Những điểm mới trong quy định về nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp
Kiến nghị hàng loạt giải pháp gỡ vướng cho trái phiếu doanh nghiệp Ngân hàng Nhà nước yêu cầu kiểm soát rủi ro tín dụng vào trái phiếu, chứng khoán |
Theo Bộ Tài chính, sau vụ việc xử lý Công ty Tân Hoàng Minh, tình trạng không thanh toán nghĩa vụ trái phiếu trở nên nghiêm trọng hơn với vụ Công ty An Đông, Vạn Thịnh Phát mà quy mô lớn hơn nhiều lần so với vụ Tân Hoàng Minh. Tình hình mất thanh khoản, không thanh toán nợ đến hạn chưa có dấu hiệu dừng lại, nếu không nói là đang lan rộng.
Nhà đầu tư cá nhân mất niềm tin với thị trường vốn đang dẫn đến khủng hoảng về thanh khoản. Nếu nguy cơ đổ vỡ thị trường tài chính không được nhìn nhận và giải quyết một cách kịp thời thì tác động sẽ truyền đến hệ thống ngân hàng và nền kinh tế thực, tiếp theo sẽ là đình trệ sản xuất kinh doanh, đóng cửa doanh nghiệp, sa thải lao động.
Việc cho rằng rủi ro và khủng hoảng là thuộc tính đương nhiên của thị trường, nhiều tổ chức phát hành sai phạm và nhà đầu tư phải ráng chịu là chưa thấy hết mối quan hệ giữa các thị trường và những hậu quả dây chuyền nghiêm trọng có thể xảy ra đối với nền kinh tế.
Vấn đề của thị trường chứng khoán, bao gồm trái phiếu doanh nghiệp không chỉ là rủi ro của nhà đầu tư cá nhân mà là rủi ro hệ thống tài chính, hệ thống ngân hàng.
Trước đây, quy định về nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp được quy định tại Điều 8 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, từ ngày 16/9/2022 khi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 có hiệu lực thi hành thì quy định này đã được sửa đổi rất nhiều nội dung mới.
Cụ thể, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đã bổ sung thêm quy định về đối tượng mua trái phiếu doanh nghiệp là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Trong đó, nghị định quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán theo quy định tại Điều 11 Luật Chứng khoán. Tổ chức có trách nhiệm xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và tài liệu xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, ngoại trừ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Đồng thời, việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 11 Luật Chứng khoán năm 2020 để mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phải đảm bảo danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch do nhà đầu tư nắm giữ có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại.
Nghị định số 65/2022/NĐ-CP cũng bổ sung thêm trách nhiệm của nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, nhà đầu tư mua trái phiếu có trách nhiệm hiểu rõ về các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư, giao dịch trái phiếu.
Trước khi mua trái phiếu (cả trên thị trường sơ cấp và thứ cấp), nhà đầu tư phải ký văn bản xác nhận đã thực hiện các quy định về (i) tiếp cận nội dung được doanh nghiệp công bố thông tin; (ii) hiểu rõ và tuân thủ quy định pháp luật về đầu tư chứng khoán; (iii) tự đánh giá về quyết định đầu tư của mình và tự chịu trách nhiệm đối với quyết định mua trái phiếu của mình sau khi ký văn bản xác nhận này.
Nghị định cũng quy định không được bán hoặc cùng góp vốn đầu tư trái phiếu với nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp dưới mọi hình thức. Việc huy động vốn và mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và công ty quản lý quỹ thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Khi bán trái phiếu trên thị trường thứ cấp phải cung cấp đầy đủ nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành theo quy định tại Nghị định này cho nhà đầu tư mua trái phiếu.
Cùng với đó, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP cũng bổ sung thêm quyền lợi của nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, nhà đầu tư được yêu cầu doanh nghiệp phát hành mua lại trái phiếu trước hạn theo quy định; nhà đầu tư cũng được yêu cầu người bán trái phiếu cung cấp đầy đủ nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành theo quy định tại Nghị định này khi mua trái phiếu trên thị trường thứ cấp.
Ngoài ra, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP cũng bổ sung thêm quy định về xử lý vi phạm đối với nhà đầu tư. Cụ thể, nếu nhà đầu tư vi phạm quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc xử lý hình sự tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.
Việc sửa đổi, bổ sung quy định về nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp chặt chẽ hơn là điều cần thiết. Tuy nhiên, trong Nghị định số 65/2022/NĐ-CP chỉ mới đang chú trọng về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là các cá nhân mà chưa quy định đến các doanh nghiệp mua trái phiếu.