỹ trong những thập niên gần đây. Điều này giúp ông củng cố được được vị trí dẫn đầu, thậm chí nới rộng khoảng cách với Tổng thống Trump trong các cuộc thăm dò toàn quốc cũng như các bang chiến địa mà ông Trump từng chiến thắng trong cuộc đua năm 2016.
Một yếu tố mới, quan trọng góp phần vào thắng lợi cho ông Biden là tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sớm và bỏ phiếu qua bưu điện cao nhất kể từ năm 1908, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử chính trị Mỹ, đa số phiếu bầu được bỏ trước ngày bầu cử chính thức. Giới chuyên gia đánh giá tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu càng cao và số lượng cử tri đi bầu sớm hoặc gửi phiếu qua bưu điện càng lớn thường gây bất lợi nhiều hơn cho đảng Cộng hòa. Và thực tế đã chứng minh điều đó.
Giành được chiến thắng đã khó khăn, nhưng nhiệm vụ xây dựng đất nước khi trở thành vị “tổng tư lệnh” của cường quốc số một thế giới còn khó khăn gấp bội trong bối cảnh hiện nay. Ông Biden sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức trên một loạt vấn đề nổi cộm như suy thoái kinh tế, mâu thuẫn sắc tộc, chăm sóc sức khỏe y tế, cải cách hệ thống tư pháp và pháp luật, sở hữu súng đạn hay an ninh quốc gia, cũng như những vấn đề về chính sách đối ngoại với Triều Tiên, Trung Quốc, Trung Đông, khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Liên minh châu Âu (EU),…, khi mà sự chia rẽ sâu sắc giữa hai đảng luôn là rào cản.
Khi tranh cử, ông Biden đưa ra kế hoạch “Build back better", tập trung vào phục hồi ngay lập tức nền kinh tế và giải quyết tình trạng bất bình đẳng vốn ăn sâu bám rễ trong lòng nước Mỹ với một loạt đề xuất mới. Kế hoạch này chủ trương tạo ra hàng triệu việc làm và mang lại công cụ cần thiết để tầng lớp lao động Mỹ xây lại tương lai tươi sáng hơn thông qua các khoản đầu tư quan trọng cho người dân, hạ tầng cơ sở và môi trường. Ông Biden cũng sẽ tìm kiếm các phương án thắt chặt quy định để bảo vệ môi trường, người tiêu dùng, người lao động và nhà đầu tư.
Tuy nhiên, đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng bởi kế hoạch trên được đánh giá là không tạo sự khác biệt cạnh tranh với kế hoạch của Tổng thống Trump. Thậm chí, một số điểm sẽ khó có thể đảm bảo được lợi ích trước tiên của người dân Mỹ khi có sự mâu thuẫn giữa chủ trương của ông Biden trong lĩnh vực thương mại với các quy định của hệ thống các thể chế đa phương như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Trong vấn đề chăm sóc y tế được coi là ưu tiên hiện nay, ông Biden cam kết sẽ lắng nghe ý kiến của các quan chức y tế khi đưa ra biện pháp ứng phó với đại dịch, đồng thời mở cửa trở lại một cách an toàn. Thế nhưng, có khả năng chính quyền của ông cũng sẽ rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” giữa mở cửa để khôi phục nền kinh tế và đóng cửa để ngăn chặn đại dịch. Ông Biden cũng bảo vệ quan điểm duy trì Đạo luật chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng, còn gọi là Obamacare, với sự điều chỉnh cần thiết để có thể mở rộng tới những đối tượng có bệnh lý nền và gặp khó khăn kinh tế, đặc biệt sau đại dịch. Thế nhưng, đạo luật này hiện đang là vấn đề tranh cãi bởi có nhiều bất cập. Đó còn là những vấn đề về cải cách hệ thống tư pháp và nhập cư mà ông từng bị Tổng thống Trump chỉ trích “đã không đạt được thành tựu gì nổi bật” trong suốt 8 năm làm phó tổng thống.
Trên trường quốc tế, chính sách đối ngoại của nước Mỹ chắc chắn sẽ có nhiều sự thay đổi khi ông Biden tuyên bố đảo ngược, xóa bỏ hoặc giảm bớt những động thái được cho là "cứng rắn và táo bạo nhất" của Tổng thống Trump. Danh sách này sẽ gồm việc đảo ngược quy định cấm công dân của các quốc gia chủ yếu là người Hồi giáo được nhập cư vào Mỹ, nối lại việc đóng góp ngân sách và tư cách thành viên của Mỹ tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tham gia lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu,… Ông cũng sẽ tìm cách hợp tác trong các thể chế đa phương như Liên hợp quốc, WTO, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)… cũng như tái gắn kết với các đồng minh truyền thống và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Từ Trung Đông tới châu Á, từ Mỹ Latinh tới châu Phi, và đặc biệt là châu Âu, trong một loạt vấn đề, ông Biden có thể sẽ có những thay đổi liên quan tới cách thức Mỹ hành xử trên chính trường quốc tế.
Tuy nhiên, để biến lời nói thành hành động không phải là điều dễ dàng và ông Biden sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức để có thể thực hiện được cam kết “xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn”.