Nhân lên sức mạnh phòng, chống dịch với những “số 0”

TTTĐ - Không phải là những con số hàng trăm, hàng nghìn ca nhiễm Covid-19 khiến người dân hoang mang, con số 0 cùng tốc độ xuất hiện ngày càng dày đặc tại các “Siêu thị mini 0 đồng”, “Chợ 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”,“Bếp ăn 0 đồng”, “Suất cơm 0 đồng”… đang trở thành nguồn động lực mạnh mẽ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Hà Nội. Đây không chỉ là sự hỗ trợ về sức người, sức của để có thêm nguồn lực chống dịch mà còn là biểu tượng sinh động cho tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái đang lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội.
Những phần quà ấm áp gửi các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn bởi Covid-19 Thường trực Thành ủy Hà Nội chỉ đạo đảm bảo nghiêm giãn cách xã hội trong dịp Quốc khánh 2/9 Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp trực tuyến với 1.060 "pháo đài" chống dịch cấp xã, phường

Giúp người dân yên tâm chống dịch

Xóm Phao - nơi ngụ cư của người dân ở bãi giữa sông Hồng (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) một ngày cuối tháng 8 trở nên xôn xao khác thường, khi nghe tin “Siêu thị mini 0 đồng” sẽ xuất hiện tại đây với 40 suất quà được trao tận tay cho từng người.

Vậy là từ sáng sớm, người dân trong xóm ai nấy đều hồ khởi tập trung theo thông báo để đón nhận món quà từ Ban tổ chức. Đến điểm tập trung gần như sớm nhất, bà Nguyễn Thị Oanh (quê ở Phú Thọ) cho biết: “Trước đây, tôi đi làm thuê ở Phúc Tân. Bây giờ đã nhiều tuổi lại bị bệnh tim, khớp, không làm được việc nặng, hằng ngày, tôi đi nhặt đồng nát bán lấy tiền nuôi cháu. Từ khi giãn cách xã hội, hai bà cháu đành ở yên trong nhà, trông đợi vào các suất quà hỗ trợ từ phường, quận.

Được thông báo sẽ có nhà tài trợ tới trao quà, tôi và người dân nơi đây mừng lắm. Trước đây, dù có việc làm, bữa ăn vẫn phải chạy vạy từng ngày. Giờ cả thành phố giãn cách, lại được hỗ trợ, không bị đói, thật may mắn biết bao”.

Nhân lên sức mạnh phòng, chống dịch với những “số 0”
Người dân xóm Phao đi "Siêu thị mini 0 đồng"

Ông Nguyễn Văn Được, Trưởng xóm Phao cho biết, hiện xóm có 35 gia đình với 121 người sinh sống trong những căn nhà tạm dựng trên bè ở bãi giữa sông Hồng. Họ đều không có hộ khẩu, không có nghề nghiệp ổn định, chỉ có thể kiếm sống bằng các công việc mùa vụ như chạy xe ôm, bốc vác thuê, nhặt ve chai, đồng nát hay bán hàng rong… Từ ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, người dân xóm Phao không có việc làm. Mặc dù chính quyền phường Ngọc Thụy đã quan tâm, hỗ trợ 2 đợt, tuy nhiên, cũng chỉ giúp đỡ được phần nào.

Bởi vậy, cũng dễ hiểu tại sao, việc “Siêu thị mini 0 đồng” xuất hiện tại đây lại được người dân chờ mong tới vậy.

Được biết, “Siêu thị mini 0 đồng” là hoạt động nằm trong chiến dịch "Hà Nội trái tim hồng" do Thành đoàn Hà Nội phối hợp với nhiều doanh nghiệp, tổ chức thực hiện. Tính đến nay, "Siêu thị mini 0 đồng" tại Hà Nội đã mở được 11 điểm trên toàn địa bàn Thủ đô, hỗ trợ cho gần 15.000 hoàn cảnh khó khăn yếu thế. Tiêu chí của "Siêu thị mini 0 đồng" là không bỏ sót bất kỳ đối tượng nào và linh hoạt tùy từng hoàn cảnh. Cùng với hình thức tổ chức trực tiếp, các “shipper” của siêu thị cũng đến tận hộ gia đình thực sự khó khăn để trao quà, quan tâm, chia sẻ, truyền năng lượng tích cực, để họ có sự lạc quan vào ngày mai tươi sáng hơn.

Cùng với mô hình “Siêu thị mini 0 đồng” của Thành đoàn Hà Nội, mô hình “Chợ 0 đồng” cũng được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô tổ chức tại các quận, huyện có đông người lao động ngoại tỉnh tạm trú. Mô hình được thực hiện với quyết tâm không để người nào khó khăn mà không được quan tâm hỗ trợ, không để ai bị thiếu đói.

