Nhận diện những hạn chế của nền kinh tế Việt Nam

Cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chưa có nhiều thay đổi đáng kể khi mức độ cải thiện về năng suất, chất lượng chưa đạt như kỳ vọng, khả năng chống chịu của còn hạn chế...
Kinh tế - xã hội Việt Nam sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn Kích thích “cỗ xe tam mã” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Chiều 27/9, tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 13, Ủy ban Kinh tế đã thẩm tra báo cáo đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Theo tờ trình của Chính phủ, đến nay, sau gần hai năm thực hiện đã có 10 chỉ tiêu có khả năng hoàn thành.

Một số chỉ tiêu có kết quả khả quan như: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân hai năm 2021 - 2022 so với GDP đạt 34,0 - 34,2% (mục tiêu đặt ra là 32 - 34%); năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng năm 2021 là 36,03%, năm 2022 ước khoảng 43,89%.

Các nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra đã bước đầu thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, số hóa, xanh hóa.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng chỉ rõ, còn 13 trong số 23 chỉ tiêu rất khó hoàn thành. Đó là các chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động bình quân năm 2021, 2022 đạt thấp, ước lần lượt đạt khoảng 4,58% và 4,75% và thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu đặt ra là 6,5%; tốc độ tăng năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm năm 2022 bình quân ước đạt 5,33%, tốc độ tăng năng suất lao động của 3 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương chưa đạt mục tiêu.

Đồng thời, tốc độ tăng năng suất lao động của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp, đạt 6,9% năm 2021 và 2,97% năm 2022 so với mục tiêu 6,5 - 7%/năm; chỉ tiêu về số lượng doanh nghiệp đạt thấp, đến cuối năm 2023 ước đạt khoảng 900 nghìn doanh nghiệp, còn thấp xa so với mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp.

Nhận diện những hạn chế của nền kinh tế Việt Nam
Phiên họp toàn thể lần thứ 13 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Tại phiên thẩm tra, các đại biểu đã nêu rõ những hạn chế của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời đề nghị Chính phủ cần làm rõ các nguyên nhân khiến nguy cơ tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 khó đạt được.

Theo các đại biểu, cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chưa có nhiều thay đổi đáng kể khi mức độ cải thiện về năng suất, chất lượng chưa đạt như kỳ vọng, khả năng chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế.

Nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu, dễ bị tổn thương và khó phục hồi trước những biến động của kinh tế thế giới.

Đồng thời, việc phát triển lực lượng doanh nghiệp có dấu hiệu chững lại, thậm chí suy giảm, năng lực hấp thụ vốn giảm. Khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước còn yếu và thiếu cả về số lượng và chất lượng, tốc độ tăng trưởng chậm lại, quy mô còn nhỏ, năng lực công nghệ còn hạn chế, chưa theo kịp tiến trình đổi mới công nghệ và phát triển kinh tế số.

Doanh nghiệp tư nhân trong nước tuy đã từng bước tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu nhưng chủ yếu vẫn ở những giai đoạn tạo ra giá trị gia tăng thấp. Mức độ liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp còn hạn chế, liên kết giữa khối FDI với doanh nghiệp trong nước còn yếu, chưa có nhiều cải thiện.

Bên cạnh đó, các ngành kinh tế chưa chuyển dịch mạnh về tăng năng suất, nhất là khu vực công nghiệp và dịch vụ; năng lực tự chủ và khả năng chống chịu còn nhiều hạn chế.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mặc dù là động lực tăng trưởng nhưng năng lực công nghệ của một số ngành công nghiệp nền tảng chậm được cải thiện, chưa đáp ứng được kỳ vọng phát triển, còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu đầu vào.

Nhận diện những hạn chế của nền kinh tế Việt Nam
Đại biểu Nguyễn Trúc Anh - Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội phát biểu.

Trong khi đó, công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp xuất khẩu dẫn đến tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp đạt thấp, giá trị gia tăng tạo ra trong nước chưa đạt như mong muốn.

Chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ vẫn còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, xuất khẩu dịch vụ còn hạn chế, các ngành sử dụng tri thức, khoa học công nghệ còn phát triển chậm. Du lịch phục hồi nhưng chưa nhanh đối với phân khúc thị trường khách quốc tế.

Việc cơ cấu lại một số lĩnh vực trọng tâm còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thể chế và chính sách liên quan trực tiếp đến việc triển khai dự án đầu tư công còn bất cập, một số quy định pháp luật còn chưa đồng bộ, thống nhất, khả thi, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; kết quả đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư tư còn hạn chế.

Ngoài ra, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức về hành lang pháp lý, cơ chế hỗ trợ đối với tổ chức tín dụng tham gia xử lý/nhận chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng yếu kém. Cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém còn chậm, kéo dài. Nợ xấu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thị trường mua bán nợ chậm phát triển.

Các loại thị trường hoạt động còn chưa hiệu quả, chưa đảm bảo điều kiện phát triển bền vững. Trong đó, thị trường lao động còn nhiều hạn chế, còn vấn đề thiếu hụt lao động cục bộ tại một số địa bàn, lĩnh vực, chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, phát triển chậm lại, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến việc phát triển các kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp, làm gia tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng.

Thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp trầm lắng, tồn tại nhiều giao dịch phi chính thức không được quản lý; thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, nhiều dự án khó triển khai, cơ cấu sản phẩm không hợp lý, thiếu nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội.

Trên cơ sở đó, các đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần bám sát chủ trương, đường lối và các mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm; xác định mục tiêu cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng, căn cứ vào tình hình thực tiễn, để giao nhiệm vụ, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, huy động mọi nguồn lực, triển khai thực hiện.

Các đại biểu cũng cho rằng, đề án chỉ được thực hiện khi Chính phủ, các bộ ngành đẩy mạnh tinh thần kiến tạo, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong tổ chức thực hiện một số chủ trương, định hướng còn chưa cao.

Muốn đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại các lĩnh vực trọng tâm để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục tập trung hoàn thiện thế chế, hệ thống pháp luật tháo gỡ rào cản thức đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế; Tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công theo hướng phân cấp, phân quyền, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, đơn giản hoá thủ tục, nâng cao hiệu quả đầu tư và phát huy mạnh hơn vai trò đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư tư nhân, thúc đẩy hình thức đối tác công tư.

Các đại biểu cũng đề nghị đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, liên kết vùng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; Hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, xây dựng khung pháp lý xử lý hiệu quả nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng...

Hậu Lộc
Phiên bản di động