Những cơ sở thẩm mỹ nào được phép hút mỡ, nâng ngực?

Các cơ sở thẩm mỹ với tên gọi đa dạng như spa, thẩm mỹ viện, bệnh viện thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ… khiến người dân loay hoay trong việc phân biệt đâu là cơ sở được cấp phép với mỗi loại dịch vụ.
Vụ người đàn ông chết ở thẩm mỹ viện: Cơ quan nào đang thụ lý vụ án? Người đàn ông tử vong khi hút mỡ bụng: Tại sao hút mỡ có thể gây chết người? Người đàn ông chết vì hút mỡ bụng: Thẩm mỹ viện chưa được cấp phép Người đàn ông tử vong nghi tai biến khi hút mỡ bụng tại thẩm mỹ viện Việt Hàn

Theo ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội), quy định hiện nay chia các cơ sở có hành nghề thẩm mỹ thành 3 loại hình: thứ nhất là bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ và bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, thứ hai là phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ và thứ ba là cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (các thẩm mỹ viện, spa).

Trong đó, các cơ sở thẩm mỹ viện, spa chỉ được phép làm các dịch vụ phun xăm thẩm mỹ, chăm sóc da thông thường, tuyệt đối không được cung cấp các dịch vụ y tế (các dịch vụ từ tiêm, truyền cho tới can thiệp có xâm lấn).

nhung co so tham my nao duoc phep hut mo nang nguc
Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Hành nghề y dược tư nhân - Sở Y tế Hà Nội

Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ là cơ sở do Sở Y tế cấp phép hoạt động, được phép làm một số phẫu thuật gây tê tại chỗ có quy định trong giấy phép hành nghề như: nâng mũi, cắt mí mắt, sửa da vùng mặt và cổ, tạo má lúm đồng tiền, tạo hình cằm lẹm, cằm chẻ,…

Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ phải có bác sĩ phụ trách chuyên môn là người có chứng chỉ hành nghề, có thời gian thực hành tối thiểu 54 tháng theo Luật Khám bệnh chữa bệnh.

Ngoài ra, phòng khám phải đáp ứng điều kiện về khu vực tiếp đón, khu vực phòng khám, phòng phẫu thuật thủ thuật, đáp ứng đầy đủ về trang thiết bị mới được cấp phép hoạt động.

Bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ và bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ do Bộ Y tế cấp phép. Duy nhất loại hình này được thực hiện các phẫu thuật lớn, phẫu thuật gây mê, gây tê tủy sống,…

Cụ thể, những phẫu thuật như nâng ngực, hút mỡ bụng, tạo hình thành bụng, độn mông, căng da mảng lớn,… đều chỉ được phép thực hiện tại bệnh viện.

Hiện Hà Nội có khoảng 10 bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ và bệnh viện đa khoa có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được Bộ Y tế cấp giấy phép hoạt động, bao gồm cả bệnh viện công lập và tư nhân. Số phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được Sở Y tế Hà Nội cấp phép là khoảng 80 cơ sở.

nhung co so tham my nao duoc phep hut mo nang nguc
Thẩm mỹ viện Việt Hàn - nơi người đàn ông 43 tuổi tử vong khi hút mỡ bụng

Về vụ việc người đàn ông 43 tuổi tử vong sau khi hút mỡ bụng tại thẩm mỹ viện Việt Hàn (Cầu Giấy, Hà Nội) gây xôn xao dư luận những ngày gần đây, ông Trung cho biết: Đây là cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, không được Sở Y tế cấp phép hoạt động.

“Tất cả những dịch vụ thuộc về dịch vụ y tế, từ tiêm truyền cho tới các thủ thuật, cơ sở này đều không được phép thực hiện chứ không nói đến phẫu thuật như hút mỡ bụng”,ông Trung nhấn mạnh.