Nhân lên sức mạnh phòng, chống dịch với những “số 0”
Nhiều người dân nghèo, lao động ngoại tỉnh gặp khó khăn được tiếp cận các "Gian hàng 0 đồng", "Chợ 0 đồng"

Với mô hình này, mỗi người dân, lao động gặp khó khăn sẽ được cán bộ tổ dân phố rà soát, phát phiếu đến "Chợ 0 đồng" theo khung giờ khác nhau và phải giữ khoảng cách, đo nhiệt độ, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang.

Cũng giống như “Siêu thị mini 0 đồng”, “Chợ 0 đồng” không chỉ triển khai tại những điểm cố định mà các "túi hàng" là các nhu yếu phẩm thiết yếu cũng được linh hoạt chuyển tới hỗ trợ tận nơi ở của những người có hoàn cảnh khó khăn.

Không để ai bị thiếu đói

Những ngày này, mô hình “Bếp ăn 0 đồng” của quận Tây Hồ mỗi ngày mang khoảng 800 suất ăn đến những hoàn cảnh khó khăn, giúp nhiều người yếu thế bớt gian nan trong mùa dịch. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ cho biết, quận đã lên kế hoạch cụ thể, thực chất việc hỗ trợ người yếu thế. Theo đó, Ủy ban Mặt trận tổ quốc các cấp là đầu mối triển khai, đảm bảo nguồn lực được tập trung, phân bổ đúng đối tượng, đúng lúc, tránh việc người có thể được nhận hỗ trợ vài ba lần trong khi có trường hợp chưa hỗ trợ tới.

“Chúng tôi cũng công khai số điện thoại đầu mối giải quyết vấn đề hỗ trợ người yếu thế trên từng địa bàn cụ thể để người dân dễ dàng tiếp cận. Những người nhận hỗ trợ cũng phải cam kết với chúng tôi thực hiện nghiêm việc “ai ở đâu ở yên đó”. Chúng tôi cam kết đảm bảo lương thực “đủ nuôi” người dân đến hết ngày yêu cầu thực hiện giãn cách, ngày 6/9”, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ khẳng định.

Xúc động khi nhận được suất cơm hỗ trợ, sau gần 1 tháng không có việc, mắc kẹt tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Trường (quê ở Ninh Bình) cùng 13 người trong đội thợ xây ở trọ trên địa bàn phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, chia sẻ: “Đội thợ có nhiều người quê ở Điện Biên, Sơn La, Hà Giang nói tiếng Kinh chưa sõi. Mình tôi thay mặt ra nhận cơm thôi. Một tháng vừa rồi, chúng tôi nhận được hỗ trợ 17kg gạo, rau, lạc nhưng còn tiền điện, tiền nước nữa nên không dám ăn uống, chi tiêu gì. Được hỗ trợ cơm thế này anh em chúng tôi phấn khởi ở lại; Chứ cứ bữa ăn, bữa nhịn khổ lắm”.

Nhân lên sức mạnh phòng, chống dịch với những “số 0”
Chương trình "Triệu bữa cơm - Hà Nội nghĩa tình" của tuổi trẻ Thủ đô làm ấm lòng nhiều người lao động nghèo

Không chỉ tại quận Tây Hồ, đều đặn hàng ngày, từ những bếp ăn của chương trình “Triệu bữa cơm - Tấm lòng doanh nghiệp trẻ Hà Nội” đặt tại các điểm trên địa bàn các quận, huyện của thành phố, hàng trăm suất cơm nóng hổi đã được Câu lạc bộ Xe bán tải địa hình Việt Nam PVC chở đến hơn 20 địa điểm đã được đăng ký trước, phối hợp với các cơ sở Đoàn trao tới tận tay những người nhận.

Tính đến nay đã có hàng chục nghìn suất cơm được trao tặng cho người nghèo, lao động tự do, người lao động bị mất việc làm hay sinh viên bị mắc kẹt tại thành phố. Đây là hoạt động trong chuỗi chương trình "Triệu bữa cơm - Hà Nội nghĩa tình" của tuổi trẻ Thủ đô. Trong giai đoạn 3 của chương trình triển khai từ ngày 23/8 - 6/9, Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội sẽ huy động 50.000 suất ăn, mỗi suất ăn có giá trị 25.000 đồng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và dinh dưỡng cho người dân.

Trải qua các đợt dịch cho thấy, sự đồng lòng chống dịch của mỗi tổ chức, cá nhân đã củng cố thêm sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân ta. Họ đã vẽ nên một bức tranh đẹp về tinh thần đoàn kết, về sự sẵn sàng cống hiến, hy sinh khi Tổ quốc cần.

Dịch bệnh còn kéo dài song chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan như lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu trong lễ tiếp nhận lô vắc xin đầu tiên được tài trợ theo Chương trình COVAX: “Đại dịch Covid-19 là dịp để chứng minh rằng nếu tất cả các tổ chức, mọi người dân ở một cộng đồng, quốc gia và trên toàn thế giới cùng đoàn kết, nắm tay nhau thì chúng ta có thể cùng vượt qua những thách thức rất lớn đối với toàn nhân loại”.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động