Nhờ “sếu đầu đàn” bay cao - vươn xa, Việt Nam sẽ bước lên vũ đài lịch sử mới
Tháng cận Tết, ô tô nhập về Việt Nam tụt dốc Bí thư Thành ủy thăm, tặng quà Tết tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội Ford Ranger có thể sẽ được lắp ráp trong nước? |
Bừng sáng bức tranh kinh tế
Kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong năm 2019 với tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,8%, nợ công giảm gần 8 điểm % GDP so với năm 2016 và thương mại thặng dư liên tiếp bốn năm qua. Đây là những kết quả ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chững lại. Việt Nam đang được xếp trong nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới.
Ngoài ra, trong năm nay, Sách Trắng Việt Nam lần đầu được công bố cũng cho thấy một bức tranh doanh nghiệp với đầy đủ các gam màu, trong đó, gam màu sáng “bừng lên” từ khối kinh tế tư nhân, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 42% tăng trưởng và thu hút 85% lực lượng lao động.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ ra mắt thương hiệu VinFast - xe hơi cao cấp đầu tiên của Việt Nam |
Tại diễn đàn kinh tế tư nhân tổ chức tháng 5/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Khu vực kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế”.
Khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam hiện có khoảng trên 750.000 doanh nghiệp đang tạo ra 12 triệu việc làm, đóng góp tới 43% GDP (so với khu vực kinh tế nhà nước 28,9% GDP và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài FDI là 18% GDP; riêng trong lĩnh vực dịch vụ, khu vực tư nhân đóng góp tới 85% GDP). Thành quả đó là quá trình đổi mới tư duy kinh tế của Đảng, là bước đi đúng đắn phù hợp với phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là sự vào cuộc quyết liệt của chính phủ nhằm "cởi trói" về cơ chế, thể chế, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển.
Một tín hiệu rất tích cực của nền kinh tế năm 2019 là sự phát triển của các doanh nghiệp. Trong danh sách 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD tốt nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Forbes Asia 2019 công bố danh sách, có 7 doanh nghiệp của Việt Nam. Cũng trong danh sách tỷ phú USD thế giới được Forbes vinh danh, đã có 5 tỷ phú USD đến từ Việt Nam. Cùng với đó, có những doanh nghiệp Việt Nam đã hướng tới đột phá trong sản xuất công nghiệp và công nghệ với những dự án đầy tham vọng với hi vọng “đưa tinh thần Việt Nam” vươn mạnh mẽ ra thị trường quốc tế.
Những con sếu mở đường…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những năm gần đây, bên cạnh các tập đoàn nhà nước, doanh nghiệp lớn FDI, đã xuất hiện những tập đoàn kinh tế lớn trong khu vực tư nhân với quy mô ngày càng tăng, tiềm lực lớn và đã tham gia đầu tư vào những ngành như phát triển hạ tầng, công nghệ thông tin, lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực chế tạo kỹ thuật cao.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn thống kê, hiện có 9/29 doanh nghiệp Việt Nam có giá trị vốn hoá trên 1 tỷ USD thuộc khu vực tư nhân (Vingroup, FLC, Masan, Vietjet, Trường Hải, Techcombank, Thế Giới Di Động, Novaland, Hòa Phát…).
Toà nhà Landmark 82 nổi bật của Vingroup tại TP HCM |
Còn theo xếp hạng của Báo cáo Việt Nam (VNR), năm 2019, trong danh sách 50 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, có 21 doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, con số này năm 2016 là 11 doanh nghiệp và năm 2017 là 16 doanh nghiệp, năm 2018 là 17 doanh nghiệp. Trong đó có duy nhất 1 doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân nằm trong danh sách 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, đó là Tập đoàn Vingroup. Có được vị thế này là nhờ những kết quả kinh doanh của Vingroup ở các lĩnh vực công nghệ, công nghiệp và thương mại dịch vụ thời gian qua.
Năm 2019, Vingroup ra mắt nhiều sản phẩm công nghệ, công nghiệp ở thị trường Việt Nam và nước ngoài. Cụ thể, ba mẫu ôtô VinFast Lux A2.0, Lux SA 2.0 và Fadil được giao đến tay khách hàng; tám điện thoại thông minh Vsmart cũng đã bước đầu chinh phục các khách hàng tại các thị trường như: châu Âu, Myanmar, Nga...
Nắm bắt xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Vingroup cũng xác định làm chủ công nghệ cùng chuỗi sản xuất, phân phối ngay từ đầu. Tập đoàn này sở hữu hai tổ hợp sản xuất ôtô - xe máy điện và thiết bị điện tử thông minh, tại khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng) và khu Công nghệ cao Hòa Lạc, cùng hệ thống các đại lý, cửa hàng ở các tỉnh, thành phố và ở quốc tế.
Công viên vui chơi giải trí Vinpearl Land Nha Trang thuộc tập Tập đoàn Vingroup |
Bên cạnh đó, Vingroup quy tụ đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia, kỹ sư dày dặn kinh nghiệm trong nước và quốc tế về làm việc trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp, ưu tiên nghiên cứu các mảng mới như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và vật liệu mới.
Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, Vingroup tiếp tục cải tổ các quy trình nhằm đem tới cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất. Các thương hiệu như: Vinhomes (bất động sản nhà ở), Vincom Retail (bất động sản bán lẻ), Vinpearl (du lịch - nghỉ dưỡng) được công nhận là những thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Trong khi đó, Vinmec, VinSchool, VinUni... cũng đang nỗ lực để ghi dấu ấn trong ngành y tế và giáo dục. Ngoài ra, tập đoàn tư nhân này còn công bố mở trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không Vinpearl Air.
Hiện Vingroup đã trở thành công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam nhưng với Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, tập đoàn này mới chỉ leo lên đỉnh đồi, phía trước vẫn còn rất nhiều núi cao...
Chỉ lấy một đơn cử về chú sếu đầu đàn Vingroup để thấy được vai trò mở đường, dẫn dắt sự tăng trưởng của cả nền kinh tế. Qua đó, có thể khẳng định, khu vực kinh tế tư nhân chính là động lực quan trọng, là rường cột phát triển kinh tế nước nhà. Vì thế, trong quá trình vươn tầm thế giới, Đảng, nhà nước, chính phủ cần tạo thêm lực đẩy cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế lớn như Vingroup là yêu cầu cấp thiết.
Khi có sự chung tay của nhà nước, sự ủng hộ của nhân dân, đất nước mới có thể có những “sếu đầu đàn” bay cao, vươn xa, trở thành các tập đoàn kinh tế toàn cầu. Khi đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ bước lên vũ đài lịch sử mới, vinh quang và rạng rỡ!