Những người từng mắc SARS cách đây 17 năm có nhiễm COVID-19?
Kháng thể ở những bệnh nhân từng mắc SARS được chứng minh là ngăn chặn lây nhiễm COVID-19 trong môi trường thí nghiệm, các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ và Mỹ công bố ngày 18.5. Đây được xem là đột phá tiềm năng trong nghiên cứu phương pháp điều trị COVID-19, theo AFP.
Các nhà khoa học Thụy Sĩ và Mỹ trước đó đã phân lập thành công các kháng thể từ những bệnh nhân SARS năm 2003. Họ đã thử nghiệm 25 loại kháng thể khác nhau - nhắm vào các gai protein cụ thể của các loại virus - để xem liệu chúng có thể ngăn chặn các tế bào khỏi bị lây COVID-19 không. Cả SARS và mầm bệnh gây COVID-19 đều là virus Corona có nguồn gốc từ động vật và có cấu trúc tương tự nhau.
Các nhà nghiên cứu xác định được 8 kháng thể có liên kết với cả COVID-19 và các tế bào bị nhiễm bệnh. Trong đó, có một ứng viên là kháng thể S309, cho thấy có "hoạt động trung hòa mạnh đặc biệt" chống COVID-19.
Kết hợp S309 với các kháng thể kém mạnh hơn khác có thể nhắm vào các địa điểm khác nhau của gai protein của virus qua đó giảm khả năng đột biến của virus.
Hàng trăm thử nghiệm về các phương pháp điều trị COVID-19 đã được triển khai trong thời gian qua, trong đó có một số thử nghiệm sử dụng các kháng thể từ những bệnh nhân hồi phục.
Dù chưa có các thử nghiệm trên người được nghiên cứu nhưng các nhà nghiên cứu về kháng thể S309 trong bài viết xuất bản trên tạp chí Nature cho biết, phát hiện của họ là một chứng minh về tính khả thi rằng các kháng thể từ SARS có thể ngăn chặn lây nhiễm và lây lan COVID-19.
"Những kết quả này mở đường cho việc sử dụng S309 và các loại kháng thể kết hợp chứa S309 để điều trị dự phòng cho những cá nhân có nguy cơ phơi nhiễm cao hoặc như một liệu pháp hậu phơi nhiễm để giảm thiểu hoặc điều trị cho bệnh nặng" - các nhà nghiên cứu cho hay.