"Những người khốn khổ" vì dự án Công viên văn hóa 2.000 tỷ nằm trên… giấy
Người dân Hòa Hải bám víu vào diện tích bị bỏ hoang để trồng mè |
Nhận được những lời kêu cứu, khẩn cầu của hàng ngàn người dân vùng quê Sơn Thủy, phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) về tình cảnh phải chịu đựng, sống tạm bợ kể từ khi dự án Công viên văn hoá lịch sử Ngũ Hành Sơn được phê duyệt quy hoạch năm 2009. Trải qua 10 năm, đến nay, dự án tiếp tục bị "treo".
Sáng 25/7, nhóm PV báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có mặt tại đây. Khu vực này nằm giữa danh thắng cấp Quốc gia Ngũ Hành Sơn nhưng người dân lại không được thừa hưởng những dịch vụ tiến bộ và hạ tầng hoàn thiện. Thay vào đó, khung cảnh hoang tàn, xuống cấp đã và đang hiệu hữu mỗi ngày đối với hàng ngàn hộ dân thuộc diện giải toả “treo” sinh sống ngay dưới chân ngọn núi Kim Sơn, thuộc các tổ 1 và 2, khối Sơn Thủy.
Nhiều năm đã trôi qua, đất đai ngày càng bị teo tóp, khiến người dân đành phải bám víu vào số diện tích đất bị bỏ hoang ít ỏi để cải tạo trồng rau xanh. Số hộ còn lại đành đi nơi khác để làm công nhân, phụ hồ, khách sạn…
Một ngôi nhà đã bị đập bỏ giữa chừng và chủ hộ di dời đi nơi khác để định cư |
Chúng tôi đi bộ vào dãy nhà cấp 4 được lợp bằng tôn đã cũ kỹ và may mắn gặp lại ông T.V.V (ngụ tổ 1, khối Sơn Thuỷ). Ông V. kể chuyện mà như muốn khóc: “Như thế này thì sao mà an tâm ở được chứ. Cả bốn bức tường cấp 4 trong nhà đều đã nứt dọc lẫn nứt ngang. Vừa rồi, chúng tôi gọi đứa con trai về để viết đơn gửi lên phường, mong được sửa chữa lại mảng tường phía nhà dưới đã xiêu vẹo nhưng cũng không được vì cán bộ trên đó nói: Nhà đã kiểm kê sao sửa, cơi nới được…”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, vào thời điểm năm 2009, hộ ông V. được kiểm kê toàn bộ diện tích đất, nhà cửa lẫn vườn tược để phục vụ triển khai dự án Công viên văn hoá lịch sử Ngũ Hành Sơn.
Người dân canh tác rau xanh tại khu vực đất trống bị bỏ hoang trước đó |
“Bảng tính giá trị đền bù với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng đã có gần 10 năm rồi, nhưng gia đình tôi cho tới nay vẫn chưa nhận được một đồng nào. Trong vùng giải toả này, hiện chỉ có 10 % số hộ dân may mắn được nhận đủ tiền lẫn đất tái định cư để đi nơi khác, còn khoảng 30% là những trường hợp hộ dân nhận được tiền nhưng chưa nhận được đất tái định cư. Số còn lại là rơi vào cảnh chưa nhận được tiền cũng như không có đất đành cố bám trụ ở chốn cũ này để sống tạm bợ”- ông V. kể.
Chúng tôi dành 20 phút đi dọc các tuyến đường bê tông lẫn cát sỏi dẫn vào các khu dân cư nhìn ra bờ sông Cổ Cò - nơi đang bị san lấp làm dự án khu đô thị biệt thự hoành tráng nằm cạnh chân núi Kim Sơn, đập vào mắt chúng tôi là cảnh những dãy nhà cấp bốn nằm san sát đã xuống cấp, cạnh đó là những ngôi nhà bị bỏ hoang hoặc đập bỏ giữa chừng khiến cỏ mọc um tùm.
Người dân bức xúc vì sống ở thành phố lớn, lại cạnh danh thắng cấp Quốc gia mà đường xá lại không có tên đường, số nhà |
“Nhà cửa thì còn đó nhưng đồ đạc đã được họ chuyển đi hết do may mắn được cấp đất. Chỉ còn chúng tôi còn ở lại đây là khổ thôi. Sống ở một thành phố lớn, lại cạnh danh thắng cấp Quốc gia mà đường xá lại không có tên đường, số nhà”- ông P.T, ngụ tổ 2, khối Sơn Thuỷ nói như muốn khóc.
Theo người dân, trước đây, ông Huỳnh Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND phường Hoà Hải cho biết, theo quy định tại những khu vực giải toả thì dân không được phép xây dựng vì đã được kiểm kê, áp giá đền bù. Đối với những hộ dân đã được kiểm kê đất và nhà cửa, người dân vẫn phải đóng thuế đất hàng năm theo quy định do họ vẫn đang còn ở và sinh hoạt hàng ngày.
Cỏ dại mọc um tùm cạnh nhà dân đã bị bỏ hoang suốt gần thập kỷ |
Thống kê sơ bộ cho thấy, có đến hàng ngàn hộ dân trên địa bàn phường thuộc diện giải tỏa phải nhường đất đai, công trình nhà cửa để phục vụ dự án Công viên văn hoá lịch sử Ngũ Hành Sơn. Hiện dự án đang bị tạm dừng, chủ đầu tư lại chưa có, cộng với nguồn kinh phí thực hiện quá lớn nên trở thành dự án “treo”.
Qua trao đổi, đại diện UBND phường Hòa Hải cho biết, đối với những trường hợp nhà ở xuống cấp nặng, người dân được thành phố cho phép sửa chữa hoặc xây dựng mới nhưng không quá 50m2. Những phần xây dựng thêm, nếu sau này giải toả, người dân sẽ không được thêm tiền đền bù.
Những ngôi nhà, cơ sở điêu khắc tạm không được xây mới vì nằm trong dư án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn |
Được biết, dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn được UBND TP Đà Nẵng ra quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết vào năm 2009.
Theo đó, dự án có diện tích bao quanh khoảng 1 km2 và được cấu trúc theo ý tưởng Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) từ 5 ngọn núi.
Dự án dự kiến có tổng mức đầu tư ban đầu là hơn 2.000 tỷ đồng. Sẽ có khoảng hơn 2.000 hồ sơ được đền bù, nhưng hiện nay mới giải quyết được gần 1.000 trường hợp. Tuy nhiên, quá trình đền bù, giải tỏa và bố trí tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng gặp khó khăn, dẫn đến dự án bị “treo".
Đến năm 2016, dự án được UBND TP Đà Nẵng điều chỉnh quy hoạch và giao Sở Xây dựng phối hợp đơn vị liên quan trong việc đề xuất quy hoạch, lập dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, đồng thời tiến hành đấu thầu dự án.
Vậy nhưng sau 3 năm, đến nay, dự án tiếp tục “treo” lần 2.
Cuối cùng, người dân vẫn là đối tượng bị thiệt nhất.
Tuổi trẻ và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.