Ông Trung cũng cho biết thêm, trên giấy đăng kí kinh doanh, thẩm mỹ viện Việt Hàn cũng chỉ đăng kí các dịch vụ phun xăm thẩm mỹ, chăm sóc da. Đội ngũ nhân viên chỉ được đào tạo nghề chứ không có chuyên môn ngành y. Cách đây không lâu, trong buổi tập huấn, phổ biến kiến thức do Phòng Y tế quận Cầu Giấy tổ chức, cơ sở này đã kí cam kết không thực hiện quá phạm vi được cho phép. Tuy nhiên, họ vẫn cố tình vi phạm.

Trong bối cảnh dịch vụ làm đẹp đang rất “ăn khách”, các cơ sở mọc lên ngày một nhiều, ông Trung cho rằng: cần có sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của toàn bộ các cơ quan có thẩm quyền và người dân để quản lý các cơ sở, tránh những hệ quả đáng tiếc.

Theo đó, cần tổ chức nhiều hơn những buổi tập huấn cho các cơ sở hành nghề thẩm mỹ về những dịch vụ họ được làm và ngược lại; quán triệt rõ mức độ nguy hiểm nếu làm quá phạm vi cho phép. Các quận, huyện cần gửi danh sách cơ sở đã đăng kí trên địa bàn về các phường để phường tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ.

Các cơ quan liên ngành cũng cần cùng vào cuộc, kiểm soát hoạt động quảng cáo tràn lan về dịch vụ thẩm mỹ trên các trạng web, mạng xã hội... Sự tham gia của các cơ quan báo chí, người dân sống xung quanh cơ sở thẩm mỹ cũng rất quan trọng trong việc tố giác, phát hiện hoạt động trái phép.

“Đặc biệt, không có “cầu” thì “cung” không thể phát triển. Khách hàng nếu trang bị cho mình đủ kiến thức, từ chối lựa chọn các cơ sở không có giấy phép thì ắt họ không thể tiếp tục kinh doanh sai quy định”, ông Nguyễn Quang Trung nhấn mạnh thêm.

nhung co so tham my nao duoc phep hut mo nang nguc
Thẩm mỹ viện Việt Hàn quảng cáo trên mạng xã hội về dịch vụ nâng mũi, dù đây là dịch vụ không trong phạm vi được phép hoạt động của cơ sở này

Ông Trung khuyến cáo, khi có nhu cầu thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, người dân nên tìm kiểu thật kĩ các thông tin để phân biệt đâu là cơ sở được cấp phép, đâu là cơ sở không được cấp phép cũng như mỗi loại dịch vụ được phép thực hiện ở cơ sở nào.

“Về dấu hiệu nhận biết, một phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được Sở Y tế cấp phép phải có biển hiệu bao gồm tên phòng khám, tên bác sĩ phụ trách chuyên môn, có giờ làm việc, địa chỉ, số điện thoại rõ ràng. Dù trên mạng xã hội họ có quảng cáo ra sao nhưng nếu phòng khám đó không có biển hiệu tức là họ chưa được cấp phép”, ông Trung chia sẻ.

Ở vị trí tiếp đón, các cơ sở thẩm mỹ thường phải niêm yết được giấy phép hoạt động, số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế, Phòng Y tế quận cũng như danh mục dịch vụ họ được làm. Khách hàng cần kiểm tra kỹ xem với loại dịch vụ mình muốn thực hiện, cơ sở này có được phép cung cấp hay không. Bên cạnh đó, bạn cũng cần cân nhắc người bác sĩ tiếp đón, điều trị cho mình có chứng chỉ hành nghề hay không.

Lưu ý, với những dịch vụ như nâng ngực, hút mỡ bụng, độn mông,…., dù bác sĩ của các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ có đủ chứng chỉ hành nghề cũng không được phép làm, bởi những cơ sở đó không thể đáp ứng đủ về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Nguồn: VietNamNet
vietnamnet.vn
Phiên bản di động