Nhìn từ góc độ pháp lý khi trend “đúng nhận, sai cãi” rầm rộ Tiktok

Thời gian gần đây, trên nền tảng mạng xã hội Tiktok xuất hiện nhiều video livestream xem bói thu hút hàng trăm triệu view. Dưới góc độ pháp lý, các luật sư phân tích việc livestream xem bói trên Tiktok khi nào thì được xem là hành vi vi phạm pháp luật.
Văn hóa Like, Share của giới trẻ từ việc "đu trend" "đúng nhận sai cãi" Các ông lớn Facebook, Google, TikTok… nộp thuế hơn 3.000 tỷ đồng tại Việt Nam Sau “bão” Nờ Ô Nô, TikToker càng nên cẩn trọng

Theo luật sư Nguyễn Đức Hùng (LuatVietNam), từ xa xưa, xem bói có thể được coi như một nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt, một “món ăn tinh thần” đối với nhiều người để giải quyết những khó khăn, bế tắc trong cuộc sống.

undefined
Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc Công Ty Luật TNHH TGS (thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội). Ảnh IT

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhất là các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Facebook, Zalo… người dân có thể xem bói trực tiếp qua livestream mà không cần phải đến tận nơi như trước đây.

Một số hình thức xem bói phổ biến hiện nay được nhiều người quan tâm như: Xem bài Tarot, xem tử vi, xem bói bằng chỉ tay…

Cần khẳng định rằng, pháp luật ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của người dân, đây là một trong những quyền cơ bản được nêu rõ tại Hiến pháp.

Hành nghề mê tín dị đoan trên mạng xã hội

Mặc dù vậy, pháp luật nghiêm cấm hành vi mê tín, dị đoan thông qua việc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để xâm hại đến chế độ chính trị, an ninh quốc phòng; đạo đức xã hội, sức khỏe, nhân phẩm, tài sản của người khác và có hành vi trục lợi bất chính.

Điều này đã được nhấn mạnh tại khoản 4, 5 Điều 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016:

Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm

4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo:

a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;

b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;

d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.

Theo quy định nêu trên, có thể thấy nếu việc xem bói không nhằm mục đích trục lợi, không gây hậu quả xấu và không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự thì sẽ không bị coi là vi phạm pháp luật và không bị xử lý.

Ngược lại, hành vi livestream xem bói nhằm mục đích trục lợi bất hợp pháp thì được xác định là vi phạm pháp luật.

Thực tế cho thấy, một số livestream hiện nay trên mạng xã hội của thầy bói, cô đồng mang tính chất của hoạt động mê tín dị đoan. Bởi lẽ, những đối tượng này thường lợi dụng sự mệ tín, cả tin của những người dùng mạng xã hội để thu tiền, trục lợi bất chính.

Những người dùng chỉ cần để lại số điện thoại, gửi hình hoặc đôi khi chỉ cần like và comment bên dưới là được phán về tương lai công danh, sự nghiệp, gia đình của người đó.

Hai hình thức xử phạt khi xem bói trên Tiktok để trục lợi

Xử phạt hành chính

Căn cứ Điều 14 và Điều 20 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, trường hợp chỉ mở livestream xem bói online có thể bị phạt hành chính từ 15 - 20 triệu đồng về hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan.

Khi có các dấu hiệu của hành vi lợi dụng bói toán để trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác thì người lừa đảo livestream bói toán trên mạng có thể bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng (theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

Xử lý hình sự

Người tổ chức livestream để xem bói có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội hành nghề mê tín, dị đoan theo quy định tại Điều 320 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất đến 10 năm tù giam, cụ thể, Điều 320 Bộ luật hình sự 2015 quy định Tội hành nghề mê tín, dị đoan:

Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:

a) Làm chết người;

b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Cô đồng “đúng nhận, sai cãi” – hiện tượng “xem bói” qua Tiktok

Những ngày gần đây “đúng nhận, sai cãi” trở thành hiện tượng Tiktok. Người trẻ, người trung niên, gái, trai…đều theo “trend” của cụm từ này.

Trên tài khoản Tiktok của người này hiện có hơn 150.000 lượt theo dõi, người phụ nữ này thường xuyên đăng tải các đoạn video hầu đồng hay ngồi bổ cau và nói về "lá số tử vi" của người khác.

Trong các video này, cô đồng T.H luôn xưng với người xem bói là cô và con, chuyên xem về đường tình duyên, đất cát, nhà cửa, công danh sự nghiệp, vận hạn…

Không chỉ xem số mệnh, dự đoán về công việc, tình duyên, người phụ nữ còn nói về gia thế, thậm chí chỉ đích danh họ tên các thành viên trong gia đình của người hỏi.

Trong một clip xem bói thu hút hơn 2,5 triệu lượt xem trên nền tảng, người này nói: "Nhà mình tên Tuấn cũng có, tên Đức cũng có, tên Thủy cũng có, Tiến và Lam cũng có, Hưng và Thành cũng có luôn... Bổ quả cau này ra, có người tên Hoa... đúng nhận sai cãi cho cô".

Câu nói "đúng nhận sai cãi cho cô" của cô đồng T.H. ngay sau khi được lên sóng đã nhanh chóng tạo xu hướng trên nền tảng xã hội như TikTok hay Facebook.

Ngay sau đó, một loạt các video về phong cách của cô đồng T.H. cũng được nhiều người bắt chước. Thậm chí, trên Tiktok còn xuất hiện tài khoản giả mạo "cô đồng" với mục đích lừa đảo xem bói online.

Thời gian qua, hiện tượng hành nghề bói toán trên không gian mạng ngày càng phổ biến, gây hệ lụy tiêu cực lâu dài đối với xã hội. Vụ việc cô đồng “đúng nhận, sai cãi” mới đây gây xôn xao dư luận là một điển hình.

Nhìn từ góc độ pháp lý khi trend “đúng nhận, sai cãi” rầm rộ Tiktok
Cô đồng ở Hải Dương rầm rộ Tiktok tạo trend "đúng nhận, sai cãi"

Hiện các cơ quan chức năng của thị xã Kinh Môn (Hải Dương) đang vào cuộc xác minh. Dư luận đặt câu hỏi, nếu cơ quan chức năng xác định hành vi trên là bói toán, hoạt động mê tín dị đoan thì sẽ xử phạt vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự?

Trao đổi với PV, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo của mọi công dân. Tuy nhiên, pháp luật cũng nghiêm cấm hành vi lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để trục lợi. Nghiêm cấm hành vi tuyên truyền những điều nhảm nhí, mê tín dị đoan, không phù hợp với đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục.

Vì vậy, nếu cô đồng “đúng nhận, sai cãi” ở Hải Dương được cơ quan chức năng xác định có hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Hoa Thành
Phiên bản di động