Nhiều lao động ở Đà Nẵng đang cố cầm cự qua ngày bởi dịch Covid-19
Chị Nguyễn Thị Lương trong nhà trọ của mình (P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu) |
Bất đắc dĩ, vợ trở thành lao động chính của gia đình
Hơn một tháng nay, anh Nguyễn Minh Đức (trú Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), là công nhân của Công ty thép Việt - MỸ (P. Hòa Khánh Bắc, Q. Liên Chiểu) phải ở nhà chăm con phụ vợ, bởi anh đang phải nghỉ việc không lương theo yêu cầu của Công ty.
Kéo một hơi thuốc lá, đăm chiêu nhìn vào bên trong căn nhà trọ tềnh toàng không có đồ vật gì đáng giá, anh Đức không giấu được tâm trạng của mình. Anh cũng không ngờ rằng, một ngày nào đó bản thân phải phụ thuộc vào thu nhập của vợ để duy trì cuộc sống gia đình. Trớ trêu hơn, nguồn thu nhập của vợ anh cũng đã bị giảm chỉ còn từ 4-5 triệu/tháng do ảnh hưởng của dịch bệnh.
“Ngày trước, hai vợ chồng tôi mỗi tháng thu nhập trên 15 triệu đồng. Mức lương đó đủ để gia đình trang trải cuộc sống và các chi phí phát sinh lo cho cho con. Nhưng nay, thu nhập chỉ còn khoảng 4-5 triệu đồng thì tôi không biết xoay sở như thế nào mỗi khi con đau ốm, hoặc nhà có việc”, anh Đức chia sẻ.
Anh Đức cũng cho biết, nhiều người trong công ty cũng đang có hoàn cảnh khó khăn giống như gia đình anh. Họ đang phải gắng gượng cầm cự qua ngày chờ cho hết dịch bệnh để đi làm, mong cuộc sống trở lại bình thường.
“Một nghìn đồng cũng không bớt”
Chị Nguyễn Thị Hà quê Quảng Bình (trú tại P. Hòa Khánh Bắc, Q. Liên Chiểu), chị Hà là lao động tự do, chủ yếu kinh doanh bán hàng trực tuyến.
Khi chưa có dịch Covid -19, thu nhập hàng tháng của chị Hà khoảng từ 7-8 triệu đồng. Tuy nhiên, từ khi có Chỉ thị giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh, công việc làm ăn của chị phải tạm dừng và hầu như không có thu nhập.
“Thu nhập hằng ngày dựa vào số lượng sản phẩm bán được, nay không tiêu thụ được hàng, tôi phải vay mượn khắp nơi để có chi phí trả tiền nhà trọ và khoản nợ vay kinh doanh trước đó. Khó khăn chồng chất là vậy, nhưng chủ nhà trọ thẳng thừng tuyên bố, “một nghìn đồng cũng không bớt”, chị Hà bộc bạch.
Cùng chung hoàn cảnh với chị Hà, chị Nguyễn Thị Lương (tạm Trú tại P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu) phải thêm một mối lo mới là khi nợ cũ chưa trả xong, thì nợ mới lại ùa tới.
Bởi theo tính toán hàng tháng của chị, lương của chồng để trả nợ và tiền phòng trọ, còn chi phí sinh hoạt hằng ngày được sử dụng bằng nguồn thu nhập của chị.
Nhưng hơn tháng này, chị Lương không thể mở tiệm làm do phải thực hiện nghiêm Chỉ thị giãn cách xã hội của Chính phủ, còn chồng chị thì bị nợ lương. Một tháng nay, chị phải đôn đáo đi vay mượn mỗi nơi một ít để trang trải cuộc sống.
“Có những ngày, hai vợ chồng tôi không còn một đồng để đi ra đường. Lúc đó, tôi phải năn nỉ người quen để mượn 2 triệu đồng trả tiền phòng trọ. Không biết dịch sẽ kéo dài bao lâu, hiện gia đình chỉ còn biết cầm cự được ngày nào hay ngày đó khi tiền nợ đã lên đến gần 10 triệu đồng, chưa kể khoản nợ trước đó”, chị Lương buồn bã nói.
Bên trong nhà trọ của Chị Lương |
35 ngìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Vừa qua, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố kết quả cuộc khảo sát cho thấy sự ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo đó, đã có gần 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 3 tháng đầu năm nay, đây là con số kỷ lục từ trước đến nay.
Theo khảo sát, có gần 85% doanh nghiệp cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, gần 60% doanh nghiệp cho rằng dịch bệnh khiến họ thiếu vốn và đứt dòng tiền cho kinh doanh, trên 40% doanh nghiệp cho biết đại dịch gây thiếu nguồn cung nguyên liệu, 43% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm.
Tương tự, có 82% doanh nghiệp cho rằng doanh thu năm 2020 của họ sẽ bị sụt giảm sâu so với năm 2019. Và có tới 30% doanh nghiệp dự báo có thể tụt giảm tới 30-50%.
Khảo sát cũng cho biết nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thì có tới gần 30% số doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm.
Trong khi đó, hơn 75% số doanh nghiệp thì báo sẽ phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% số doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay. Chỉ có chưa đầy 1% số doanh nghiệp gia tăng lao động.
Hệ lụy của xu hướng này dẫn đến việc hàng loạt lao động có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây, nếu dịch Covid – 19 tiếp tục kéo dài và diễn biến phức tạp.